Trong 9 tháng năm 2008 Việt Nam đã đưa 65.013 người đi xuất khẩu lao động tại 34 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận nhiều nhất- với 25.990 lao động; Hàn Quốc- 11.772 lao động; Malaysia- 6882; Nhật Bản- 4122; Arabia Saudi và Các Tiểu vương quốc A rập tiếp nhận 2.300-2.400 lao động mỗi nước.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí về thị trường lao động hiện nay.
PV: Thưa ông, nhìn lại công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) 9 tháng, từ góc độ của Hiệp hội những nhà xuất khẩu lao động, ông có thể đưa ra đánh giá và nhận xét gì về thị trường lao động hiện nay?
Ông Nguyễn Lương Trào: Công tác XKLĐ năm nay có nhiều khó khăn và thách thức. Chúng tôi đánh giá rằng, để đạt được kết quả XKLĐ như 9 tháng vừa qua, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng.
Nhìn sâu hơn vào các thị trường, có thể phân ra thành 2 loại: thị trường lớn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, với quy mô 1.000 lao động trở lên, và loại thị trường nhỏ tiếp nhận với số lượng nhỏ hơn. Trong 9 tháng, chúng ta có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc loại thị trường lớn, đã tiếp nhận 61.701 lao động, chiếm đến 95% tổng số. Đây là những thị trường truyền thống, tiếp nhận lao động từ nhiều năm nay.
23 thị trường lao động còn lại chỉ tiếp nhận khoảng 5% số lao động. Số lượng tuy rất nhỏ, nhưng lại là hé mở quan trọng những thị trường mới, như: Canada, Australia- những thị trường có tiếng là “khó tính”, mới chỉ tiếp nhận vài chục lao động, song đó là bước đầu đã đạt được. Một số thị trường ở châu Âu, như Czech, Slovakia mỗi nơi có vài trăm lao động (Slovakia có 300 LĐ, Czech có 1.300 LĐ); CHLB Nga, CH Ukraine, CH Belarus…
Một số nước ở Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch là những thị trường hoàn toàn mới, rất khó tính về yêu cầu lao động và thủ tục làm visa, bắt đầu cũng hé mở triển vọng tiếp nhận lao động Việt Nam.
Đây là những điều đáng quan tâm và là thành công bước đầu, đưa lại triển vọng trong những năm sau. Chúng ta cần đánh giá kỹ rằng, những thị trường này có yêu cầu cao không chỉ về tay nghề, ngoại ngữ, mà còn cả ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ cương, kỷ luật lao động. Với thị trường có thu nhập càng cao, có điều kiện phúc lợi xã hội cao, thì những yêu cầu này đặt ra càng cao. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị rất công phu, bài bản, trước hết về chất lượng đội ngũ lao động, sau đó là từng bước phát triển một cách bền vững để duy trì và phát triển những thị trường này.
PV: Ông đề cập những yếu tố khó khăn, cả về thị trường trong nước và nước ngoài. Vậy những khó khăn đó có thể quy tụ về những nhóm như thế nào?
Ông Nguyễn Lương Trào: Về phía thị trường ngoài nước, có thể nói rằng, các thị trường ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng, kỹ năng tay nghề và trình độ ngoại ngữ. Nếu chúng ta có đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu về tay nghề thì có thể đưa đi một cách rộng rãi với số lượng lớn. Song điều này đang còn bất cập.
Còn trong nước, có thể nổi lên một số vấn đề sau Thứ nhất là nguồn lao động có tay nghề và ngoại ngữ là chưa đáp ứng được. Thứ hai là tâm lý của người lao động cũng bắt đầu kén chọn thị trường, mà tâm lý này đôi khi chưa hợp lý. Người lao động trước khi chọn một thị trường lao động đương nhiên phải tìm hiểu thông tin, cân nhắc chọn lựa, chúng ta cũng cần phải tư vấn cho người lao động làm việc đó. Làm tốt việc này thì khi người lao động đi làm việc mới đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều khi thông tin thiết thực đến với người lao động lại chưa được nhiều. Hiện nay có tình trạng: Khi xuất hiện 1 số thị trường Đông Âu như Czech và Slovakia, rất nhiều người bỏ thị trường khác, nhao sang đăng ký đi khu vực này, trong khi không biết điều kiện tối thiểu mình cần phải đạt là gì. Nhưng cứ đăng ký, chờ đợi, có người lại nghĩ cứ chi phí cao là đi được, trong khi đó lại không chuẩn bị cho mình điều kiện để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về nghề và ngoại ngữ như thế nào. Đây là một yếu tố tâm lý không tốt, cần phải tư vấn lại cho người lao động.
Đã xuất hiện tâm lý bỏ thị trường có thu nhập thấp. Ví dụ như Malaysia là thị trường phù hợp với người nghèo và chưa có nghề. Nếu doanh nghiệp tìm được những hợp đồng tốt thì đi Malaysia cũng vẫn tốt. Thời điểm bây giờ chúng ta đã có được sự lựa chọn và có cơ hội tìm được những hợp đồng tốt. Doanh nghiệp làm tốt công tác tiếp cận và thẩm định đối tác, thì người lao động vẫn có được thu nhập ổn định, có thể chấp nhận được. Đây vẫn là thị trường có thể duy trì.
Một yếu tố khách quan khác là do tình hình trong nước và thế giới hiện nay chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và tiền tệ, nên vốn vay cho người lao động cũng gặp khó khăn, đây cũng là một trở ngại cho công tác XKLĐ thời gian qua.
PV: Hiện nay, một số doanh nghiệp bước đầu đã chủ động đào tạo nghề cho nguồn lao động, đồng thời Bộ Lao động cũng đang thực hiện thí điểm Đề án dạy nghề cho người lao động đi xuất khẩu. Song trên thực tế, đào tạo nghề hiện nay vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được với yêu cầu của thị trường lao động trong nước. Vậy thì với thị trường lao động nước ngoài, liệu công tác đào tạo này có đáp ứng được tiêu chí của họ hay không?
Ông Nguyễn Lương Trào: Đây là một thực tế hiện nay đang thách thức chúng ta. Đánh giá một cách toàn diện, thì hiện nay lao động có tay nghề cao còn thiếu đối với ngay thị trường trong nước.
Học sinh tốt nghiệp các trường dạy nghề của ta chỉ mới đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, còn có đáp ứng được với thực tế công việc ở nước ngoài hay không thì còn 1 khoảng cách nhất định. Chúng ta cần phải tìm cách xóa bỏ khoảng cách này.
Thời gian qua, Hiệp hội cũng tìm cách tư vấn cho doanh nghiệp có biện pháp chủ động tìm nguồn lao động. Nếu doanh nghiệp có điều kiện, tổ chức được dạy nghề thì điều đó rất đáng hoan nghênh. Song bản thân doanh nghiệp không làm được tất cả. Chúng ta đã có cả một hệ thống dạy nghề quốc gia. Chúng tôi tư vấn cho doanh nghiệp sử dụng, tận dụng hệ thống này một cách chủ động. Có nghĩa là, doanh nghiệp tìm được đối tác bên ngoài, tiếp cận được nhu cầu của thị trường, rồi hợp tác với các trường nghề trong nước, chọn ra những nghề thích hợp, và tổ chức đào tạo phục vụ cho các hợp đồng lao động. Nếu làm tốt, thậm chí còn có thể tổ chức kiểm tra lấy chứng chỉ của bên tiếp nhận lao động.
Hiện nay có doanh nghiệp đã hướng theo mô hình này. Ví dụ, có trường đã hợp tác với Viện Hàn của Slovakia, tổ chức đào tạo theo công nghệ của bạn. Sau khi học xong, phía bạn sang tổ chức kiểm tra, cấp chứng chỉ. Nếu chúng ta mở ra cách làm này, thực hiện được với nhiều nghề, nhiều doanh nghiệp XKLĐ cùng làm, chúng ta sẽ chủ động được nguồn lao động có tay nghề.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có Đề án thí điểm đào tạo theo đơn đặt hàng cho XKLĐ. Đây là điều rất tốt, hỗ trợ được doanh nghiệp và đào tạo có chất lượng, theo yêu cầu đầu ra. Làm được việc này chúng ta sẽ từng bước tăng được lao động có nghề để phục vụ cho công tác XKLĐ.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
(Theo VOVNews)