Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết: Thành phố thống nhất với Bộ Nội vụ về chủ trương sáp nhập để làm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, bộ máy là cái gốc, sắp xếp bộ máy là việc lớn nên phải hết sức cân nhắc, tính toán lâu dài, không nên nóng vội.
Theo đó, cần đánh giá lại hiệu quả mô hình tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh qua các thời kỳ, cũng như căn cứ vào thực tế quản lý hiện nay, để đề xuất lựa chọn mô hình tối ưu, tránh tình trạng “nhập vào - tách ra”, không ổn định bộ máy sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương.
Theo ông Võ Ngọc Đồng, các địa phương vừa hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong năm 2016 theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các Bộ chuyên ngành. Đến thời điểm hiện nay, nhiều hệ quả chưa giải quyết xong như: dư số lượng cấp phó, chưa cân đối được biên chế, nhân lực giữa các tổ chức cấu thành. Nay Bộ Nội vụ đặt vấn đề tiếp tục sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn sẽ làm xáo trộn bộ máy ở địa phương, tác động đến chất lượng quản lý nhà nước và gián tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, đổi mới bộ máy hành chính không chỉ ở đầu mối tổ chức các sở, phòng mà phải gắn liền với cải cách phương thức quản lý của nhà nước. Trong điều kiện phương thức quản lý chưa đổi mới nhiều, còn trực tiếp quản lý đối với phần lớn dịch vụ công dẫn dến khối lượng và áp lực quản lý cao, việc tinh gọn bộ máy một cách cơ học nhưng nhiệm vụ, khối lượng công việc, cung cách quản lý vẫn không thay đổi sẽ dẫn đến quá tải, hiệu quả quản lý suy giảm. Vì vậy, trước khi tiếp tục sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính ở địa phương, Trung ương cần nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý theo hướng chuyển giao nhiệm vụ nhiều hơn cho các tổ chức phi chính phủ và khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt là dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, đẩy mạnh đấu thầu, thuê khoán doanh nghiệp thực hiện một số công việc của nhà nước... giảm dần tiến đến tách hẳn dịch vụ công ra ra khỏi công tác quản lý, cơ quan hành chính chỉ thực hiện các chức năng quản lý nhà nước thuần túy như ban hành và kiểm soát chính sách, pháp luật. Từ đó, mới tinh gọn bộ máy và biên chế sẽ phù hợp thực tiễn hơn.
Về chủ trương hợp nhất một số sở, theo Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, việc hợp nhất các sở chuyên ngành không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước mà gián tiếp tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của mọi tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội. Các nội dung thể hiện ở “Chương II - Tổ chức các sở thuộc UBND cấp tỉnh” mới thể hiện giảm số lượng các sở và cơ quan ngang sở thông qua việc gộp cơ học chức năng nhiệm vụ mà chưa thể hiện được việc giảm quy mô, khối lượng, nội dung quản lý, thủ tục hành chính, đầu mối công việc và tách biệt các chức năng, nhiệm vụ độc lập. Do đó, cần có luận chứng cho việc sáp nhập này liệu có quản lý tốt hơn hay không. Hướng sáp nhập này sẽ hình thành một số sở có khối lượng công việc quá lớn, siêu sở, dẫn đến khó quản lý, quản lý không chuyên nghiệp.
Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong trường hợp hợp nhất Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị, chức năng quản lý vận tải sẽ không bao quát hết, không đảm bảo việc quản lý chuyên sâu về lĩnh vực vận tải. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan đến việc thành lập Sở Giao thông Công chính, Sở Xây dựng và Quy hoạch nhằm phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý ở chính quyền đô thị và đặc thù chuyên ngành giao thông vận tải, chuyên ngành xây dựng, quy hoạch và kiến trúc đô thị.
Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho hay, việc hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính sẽ tạo sự chủ động trong xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với sự chủ động về nguồn lực và phân bổ nguồn lực tài chính, đầu tư, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, chức năng quản lý nhà nước về doanh nghiệp, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế đối ngoại… gắn với các nhóm chức năng kinh tế ngành của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Vì vậy, có thể hình thành Sở Kinh tế - Thương mại sẽ khoa học hơn là nhập vào Sở Tài chính.
Trong trường hợp thực hiện hợp nhất, cần hợp nhất từ cấp bộ, ngành đến địa phương để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Mặc khác, trên cơ sở Nghị định của Chính phủ về việc này, Bộ Nội vụ và Bộ chuyên ngành nên có thông tư xác định rõ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, biên chế để các địa phương triển khai thực hiện một cách thống nhất./.
Văn Sơn/TTXVN