Trên tuyến đầu chống dịch, bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt
của đội ngũ nhân viên y tế, chính quyền địa phương, các lực lượng chức
năng, sự ủng hộ của người dân, còn có sự góp sức hết sức quan trọng của
hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an ngày đêm âm thầm giữ vững an
ninh, trật tự xã hội, tham gia ổn định đời sống nhân dân và phòng,
chống đại dịch.
Ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, cùng với các lực lượng
chức năng, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an sát cánh
cùng nhân dân chống dịch trở nên rất quen thuộc. Họ có mặt mọi nơi, từ
vùng biên giới, hải đảo xa xôi, đến đường phố, đường liên xã, liên thôn,
từng chốt chặn phòng, chống dịch, gần hơn nữa là "đi từng ngõ, gõ từng
nhà" cùng lực lượng chức năng kiểm tra, truy vết mầm bệnh, động viên
đồng bào thực hiện tốt các quy định. Ở nơi nào người dân cũng có thể bắt
gặp hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an không quản ngại gian
khó, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Như cảnh sát giao thông tăng
cường hoạt động ở các chốt kiểm tra đường bộ và đường thủy, bảo đảm kiểm
soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào từng địa phương, nhất là các
khu vực đang áp dụng biện pháp phong tỏa. Cảnh sát khu vực không quản
ngày đêm làm nhiệm vụ tại các chốt chặn, hỗ trợ người dân khi có việc
khẩn cấp như ốm đau phải tới bệnh viện, vận chuyển nhu yếu phẩm cần
thiết đến từng hộ dân có người là đối tượng F0, F1 đang phải cách ly.
Hằng đêm, hình ảnh các chiến sĩ công an tuần tra để phát hiện, xử lý
những tình huống bất thường bảo đảm an ninh an toàn tính mạng và tài sản
của người dân. Khi Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam thực hiện
giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hàng vạn lao động đã về quê tránh
dịch. Các chiến sĩ công an đã nhanh chóng có mặt dọc theo hàng nghìn cây
số trên các tuyến đường, kịp thời hỗ trợ và cung cấp thực phẩm, nước
uống, thậm chí từng lít xăng, hướng dẫn cách phòng dịch bệnh, dẫn đường
cho mọi người đi qua các địa phương được an toàn, không để xảy ra tình
trạng ùn tắc.
Với phương châm "Chủ động tấn công, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên
ngoài, khoanh vùng dập dịch từ bên trong, chữa trị hiệu quả, bảo vệ tốt
nhất sức khỏe, tính mạng của người dân", các lực lượng quân đội đã
triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng,
chống dịch COVID-19. Từ khi làn sóng thứ tư của đại dịch xảy ra, quân
đội đã bố trí 180 điểm cách ly tập trung, hỗ trợ khử khuẩn, khoanh vùng,
dập dịch cho các địa phương. Hiện đã sử dụng hơn 90 điểm cách ly tập
trung cho hơn 15.600 người. Tại các tuyến biên giới, nhiều tháng nay, Bộ
đội Biên phòng luôn duy trì hàng nghìn chốt chặn với hàng vạn cán bộ,
chiến sĩ ngày đêm thay nhau làm nhiệm vụ kiên quyết ngăn chặn các trường
hợp nhập cảnh trái phép, triển khai hàng trăm điểm cách ly, giám sát
chặt chẽ công dân trở về từ khu vực biên giới. Trên các đường mòn, lối
mở, bên bìa rừng hay trên vách núi hiểm trở vùng biên cương, Bộ đội Biên
phòng dựng lều, lán trại dã chiến, bám trụ địa bàn trong điều kiện
thiếu thốn, mưa dầm giá rét để khóa chặt toàn tuyến biên giới và ngăn
người nhập cảnh trái phép. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7 đã triển khai
55 điểm cách ly tập trung với 13.000 giường bệnh, cử lực lượng tham gia
quản lý hơn 300 điểm cách ly tại địa phương. Cùng với đó là hàng trăm
tổ, đội cơ động, tổ chuyên khoa tham gia công tác truy vết COVID-19 và
hơn 200 tổ lấy mẫu xét nghiệm. Với phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", cán bộ và
chiến sĩ quân đội đã và đang khẩn trương hết mức có thể, để cùng với các
lực lượng tuyến đầu ngăn chặn sự lây lan của dịch, bảo đảm an toàn sức
khỏe nhân dân.
