Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Hai, 13/10/2008 20:20'(GMT+7)

Sắp triển khai Đề án Giảm nghèo bền vững

 Sáng nay (13/10) Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Tọa đàm Báo chí nhân Ngày Thế giới Xóa đói giảm nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10). Ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ Lao động TBXH và ông Nguyễn Tiên Phong, Trưởng Phòng xóa đói giảm nghèo và Phát triển xã hội, UNDP, chủ trì cuộc Tọa đàm.

Báo cáo tại cuộc Tọa đàm, ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, từ năm 1998 xóa đói giảm nghèo (XĐGN) đã trở thành mục tiêu quốc gia và được đưa vào kế hoạch định kỳ 5 năm của Chính phủ và các địa phương, đến nay đã qua 3 giai đoạn (1998-2000; 2001-2005; 2006-2010). Thành tựu lớn nhất của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xóa đói giảm nghèo là đã thực hiện 3 nhóm giải pháp lớn, là: Hỗ trợ điều kiện sinh kế cho người nghèo, Hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và Nâng cao năng lực, đẩy mạnh hoạt động truyền thông giảm nghèo, tạo sự đồng thuận trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Với sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, được sự hợp tác có hiệu quả của cộng đồng quốc tế, thành tựu giảm nghèo đã thu được những kết quả quan trọng: tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 16% (năm 2006), có khoảng 34 triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Như vậy, Việt Nam đã sớm hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ đã cam kết: đến năm 2015, giảm ½ số người nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận: “Những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế”.

Tuy nhiên, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, tỷ lệ hộ cận nghèo lớn, trước những tác động của tăng giá, của thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, nhiều hộ rơi xuống dưới ngưỡng nghèo.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Ngô Trường Thi cho biết, Bộ Lao động TBXH đã và đang xây dựng Đề án Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2015, triển khai tới 61 huyện nghèo nhất (có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%). Theo đó, các xã căn cứ vào đặc điểm của địa phương để đề xuất giải pháp giảm nghèo. Người dân nghèo được trực tiếp nêu ý kiến, tham gia lập kế hoạch.

Thứ trưởng Lê Bạch Hồng cũng cho biết, trong thời gian tới, chương trình giảm nghèo sẽ giảm những hỗ trợ trực tiếp (cho không), và tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp (xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển sản xuất) cho người dân nghèo. Đồng thời duy trì chính sách hỗ trợ cho người mới thoát nghèo trong 2 năm để duy trì kết quả bền vững hơn./.

(VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất