Thứ Tư, 9/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 21/6/2016 9:50'(GMT+7)

Sáng kiến để châu Âu và châu Á gắn kết hơn

Tổng thống Nga phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua.

Tổng thống Nga phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua.

Ý tưởng

Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua có sự tham gia của hơn 10.000 người, trong đó có khoảng 2.500 người đại diện cho giới truyền thông, gần 40 chính trị gia, các chuyên gia kinh tế và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp đến từ Nga và khoảng 60 quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý, có sự xuất hiện của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-mun (Ban Ki-Moon), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Giăng-Clốt Giăng-cơ (Jean-Claude Juncker), Thủ tướng I-ta-li-a Mát-tê-ô Ren-di (Matteo Renzi), Tổng thống Ca-dắc-xtan Nua-sun-tan Na-dắc-bai-ép (Nursultan Nazarbayev), 8 Phó thủ tướng và hơn 30 Bộ trưởng. Trong 2 thập kỷ qua, diễn đàn đã trở thành sân chơi hàng đầu gắn kết đại diện khối doanh nghiệp thế giới và được các chuyên gia kinh tế, dư luận thế giới gọi là “Đa-vốt của LB Nga”.

Trong một bài báo đăng trên tờ Izvestia của Nga, nhân dịp này, Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) tuyên bố ông muốn xây dựng một Liên minh Âu - Á hùng mạnh. Tổng thống Pu-tin cho biết liên minh mới này sẽ được xây dựng trên cơ sở Liên minh thuế quan và Không gian kinh tế thống nhất gồm ba nước: Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng Liên minh Âu-Á là "sợi dây" ràng buộc hiệu quả giữa khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, hướng tới sự phối hợp chặt chẽ về chính sách kinh tế và tiền tệ. Theo đó, thời gian tới, liên minh sẽ được mở rộng bao gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, các nước trong Liên minh Kinh tế Âu - Á và Cộng đồng các quốc gia độc lập cũng như các nước và các tổ chức khác.

Ông Pu-tin khẳng định "Liên minh Âu - Á sẽ trở thành một thành viên đối thoại với Liên minh châu Âu (EU), do đó việc tham gia liên minh này, ngoài lợi ích kinh tế trực tiếp, còn cho phép mỗi nước thành viên hội nhập với châu Âu nhanh chóng hơn và trên vị thế vững chắc hơn. Bên cạnh đó, một hệ thống quan hệ đối tác Liên minh Âu - Á và EU cân bằng, hợp lý về mặt kinh tế có khả năng tạo ra những điều kiện thực tế có thể làm thay đổi cục diện địa chính trị và địa kinh tế của toàn châu lục và chắc chắn có hiệu ứng tích cực trên phạm vi toàn cầu.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của diễn đàn hôm 17/6, Tổng thống Pu-tin cho biết, Nga từ lâu đã nghĩ tới việc thúc đẩy hội nhập giữa các nền kinh tế Âu và Á. Ngay từ đầu năm 2010, ông Pu-tin đã đưa ra ý tưởng về “Hệ thống Kinh tế châu Âu mới”, theo đó sẽ xây dựng nên một cộng đồng kinh tế hòa hợp trên khắp lục địa châu Âu từ Li-xbon (Lisbon) của Bồ Đào Nha tới Vla-đi-vốt-xtốc (Vladivostok) của Nga. Sau đó, Nga tập trung nỗ lực và xây dựng Liên minh Kinh tế Âu - Á bao gồm: Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-ni-a, Cư-rư-gơ-rư-xtan với tổng dân số là 170 triệu người. Giới phân tích cho rằng Liên minh Kinh tế Âu - Á đã đặt nền móng cho việc thực hiện một liên minh đối tác Âu - Á rộng hơn. Tổng thống Pu-tin nói: “Dự án này chắc chắn sẽ mở cửa ra với châu Âu. Và tôi tin rằng sự tương tác như vậy có thể đem lại lợi ích cho nhau”.

Người dân châu Âu, châu Á được hưởng lợi

Nhiều người hy vọng, nếu có thỏa thuận trên, cả Nga, EU sẽ đóng vai trò lớn hơn ở châu Á. Trang mạng "Topwar" (Nga) cho rằng việc Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan khi cùng nhau ký kết một thỏa thuận được mong chờ từ lâu - thành lập Liên minh Kinh tế Âu - Á (EAEU) sẽ "thực sự có tầm quan trọng lịch sử, mở ra những triển vọng dài lâu để phát triển kinh tế, nâng cao phúc lợi cho công dân các nước". Kênh 1 truyền hình của Nga dẫn lời ông Pu-tin nói rằng: "Liên minh này có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, kể cả năng lượng. Nó chiếm 1/5 trữ lượng khí đốt thế giới và gần 15% trữ lượng dầu. Vị trí địa lý cho phép các nước hình thành các tuyến đường vận tải, hậu cần không chỉ có ý nghĩa khu vực mà cả ý nghĩa toàn cầu, gắn với nó là các luồng thương mại lớn của châu Âu và châu Á".

Nhận định về tầm quan trọng của mối quan hệ này, các báo của Nga cho biết, không chỉ mối quan hệ Nga - ASEAN, mà quan hệ ASEAN và EU là hai hình mẫu hội nhập khu vực nổi bật nhất hiện nay. Cả ASEAN và Nga hay ASEAN - EU đều đang đối mặt với những thách thức chung trong thế kỷ 21, có thể học hỏi từ kinh nghiệm của nhau để giải quyết hiệu quả hơn những thách thức ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tờ The Economist số ra mới đây có bài trong đó nhấn mạnh, cả Nga và EU chưa quan tâm đủ đến châu Á, trong đó có ASEAN.

Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, Nga đã rất tích cực đầu tư và củng cố các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa với nhiều nước châu Á. Hợp tác và phối hợp Á - Âu thông qua các mối quan hệ này đã giúp hai bên tăng cường hỗ trợ lẫn nhau, tiến hành trao đổi quan điểm và sáng kiến đôi bên cùng có lợi. Có rất nhiều thành tựu có thể kể đến trong mối quan hệ ASEAN - EU thời gian qua. Tăng trưởng bền vững của ASEAN trong vài thập kỷ qua đã khiến khối này trở thành đối tác đáng mong muốn đối với nhiều nước.

Những thành tựu và những con số thương mại, kinh tế… sẽ đại diện cho một chiến thắng lớn dành cho Á - Âu, và thế giới đa cực bởi vì nó ràng buộc các nước lớn lại với nhau và khiến họ trở nên phụ thuộc lẫn nhau một cách tập thể hơn. Đây rõ ràng là một tầm nhìn dài hạn và không phải là việc có thể hiện thực hóa chỉ trong một vài năm, nhưng con đường đã được mở ra để hình thành những liên minh bền chặt, giúp người dân được hưởng lợi./.

Nguyễn Hòa (QĐND)    

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất