Theo thống kê vừa mới công bố, sau 10 năm ra đời giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã tiêu tốn hơn 10 ngàn tỷ đồng. Tiêu tiền không tiếc tay như thế, bóng đá nội chẳng lên cao là mấy, trái lại đang thụt lùi nhanh chóng sau 10 năm tăng trưởng "nóng".
Đã hơn 10 năm, giải bóng đá chuyên nghiệp ra đời gắn liền với ''bầu sữa'' từ các doanh nghiệp. Với tiềm lực kinh tế trong tay và tham vọng quảng bá hình ảnh, tiền ''tấn'' đã được đổ vào các đội bóng chỉ trong 1 thập niên đã qua. Sự thăng trưởng "nóng" thể hiện bằng một thống kê cho biết các doanh nghiệp nhảy vào bóng đã đã tốn 10 ngàn tỷ đồng đầu tư.
Nếu con số "khủng khiếp" trên được đầu tư vào việc nâng cao chất lượng đào tạo cầu thủ, bộ máy quản lý tổ chức, chất lượng sân thi đấu, hình ảnh V-League, cùng việc nâng cao tính chuyên nghiệp từ các đội bóng, giải chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam đã có thể đổi đời, sánh ngang những giải đấu lớn tầm cỡ khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đáng tiếc rằng, số tiền ấy lại không phục vụ cho cái chung, mà chui vào tay "cò" cầu thủ, cầu thủ trong suốt những năm qua. Chính việc tranh mua cầu thủ đã nâng tiền lương, tiền lót tay hay tiền thưởng lên những con số không tưởng. Đó là tiền đề dẫn đến sự xuống cấp của bóng đá nội, bắt nguồn những hành động thiếu kiểm soát từ các ông bầu.
Giải chuyên nghiệp bóng đá nội đã tiêu phí mất 10 ngàn tỷ đồng nhưng chủ
yếu chui vào túi cầu thủ và những tay ''cò'' cầu thủ đứng sau lưng giật dây
Ví dụ như bầu Hiển từng tốn gần 25 tỷ đồng riêng tiền thưởng cho hai chức vô địch V-League và Cúp quốc gia SHB.Đà Nẵng vào năm 2009. Đó chỉ là một minh chứng nhỏ chứ vài mùa giải vừa qua, mỗi đội có thể nhận đến 2-3 tỷ đồng sau một chuyện thắng là chuyện bình thường.
Rồi chuyện cầu thủ nhận lương vài chục triệu, lót tay lên đến cả chục tỷ đồng đã quá quen thuộc ở đời sống bóng đá nội. Trong lúc ấy, các câu lạc bộ chưa có được nguồn thu nào khác ngoài sống dựa hẳn vào doanh nghiệp. Đến khi cung vượt quá cầu trong bối cảnh kinh tế đi xuống, các đội bóng cũng rơi cảnh "đói'' tiền trầm trọng vào lúc này.
Nhìn đi nhìn lại, 10 ngàn tỷ đồng không giúp bóng đá Việt khỏe mạnh mà càng ốm yếu, dựa hẳn vào nguồn "doping" tiền từ doanh nghiệp. Nay tiền hết, bóng đá Việt Nam cũng phập phù, các đội bóng cũng chưa biết đủ kinh phí dự giải, đồng nghĩa giải đấu đang đứng trước nguy cơ bị hoãn vì lý do phi chuyên môn.
Đã đến lúc tái cấu trúc nền bóng đá
Có sự kích thích về tiền bạc lớn đến thế, thay vì phát triển như quy luật kinh tế, bóng đá Việt Nam (VFF) lại đang trong giai đoạn lao dốc. Tất cả chỉ vì sự phát triển quá nhanh, nhưng thiếu hoạch định, hướng đi từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã đẩy cả nền bóng đá nước nhà trở nên hỗn loạn vào lúc này.
Thay vì xiết chặt Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, không có chế tài ngăn cản một ông bầu quản lý nhiều đội bóng. Chính việc thiếu đi một "vòng kim cô" để quản lý các ông bầu, nên chuyện các ông bầu tự tung tự tác, gây cảnh hỗn loạn nhau như thế này. Trên không bảo, dưới chẳng nghe, nên mới có cảnh bóng đá Việt Nam mới có cảnh bóng đá Việt Nam đang lúng túng, không biết thay đổi thế nào để chống lại khó khăn.
Thay vì chung tay để tái cơ cấu nền bóng đá Việt Nam trước khó khăn,
dư luận chỉ thấy các ông bầu tranh cãi, mải mê bảo vệ quyền lợi cho cá nhân
Lỗi từ VFF là chủ yếu, nhưng các ông bầu cũng chẳng phải vô can. Chỉ vì lợi ích bản thân, nhiều ông bầu cổ xúy thứ văn hóa tiền bạc, giành giật cầu thủ bằng bất cứ giá nào. Thế mới có cảnh "đi đêm'', bắn tỉa diễn ra với cầu thủ, trọng tài trong nhiều năm qua.
Đến khi bóng đá nội lâm nguy, thay vì chung tay, các ông bầu lại chia rẻ theo quyền lợi của mình. Như bầu Đệ (Thanh Hóa), bầu Trường (V.Ninh Bình) từng tâm huyết thành lập VPF thay thế VFF quản lý giải chuyên nghiệp. Chỉ thời gian ngắn sau, cả hai quay lại chống VPF và ngả theo phía VFF.
Chính hành động tiền hậu bất nhất ấy còn từ hành động dọa "bỏ giải'' mà nhiều ông bầu đang dùng để uy hiếp VFF, VPF, mỗi khi đội nhà có tiêu cực. Đó là việc bầu Trường đang làm khi cầu thủ V.Ninh Bình cảm thấy bất mãn khi 3 tháng lương vừa qua chưa được nhận. Bầu Thụy cũng năm lần bảy lượt đòi xóa sổ Sài Gòn.XT, rồi bất ngờ tậu thêm Navibank.SG từ tay bầu Thọ, sau khi ông bầu này chán không còn muốn làm bóng đá.
Sự nhiễu loạn, tụt dốc trong thời gian này cần những hành động thiết thực. Nhưng các ông bầu chỉ đấu "võ mồm" để bảo vệ quyền lợi của riêng mình. Những cuộc họp do VFF, VPF chủ trì vừa qua, cuộc hội thảo như cái chợ cho các ông bầu giành giật. Bầu Đức cùng bầu Đệ từng có màn tranh cãi nảy lửa ở ngày tổng kết mùa giải 2012.
Còn cuộc hội thảo bóng đá tại Hà Nội vừa qua, nhưng vấn đề giải quyết, ngăn chặn sự tụt dốc của cả nền bóng đá lại không được bàn thảo. Sau gần 5 tiếng tranh cãi, cuối cùng các đội chỉ chốt được vấn đề nâng tuổi chuyển nhượng, không có tiền lót tay, hay giới hạn ngoại binh. Đó chỉ là những biện pháp tình thế chống lại khó khăn, còn những biện pháp mang tính vĩ mô, đưa nền bóng đá nội trở lại đúng lộ trình chưa được bàn đến.
Bóng đá nội đang sa sút dù mất 10 ngàn tỷ đồng sau 10 năm ra đời. Thay vì tranh cãi, đổ lỗi, chúng ta cần tái cấu trúc nền bóng đá nước nhà. Tiếc rằng cả VFF, VPF lẫn các câu lạc bộ vẫn chỉ thói quen nói nhiều, chứ chưa đưa ra một hành động thiết thực để lấy lại niềm tin từ dư luận. /.
(Theo VnMedia)