Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 25/3/2012 21:59'(GMT+7)

Sàng lọc, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường

Thường xuyên khám sức khỏe, chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực để phát hiện sớm để phòng tránh bệnh đái tháo đường

Thường xuyên khám sức khỏe, chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực để phát hiện sớm để phòng tránh bệnh đái tháo đường

Tuy đã bước sang giai đoạn II của chương trình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, nhưng thực tế chương trình phòng, chống bệnh ĐTĐ thật sự đi vào hoạt động theo sự điều phối chính thức có hiệu lực từ nửa đầu năm 2010. Đến nay, theo đánh giá bước đầu, chương trình đã đạt các mục tiêu đề ra. Mạng lưới dự phòng ĐTĐ trên phạm vi toàn quốc; kỹ năng chẩn đoán và phát hiện sớm ĐTĐ đã triển khai rộng khắp góp phần giảm các biến chứng cho người bệnh. Đáng chú ý, cộng đồng tích cực tham gia và hưởng ứng nhiệt tình, người dân nhận thức rõ về nguy cơ của bệnh, cho nên chung tay góp sức với nhiều hoạt động cụ thể. Các đơn vị triển khai tuyến tỉnh, thành phố bước đầu quản lý tốt người bệnh ĐTĐ, tiền ĐTĐ và đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ĐTĐ với nhiều hình thức phong phú.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bệnh viện Nội tiết T.Ư, qua điều tra đánh giá năm 2011, thì kiến thức của cộng đồng về bệnh ĐTĐ còn rất thấp. Chỉ có 0,4% số người tham gia điều tra có kiến thức tốt về bệnh; 5,1% trung bình khá; còn lại là hiểu biết rất thấp. Nguyên nhân chính là do hạn chế về kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi dựa vào cộng đồng. Các địa phương chưa thật sự chú trọng xây dựng phòng tư vấn dinh dưỡng và luyện tập tại các đơn vị phòng, chống ĐTĐ để bảo đảm tất cả các đơn vị tuyến tỉnh có phòng tư vấn và mỗi tỉnh, thành phố có hai huyện có phòng tư vấn về ĐTĐ tại khoa nội thuộc bệnh viện huyện. Phòng tư vấn xa dân, khó tiếp cận, trang bị nghèo nàn, thậm chí có địa phương cắt kinh phí thử Test glu-cô máu cho đối tượng tiền ĐTĐ. Các hoạt động truyền thông tuyến tỉnh chưa đưa được các thông điệp chủ chốt đến đông đảo người dân, nhất là người lao động, chưa có biện pháp khắc phục những "vùng lõm" thông tin nhằm thúc đẩy người dân tự giác phát hiện bệnh và tham gia tự nguyện vào các hoạt động của dự án.

Đáng chú ý, mạng lưới phòng và điều trị ĐTĐ cũng còn nhiều hạn chế. Mô hình phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt - ĐTĐ và bệnh viện nội tiết hiện nay tại các tỉnh chưa thống nhất. Cả nước hiện mới chỉ có năm bệnh viện nội tiết, chín trung tâm nội tiết hoặc dinh dưỡng hoặc nội tiết - sốt rét. Đặc biệt, hiện nay chưa xây được bản dồ dịch tễ học ĐTĐ, dẫn đến khó có cơ sở để theo dõi các can thiệp cũng như việc xây dựng các mô hình can thiệp phù hợp từng địa phương, khu vực và nhóm đối tượng.

Chính vì vậy, vấn đề trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ĐTĐ trong năm 2012 là, chủ động sàng lọc để giảm những nguy cơ mắc mới cũng như điều trị kịp thời cho những người tiền ĐTĐ, hay đã mắc để công tác phòng, chữa bệnh bền vững, hiệu quả. Việc tăng cường sàng lọc tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những người tiền ĐTĐ, rối loạn chuyển hóa có ý nghĩa quan trọng, nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm sẽ làm chậm sự tiến triển bệnh ĐTĐ và các biến chứng của nó. 

PGS,TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Y tế, yêu cầu các địa phương cần tăng cường sàng lọc phát hiện sớm bệnh ĐTĐ, chuyển dần từ sàng lọc thụ động sang sàng lọc chủ động và từng bước kết hợp với Bảo hiểm y tế để triển khai rộng khắp trong toàn quốc. Đồng thời chú trọng quản lý, tư vấn, theo dõi người bệnh tiền ĐTĐ, người có yếu tố nguy cơ cao để giảm khả năng tiến triển thành bệnh ĐTĐ, nhằm giảm gánh nặng kinh tế do chi phí điều trị bệnh của gia đình và xã hội. Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phối hợp các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ ..., đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống ĐTĐ để có thêm kinh phí hoạt động và vận động nhân dân tham gia tích cực hơn nữa vào công tác phòng, chống ĐTĐ. Cùng với công tác sàng lọc phát hiện sớm, cần tập trung xây dựng cho được bản đồ dịch tễ học về tỷ lệ bệnh ĐTĐ và rối loạn chuyển hóa ở Việt Nam. Công việc này có ý nghĩa rất lớn giúp cho công tác lập kế hoạch và có các giải pháp can thiệp hiệu quả.

Các nghiên cứu cho thấy, sau 15 năm mắc bệnh, khoảng 2% số người bệnh bị mù với 10% bị hư hỏng giác mạc. Trong khi đó, bệnh tim và đột quỵ gây ra 75% nguyên nhân tử vong ở những người mắc ĐTĐ ở các nước phát triển. Tuổi thọ trung bình của người mắc ĐTĐ trung bình thấp hơn năm đến mười năm so với tuổi thọ chung của cộng đồng. Trong bệnh ĐTĐ, ĐTĐ tuýp 2 là thể chiếm từ 80 đến 90% số người bệnh. Đây là bệnh do tác động qua lại của cả hai yếu tố di truyền và môi trường. Sự gia tăng nhanh chóng của ĐTĐ tuýp 2 liên quan đến yếu tố môi trường, bao gồm các thay đổi về lối sống, chủ yếu là dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng can thiệp thay đổi lối sống có thể làm giảm tỷ lệ mắc mới ĐTĐ ở những người có nguy cơ cao. Mặt khác, chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng hoạt động thể lực còn là các phương pháp điều trị không thể thiếu trong điều trị cho người bệnh ĐTĐ. Lối sống lành mạnh còn có tác dụng phòng và điều trị các bệnh lý liên quan đến ĐTĐ tuýp 2 như tăng huyết áp, rối loạn li-pít máu, bệnh tim mạch... Do vậy, việc đánh giá sự hiểu biết, thái độ và thực hành về thói quen liên quan đến phòng, chống bệnh ĐTĐ của cộng đồng là hết sức cần thiết.

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất