Thứ Năm, 21/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Bảy, 12/8/2023 15:41'(GMT+7)

Sáng tạo, đổi mới các hình thức truyền thông, vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp

Biểu diễn bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện

Biểu diễn bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện

Quảng Nam còn là một trong số rất ít địa phương trong cả nước có sân bay, cảng biển, đường sắt và quốc lộ; có tiềm năng phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 67,5 triệu đồng; là một trong số ít các tỉnh tự cân đối ngân sách và có nộp về Trung ương. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương luôn quan tâm, chăm lo đến người dân. Để tạo thêm cơ hội cho người lao động tự do có điều kiện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, Hội đồng nhân tỉnh đã thông qua Nghị quyết 41-NQ/HĐND hỗ trợ thêm phần trăm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách tỉnh ngoài mức hỗ trợ theo quy định; Nghị Quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 12/01/2022 quy định chính sách hỗ trợ BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025.

Tuyên truyền BHXH tự nguyện qua biểu diễn bài Chòi.

Tuyên truyền BHXH tự nguyện qua biểu diễn bài Chòi.

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Chính phủ về cải cách chính sách BHXH, Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền chính sách BHXH và chủ trương của Ngành, những năm gần đây BHXH tỉnh Quảng Nam đã chú trọng đổi mới hình thức truyền thông và đã đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần hơn với người dân, người lao động tự do ở cơ sở.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam về Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới,  Đảng ủy BHXH tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/ĐU ngày 31/01/2020 về đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT nhằm phát huy vai trò mỗi viên chức, người lao động là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT; Nghị quyết số 70-NQ/ĐU ngày 07/9/2021 về nâng cao trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên trong công tác quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Hiện nay, BHXH tỉnh đã ký kết 21 Chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể; phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông và báo đài Trung ương, khu vực và địa phương, như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí BHXH, Báo Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử tỉnh, VTV1, VTT8, Báo diễn đàn doanh nghiệp VCCI, Báo Thanh Niên, Báo Đại đoàn kết, Báo Dân trí , Báo Công an Đà Nẵng,  … làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT trên địa bàn.

Hằng năm BHXH tỉnh đã phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Giải Cuộc thi ”Sáng tạo tác phẩm báo chí tuyên truyền về BHXH, BHYT” cùng với Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng của tỉnh, đã phát huy sức mạnh truyền thông báo chí để tuyên truyền việc thực hiện chủ trương, chính sách của ngành BHXH.

Song song với các hình thức tuyên truyền truyền thống, Quảng Nam đã sáng tạo thay đổi hình thức tuyên truyền để phù hợp với tình hình thưc tế, áp dụng các hình thức truyền thông hiện đại. Chính nhờ vậy mà công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của Quảng Nam những năm gần đây đạt được kết quả cao. Từ chỗ năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện toàn tỉnh chỉ mới 6.674 người, năm 2020 tăng lên 17.618 người và năm 2021 dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn phát triển được hơn 10.600 người tham gia mới.

Tuyên truyền viên tiếp cận người lao động để giới thiệu BHXH tự nguyện.

Tuyên truyền viên tiếp cận người lao động để giới thiệu BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, việc đổi mới công tác truyền thông đã góp phần giúp BHXH tỉnh Quảng Nam kiểm soát được chi phí KCB BHYT, 2 năm liền không vượt dự toán Chính phủ giao. Trong khi đó, nhiều năm trước đây Quảng Nam là tỉnh luôn vượt Quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Để phát triển người tham gia BHXH, BHYT bên cạnh nhiều giải pháp khác, BHXH Quảng Nam xác định truyền thông đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đổi mới, sáng tạo hình thức và phương pháp truyên thông hướng về cơ sở, trực tiếp đến người dân nhằm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từ đó tạo sự đồng thuận để vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. 

Một là, nhạc chờ BHXH tự nguyện. Là một hình thức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện của BHXH Quảng Nam, đã được BHXH Việt Nam công nhận là sáng kiến cấp Ngành.

“Nhạc chờ” hiện nay đang được tất cả cán bộ viên chức BHXH tỉnh, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh cài đặt; viên chức của một số BHXH tỉnh khác cũng đang áp dụng. Thông qua nội dung “Nhạc chờ” người dân hiểu được BHXH là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT, chính sách BHXH tự nguyện là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì quyền lợi của người lao động, vì mục đích an sinh xã hội và để góp phần phân biệt với các bảo hiểm thương mại khác đang có lợi thế hơn về chính sách quảng cáo, tiếp cận người dân.

Hình thức tuyên truyền này nó được lặp đi lặp lại và dần sẽ tạo sự chuyển biển trong nhận thức của người nghe, trước hết là để hiểu đúng về ngành BHXH và chính sách BHXH tự nguyện. Đây cũng là hình thức truyền thông mà một số tập đoàn, các ngành lớn hiện nay đang áp dụng.

Hai là, “Bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện”. Ý tưởng này xuất phát từ việc kết hợp hình thức văn hóa dân gian của địa phương  và nội dung tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tạo nên hình thức tuyên truyền mới, dễ lôi cuốn, thu hút nhiều người dân quan tâm. Đối tượng được tuyên truyền thông qua hình thức văn nghệ dân gian mộc mạc, gần gũi này phần lớn là người dân, người lao động tự do. Tham dự buổi tuyên truyền người dân vừa được thưởng thức văn hóa tinh thần vừa được tìm hiểu về chính sách an sinh xã hội.

Hình thức tuyên truyền “Bài chòi” này BHXH tỉnh phối hợp với Trung tâm văn hóa tỉnh thực hiện, đã và đang được triển khai dưới nhiều hình thức:

+ Tuyên truyền tại cơ sở thông qua tổ chức biểu diễn tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Mỗi buổi tuyên truyền tại cơ sở khoảng 60 phút gồm 03 nội dung: các bài hát về Ngành và 01 bài hát do địa phương nơi tổ chức tuyên truyền tham gia, Mini Game tìm hiểu về BHXH tự nguyện và phần chính là hô hát bài chòi về BHXH tự nguyện. Chính nhờ có sự kết hợp với Trung tâm văn hóa địa phương nên mỗi đêm tổ chức biểu diễn thu hút rất nhiều người xem trực tiếp, có buổi số lượng người xem lên đến gần 1000 người (Tiên Phước, Hội An, Núi Thành).

Khi được tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, hình thức này có sự tương tác qua lại với đối tượng được tuyên truyền nên hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn. Tại buổi tuyên truyền, viên chức BHXH huyện và diễn viên kết hợp phát tờ rơi tuyên tuyền, đặt bàn tư vấn chính sách khi người dân có nhu cầu. Có kết hợp trao phần thưởng cho những người trả lời đúng các câu hỏi Mini Game và trúng thưởng hô hát bài chòi. Phần thưởng là những món quà có in logo của ngành BHXH.

Qua mỗi buổi tuyên truyền, được lãnh đạo địa phương đánh giá cao, tăng thêm sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp cơ sở về thực hiện chính sách BHXH, BHYT nói chung và tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện nói riêng.

+ Năm 2022, sản phẩm truyền thông này đã được ghi hình tuyên truyền thường xuyên trên sóng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh (2 lượt phát/tháng); ghi âm phát trên sóng truyền thanh tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh (1 lượt/tháng).

Ba là, tuyên truyền đối với các địa phương ở vùng sâu, vùng xa.

Quảng Nam là tỉnh có 9/18 huyện là huyện miền núi nên việc tiếp cận thông tin, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế. Điều kiện đi lại, việc tập trung gặp gỡ người dân để tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Vì đời sống tinh thần của người dân ở miền núi rất thiếu thốn nên khi có những buổi biểu diễn, sinh hoạt văn hóa tập trung thường người dân tham dự rất đông. 

Do đó, BHXH tỉnh phối hợp với các Đoàn chiếu phim lưu động của Trung tâm văn hóa tỉnh để kết hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Và những đợt tuyên truyền như vậy được Cấp ủy và chính quyền địa phương rất ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm tổ chức cũng như thông báo qua loa phát thanh cho người dân biết trước khi sự kiện diễn ra.

Thời gian tuyên truyền diễn ra trước khi chiếu phim, dù thời gian ngắn (từ 5-10 phút) nhưng đối tượng được tuyên truyền rất đông. Các buổi tuyên truyền ở các huyện miền núi thường thu hút từ 300-500 người tham dự. Nội dung tuyên truyền là những thông báo ngắn gọn, đi vào trọng tâm là quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, VssID-BHXH số.

Bốn là, tuyên truyền qua loa phát thanh tại các địa điểm công cộng. Để người dân hiểu được chính sách, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện phải xác định là phải có thời gian nhất định, không thể ngày một ngày hai. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và xác định đúng đối tượng tiềm năng, BHXH Quảng Nam đang thí điểm tuyên truyền với Ban quản lý Bãi tắm công cộng, các Chợ thương mại để tuyên truyền qua hình thức phát thanh.

Đã phối hợp với lãnh đạo Ban quản lý đơn vị lựa chọn khung giờ phù hợp với đặc điểm từng nơi, phát thanh hàng ngày để người dân có điều kiện tiếp nhận thông tin nội dung tuyên truyền.

Năm là, tiếp tục duy trì các mô hình tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện đã đem lại hiệu quả cao tại các địa phương trong thời gian qua: Mô hình nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện (thị xã Điện Bàn); Mô hình thu tiền góp hàng ngày của người lao động tự do tại các chợ (huyện Thăng Bình) để tham gia BHXH tự nguyện; Mô hình phối hợp với nghiệp đoàn xích lô, nghiệp đoàn ghe bơi vận động hội viên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (TP. Hội An); Mô hình Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện - vì cuộc sống an sinh tuổi già (huyện Tiên Phước); Điểm sáng tuyên truyền về BHXH tự nguyện (TP. Tam Kỳ) đang được triển khai; Mô hình xã điểm về phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (huyện Tiên Phước);...

Sáu là, một số hình thức truyền thông đang được triển khai có hiệu quả khác như: Áp phích tuyên truyền Điều 215 Bộ luật Hình sự về tội gian lận BHYT đặt tại các cơ sở khám chữa bệnh; Áp phích tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT HGĐ trên phương tiện xe bus lưu thông trên tất cả các tuyến trên địa bàn tỉnh; ...

Trong thời gian đến, bên cạnh việc triển khai các giải pháp khác, BHXH Quảng Nam vẫn xác định truyền thông trực tiếp tại cơ sở là một trong những giải pháp ưu tiên. Các hình thức truyền thông dù truyền thống hay hiện đại vẫn luôn hướng về cơ sở; kết hợp với văn hóa vùng miền để sản phẩm truyền thông đa dạng, gần gũi, dễ tiếp cận đối tượng tiềm năng vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tập trung tuyên truyền vận động lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện./.

Trọng Đạt

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất