Hà Nội đang triển khai đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước tới nay nhằm bóc tách F0 khỏi cộng đồng, tuy nhiên, người dân băn khoăn về nhiều vấn đề đảm bảo an toàn trong quy trình thực hiện.
Thành phố Hà Nội đang triển khai xét nghiệm với quy mô lớn ở nhiều nơi và những đối tượng có nguy cơ cao để chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Đợt cao điểm xét nghiệm từ ngày 9/8 đến 17/8, ngành y tế Hà Nội tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR.
CHỈ CẦN XỊT KHỬ KHUẨN TRÊN GĂNG TAY KHI LẤY MẪU
Hiện nay, một số người dân khi tới các điểm lấy mẫu xét nghiệm có băn khoăn khi thấy nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm nhiều người nhưng lại không thay găng tay mà chỉ sát khuẩn bằng cồn sau mỗi một lần thủ thuật. Có ý kiến bày tỏ lo ngại với việc sát khuẩn găng tay bằng cồn liệu có an toàn, tránh được lây nhiễm bệnh COVID-19 cho người lấy mẫu xét nghiệm tiếp sau hay không?
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho hay các nhân viên y tế tại Hà Nội đã được tập huấn lấy mẫu bệnh phẩm cũng như công tác khử khuẩn. Nhân viên y tế thực hiện khử khuẩn găng tay sau mỗi lần lấy mẫu cho một trường hợp theo đúng như quy định, hướng dẫn của ngành y tế ban hành.
Theo ông Tuấn, việc sát khuẩn găng tay bằng cồn đã được Bộ Y tế nêu trong hướng dẫn và quy định và đây là biện pháp đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và đặc biệt tránh lãng phí trong bối cảnh hiện nay.
Ông Tuấn cũng giải thích thêm nếu như sau khi lấy mẫu với mỗi trường hợp, nhân viên y tế thay găng tay sẽ mất nhiều thời gian hơn và còn liên quan đến công tác xử lý chất thải sau này cũng phức tạp.
Về việc có ý kiến cho rằng chủng virus Delta mới gây bệnh COVID-19 có thể lơ lửng trong không khí liệu có nguy cơ cao với nhiều người đến lấy mẫu, ông Tuấn khẳng định những người nguy cơ cao nhất ở đây chính là nhân viên y tế. Bởi lẽ, đây là các đối tượng hầu như phải lấy mẫu trong nhiều ngày, ở những địa bàn nguy cơ cao, trong khi người dân chỉ lấy mẫu chừng khoảng 5 phút và nếu thực hiện đúng các biện pháp 5K thì rất ít có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Vì vậy, người dân cứ yên tâm bởi mọi quy trình lấy mẫu của nhân viên y tế đều phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Lấy mẫu là công việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh phẩm của người bệnh, có nguy cơ lây nhiễm rất cao nên các cán bộ y tế đều được hướng dẫn chi tiết từ khâu mặc, tháo trang phục phòng hộ cá nhân đến các bước trong việc hoàn thiện một quy trình lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm cho người bệnh. Bởi, chỉ cần lơ là một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác sẽ làm sai lệch kết quả, ảnh hướng trực tiếp tâm lý, sức khỏe bệnh nhân, công tác điều trị và cả hệ thống công tác phòng, chống dịch COVID-19.
ĐỢT LẤY MẪU XÉT NGHIỆM LỚN NHẤT CỦA HÀ NỘI
Những ngày qua, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm cho người nguy cơ và người tại các khu vực nguy cơ. Toàn thành phố đã lấy được 191.633 mẫu, số đã có kết quả là 72.959 (gồm 8 mẫu dương và 72.951 mẫu âm) và 118. 674 mẫu chưa có kết quả.
Dự kiến trong ngày hôm nay (12/8), toàn thành phố tiếp tục lấy thêm 65.000 mẫu cho các đối tượng này để xét nghiệm sàng lọc.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử Thủ đô, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh tập trung vào xét nghiệm cho toàn bộ người dân tại “nhóm đỏ”; xét nghiệm cho những người có ho, sốt, khó thở... qua khai báo y tế; xét nghiệm cho “nhóm da cam” bao gồm các đối tượng là nhân viên y tế, bệnh nhân, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị, lái xe, người giao hàng, bảo vệ tòa nhà...
Trên cơ sở chỉ định chuyên môn dịch tễ và xét nghiệm “vùng xanh” theo hộ gia đình tại các quận và các huyện có nguy cơ cao, mỗi hộ gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao nhất (có thể căn cứ theo tiền sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên tới các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ...).
Song song với việc thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR cho người dân “nhóm đỏ,” đối tượng nguy cơ cao và “nhóm xanh” tại các quận và một số huyện có nguy cơ cao, các địa phương còn lại chủ động triển khai xét nghiệm test nhanh theo hướng dẫn chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, dự kiến thực hiện 2 triệu test nhanh.
Sau đợt cao điểm, căn cứ diễn biến dịch bệnh, Sở Y tế chỉ đạo đánh giá nguy cơ để tiếp tục triển khai xét nghiệm theo chỉ định dịch tễ./.
Thùy Giang (Vietnam+)