Trên thực tế, gần hai năm đương đầu với dịch, không thể đo đếm hết
những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ quân đội, công an. Đã có nhiều
đơn vị quân đội dựng lều trại sinh hoạt ngoài rừng, nhường doanh trại
làm nơi ở cho người dân phải cách ly. Nhiều chiến sĩ công an vừa tăng
cường hỗ trợ công tác chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã lại lên đường
tăng cường cho địa phương khác. Nhiều người phải xa gia đình vài tháng
nay chưa được thăm nhà. Không ít người trong số họ có hoàn cảnh khó
khăn, vợ mới sinh con không thể ở nhà trông nom, con ốm không thể chăm
sóc, phải hoãn cưới vợ, cha mẹ qua đời không thể về chịu tang. Và đã có
những cán bộ, chiến sĩ ngã xuống giữa ngày dịch bệnh. Như Đại úy Phan
Tấn Tài, công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an
quận 6 (Thành phố Hồ Chí Minh) hy sinh trong khi truy bắt đối tượng nghiện ma
túy vi phạm quy định phòng, chống dịch. Trung úy Nguyễn Văn Chiến ở Đội
An ninh, Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hy sinh khi đang làm nhiệm vụ
tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh, Phó
Trưởng Công an xã Phước Thanh, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) trong lúc làm
nhiệm vụ thực hiện truy vết không may bị nhiễm bệnh. Dù được điều trị
tích cực nhưng anh đã hy sinh ngày 11/8 vừa qua.
Trong lực lượng y tế ở tuyến đầu, hiện đang có hàng nghìn y, bác sĩ,
nhân viên y tế thuộc biên chế của lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia
điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân mắc COVID-19. Khi các tỉnh Bắc
Ninh, Bắc Giang trở thành tâm dịch, Bệnh viện 19/8 và Bệnh viện Y học
cổ truyền (Bộ Công an) đã nhanh chóng cử 166 cán bộ, nhân viên y tế tham
gia điều hành Bệnh viện dã chiến số 2 tại Bắc Giang. Ngay sau khi đợt
dịch thứ tư bùng phát mạnh, 130 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc Bệnh
viện Quân y 105 đã lên đường đến Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để
xây dựng Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D quy mô 1.000 giường giúp
tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Tại các tỉnh, thành phố khu
vực phía nam đang phải chịu ảnh hưởng nặng vì dịch, hiện có tới bảy bệnh
viện dã chiến của quân đội được triển khai với khả năng thu dung, điều
trị 3.500 bệnh nhân và sẵn sàng mở rộng tiếp nhận đến 10.000 bệnh nhân.
Các thầy thuốc quân y đóng góp rất lớn vào công tác điều trị bệnh nhân
mắc COVID-19, hỗ trợ đắc lực cho ngành y tế nhiều địa phương.
Những ngày chống dịch cam go, có rất nhiều câu chuyện ấm áp về nghĩa
tình quân dân gây xúc động lòng người. Tiêu biểu như mô hình "Gian hàng 0
đồng" của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang, hay phong trào tại Sư đoàn
309 (Quân đoàn 4) đóng góp hàng nghìn phần quà hỗ trợ người dân các địa
phương bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ngày 5/8 Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã trao
5.000 suất quà tặng nhân dân các địa phương trên địa bàn. Ngày 8/8, Bộ
Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai chiến dịch "100.000 phần quà
hỗ trợ nhân dân", cố gắng bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn nhận ít nhất
100 phần quà hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Cán bộ,
chiến sĩ công an huyện Sốp Cộp (Sơn La) hiến máu cứu sống mẹ con sản phụ
qua cơn nguy kịch. Rồi Cảnh sát giao thông huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An)
huy động lực lượng giúp dân thu gom nông sản; Đại úy Nguyễn Đình Chiểu,
Công an phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) giúp đỡ đưa một sản
phụ đến bệnh viện sinh con; cán bộ, chiến sĩ Công an quận Nam Từ Liêm
quyên tiền tặng xe máy cho chị lao công bị cướp xe máy... Và mới đây,
phải nhắc tới nỗ lực của Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh khi triển khai tiếp
nhận tro cốt, thắp hương đối với các trường hợp chết vì COVID-19 trên
địa bàn thành phố... Những câu chuyện ấm áp đó giống như ngọn lửa truyền
hơi ấm, mang nguồn năng lượng tích cực đến với cộng đồng, góp phần viết
nên bản hòa ca đẹp đẽ về lòng nhân ái, tình thương yêu đùm bọc vốn là
truyền thống quý báu của dân tộc; về tính ưu việt của chế độ xã hội.
Hơn nửa thế kỷ qua, trong mọi giai đoạn cách mạng, các lực lượng vũ
trang luôn là đội quân tiên phong, trung thành với Tổ quốc, với Đảng và
nhân dân, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh vì đất nước, dân tộc. Trong chiến
tranh hay trong thời bình, họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ
quyền quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh không khoan
nhượng với các thế lực thù địch âm mưu chống phá đất nước. Khi dịch
COVID-19 lây lan tại nhiều địa phương, các lực lượng vũ trang luôn là
lực lượng xung kích, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an
ninh trật tự xã hội trong mọi tình huống, vừa nỗ lực tham gia chống
dịch. Trong mọi thử thách, phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", của
Công an nhân dân luôn được phát huy ở mức cao nhất, xứng đáng là lực
lượng nòng cốt, chỗ dựa vững chắc cho chính quyền và nhân dân. Chính vì
vậy, trong những ngày đất nước gặp khó khăn vì dịch bệnh, hành động và
hình ảnh đẹp của các chiến sĩ quân đội, công an càng trở nên sáng rõ,
trở thành điểm nhấn đặc sắc, nhân văn trong phòng, chống dịch COVID-19 ở
Việt Nam./.