Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 10/10/2008 20:32'(GMT+7)

Một số điểm mới về công tác cai nghiện, phục hồi quy định tại luật phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Một vụ án mua bán chất ma tuý bị đưa ra xét xử. Ảnh minh hoạ

Một vụ án mua bán chất ma tuý bị đưa ra xét xử. Ảnh minh hoạ

 Trong quá trình đó, Cục phòng chống tệ nạn Xã hội (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với ngành công an, các ngành chức năng và các cơ quan truyền thông đại chúng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ma tuý đối với đời sống xã hội; về trách nhiệm của hệ thống chính trị và cả cộng đồng đối với việc phòng, chống ma tuý; đề xuất với chính phủ nhiều giải pháp, mô hình cai nghiện ma tuý; phối hợp với Uỷ ban TWMTTQVN xây dựng phong trào “Xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội” góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh làm hạn chế, đẩy lùi tệ nạn ma tuý và các tệ nạn xã hội khác.

Tuy nhiên, tệ nạn ma tuý ở nước ta hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng. Hiệu quả của các hoạt động giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại trong phòng chống ma tuý còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do hệ thống pháp luật về phòng chống ma tuý chưa đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma tuý. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý là cần thiết nhằm khắc phục những mặt hạn chế, từng bước nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý, phù hợp với tình hình và điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay.

Trong lĩnh vực cai nghiện ma tuý, Luật sửa đổi lần này, tập trung vào 6 nội dung cơ bản sau:

1. Về chính sách cai nghiện ma tuý:

Luật sửa đổi lần này tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhà nước áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma tuý và có chính sách khuyến khích người nghiện ma tuý tự nguyện cai nghiện; đồng thời nhà nước cũng tổ chức các cơ sở cai nghiện bắt buộc và áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với những người không tự nguyện cai nghiện.

Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ, đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện ma tuý và phòng, chống tái nghiện ma tuý.

2. Về vấn khai báo người nghiện ma tuý và đăng ký hình thức cai nghiện.

Luật sửa đổi đã xác định rõ hơn về trách nhiệm của người nghiện, gia đình người nghiện trong việc khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện. Đây là căn cứ pháp lý để áp dụng các biện pháp cai nghiện đối với người nghiện ma tuý, đồng thời cũng xac định rõ trách nhiệm của uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện quy định này.

3. Về biện pháp và hình thức, thời hạn cai nghiện:

Luật sửa đổi xac định rõ 2 biện pháp cai nghiện ma tuý (cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc) và 3 hình thức cai nghiện (cai nghiện ma tuý tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng và cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện).

Hình thức cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng với người tự nguyện cai nghiện; nếu người nghiện không tự cai nghiện thì sẽ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cai nghiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Luật sửa đổi cũng xác định rõ thời hạn cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng là từ 6 đến 12 tháng; giao UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức cai nghiện tại cộng đồng và hướng dẫn, hỗ trợ cai nghiện tại gia đình.

4. Về xử lý người đang cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội:

Người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma tuý thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; trường hợp phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì vẫn phải thực hiện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

5. Về quản lý sau cai nghiện:

Đây là nội dung mới của luật phòng chống ma tuý sửa đổi. Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý, luật sửa đổi bổ sung chế định về quản lý sau cai nghiện ma tuý, cụ thể là người nghiện sau khi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma tuý phải chịu sự quản lý sau cai nghiện từ 1 đến 2 năm theo một trong 2 hình thức; quản lý tại nơi cư trú hoặc quản lý tập trung tại cơ sở quản lý sau cai nghiện đối với người có nguy cơ tái nghiện cao; đồng thời Luật sửa đổi cũng quy định rõ về nội dung quản lý sau cai nghiện ở các hình thức này.

6. Về chương trình giảm tác hại:

Thời gian qua, tệ nạ ma tuý đã gây ra hậu quả trên nhiều mặt như gây mất trật tự xã hội, nguồn gốc phát sinh tội phạm, đặc biệt làm lây lan nhanh dịch HIV qua đường tiêm chích ma tuý và gây tổn hại lớn về kinh tế. Vì vậy, Luật sửa đổi bổ sung quy định về các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý và giao chính phủ quy định cụ thể và tổ chức thực hiện các biện pháp này.

Người nghiện ma tuý cần được xem xét dưới 3 góc độ: là người bệnh (bị một loại bệnh về tâm thần do sử dụng trái phép chất ma tuý), người có hành vi vi phạm pháp luật (do sử dụng trái phép chất ma tuý), và là người sa ngã vào tệ nạn xã hội (bị lệch lạch về nhân cách, hành vi). Vì thế, cai nghiện ma tuý phải là một quy trình áp dụng tổng hợp các phương pháp, biện pháp đảm bảo xử lý đồng bộ 3 khía cạnh về y tế, pháp luật và xã hội nhằm, phục hồi và hỗ trợ, giúp cho người nghiện từ bỏ được ma tuý, rời bỏ con đường lầm lỗi trở lại thành người bình thường. Đây cũng chính là quan điểm cơ bản trong việc sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống ma tuý lần này. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để xác định quy trình, nội dung các hoạt động và thời gian cai ma tuý trong mỗi hình thức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện.

Thực hiện công tác cai nghiện thời gian qua, đặc biệt là sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH 11 của Quốc hội khoá XI cho thấy, những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác cai nghiện là việc cách ly người nghiện khỏi “môi trường ma tuý”; đi đôi với sự quản lý, giám sát của gia đình, cộng đồng và hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm đối với người đã cai nghiện trở về. Do vậy, việc bổ sung quy định về tiếp tục quản lý giám sát và giúp đỡ đối với người sau cai nghiện ma tuý trong luật sửa đổi là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế của công tác cai nghiện nói riêng cũng như phòng chống ma tuý nói chung ở nước ta hiện nay.

Luật sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 01-01-2009./

 Ngọc Lê

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất