(TG) - Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khóa V nhấn mạnh trong tình hình mới, tổ chức Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm với nhiệm vụ, tiếp tục đổi mới phương thức vận động nhân dân, đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn đặt ra về nâng cao đời sống, về nhận thức chính trị, trình độ sản xuất, kinh doanh và ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân.
Sáng 1/7, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam đã long trọng khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2013-2018 với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Chủ động - Hội nhập - Phát triển bền vững”... Đại hội vinh dự đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự và chỉ đạo Đại hội.
Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các đoàn thể trung ương và gần 1.200 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 10 triệu cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, tiêu biểu cho trí tuệ, sức mạnh đoàn kết của giai cấp nông dân đã về dự Đại hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018 diễn ra trong thời điểm cả nước đang tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) vừa ban hành Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Đảng và Nhà nước ta xác định rõ vai trò và vị thế của nông dân là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và chủ trương nhất quán tiếp tục quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quan điểm: Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức gay gắt, nhưng với ý chí tự lực, tự cường, sự thông minh, sáng tạo, hội viên và nông dân cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đã có bước phát triển mới trong việc tập hợp, vận động nông dân. Phương thức hoạt động của Hội được đổi mới, gắn công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân; tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở nông thôn; phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của nông dân, nhất là Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giầu; Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thông qua các hoạt động của Hội, sự hiểu biết về chính sách, pháp luật và trình độ sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân được nâng lên; đã phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, khơi dậy các tiềm năng, nội lực trong nông dân, nông thôn; từng bước khẳng định vai trò của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân. Những thành tựu của nông nghiệp, nông thôn do giai cấp nông dân đóng vai trò chính là nhân tố quan trọng, bảo đảm cho sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước trong những thời điểm nước ta trải qua tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới vừa qua.
Trong những năm tới, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Nông nghiệp chưa thoát khỏi qui mô sản xuất nhỏ, phân tán, năng suất, chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng tốt yêu cầu; Trình độ văn hoá, tay nghề, chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn còn hạn chế, đang ở giai đoạn đầu của chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Ô nhiễm môi trường đang gia tăng. Phân hoá giầu, nghèo đang diễn ra và vẫn còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác ở nông thôn cần được giải quyết.
Tình hình trên đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm với nhiệm vụ, tiếp tục đổi mới phương thức vận động nông dân. Đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn đặt ra về nâng cao đời sống, về nhận thức chính trị, trình độ sản xuất, kinh doanh và ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân. Từng bước thực hiện vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Với những nhiệm vụ nêu trên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với tổ chức Hội và giai cấp nông dân cả nước. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Phát huy những kết quả đã đạt được, với niềm tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta quyết tâm xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình hoạt động, tại Đại hội lần này, với tinh thần tự phê bình nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, các đại biểu sẽ thảo luận, đánh giá đúng mức, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cũng như những yếu kém, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội V của Hội, nhiệm kỳ 2008-2013. Đồng thời, cũng thấy rõ những cơ hội, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2013-2018 và sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đại hội nghe và cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khoá V) và sáng suốt lựa chọn những đồng chí xứng đáng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2013-2018, thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đủ khả năng lãnh đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra, đáp ứng được niềm tin, sự mong đợi của cán bộ, hội viên, nông dân cả nước.
Đại hội cũng là cơ hội để Hội Nông dân Việt Nam báo cáo với Đảng, Nhà nước những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của hội viên, nông dân về các vấn đề khó khăn, bức xúc của đời sống nông dân hiện nay.
Thu Hằng