Có thể nói chưa bao giờ, bóng đá Việt Nam lại đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế như thế và cũng chưa có khi nào, số lượng CLB cân nhắc giải thể lại nhiều đến vậy. Các đội bóng sống cầm hơi, nợ mấy tháng lương, chỉ tập cầm chừng và thị trường chuyển nhượng gần như đóng băng. Đó mới chỉ là bề nổi của cuộc khủng hoảng tồi tệ trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Những lời nói nhói đau
Những ngày đầu tuần trước, các cầu thủ The Vissai Ninh Bình vẫn tập luyện bình thường nhưng sau một bữa cơm tối, mọi việc đã nghiêm trọng tới mức không thể kiểm soát. Đại đa số các cầu thủ của đội bóng yêu cầu được gặp "bầu" Trường để hỏi về khoản nợ lương kéo dài 3 tháng và khi không được thỏa mãn, tất cả đội đình công. Đúng là The Vissai Ninh Bình còn nợ lương cầu thủ nhưng vấn đề nằm ở chỗ, kinh tế khó khăn, các ông chủ cũng đang vắt óc để kiếm tiền duy trì đội bóng, để trả lương cho chính những cầu thủ đó. Ấy vậy mà, ông chủ từng bỏ ra nhiều chục tỷ đồng để xây khách sạn 5 sao cho đội bóng đã không nhận được sự chia sẻ từ chính cầu thủ của mình. Uất ức và thất vọng với sự vô tình, ích kỷ của cầu thủ, "bầu" Trường tuyên bố sẵn sàng bỏ bóng đá. Tất nhiên, lời nói trong lúc nóng giận ấy cũng chỉ cho đỡ tức nhưng trong đầu "bầu" Trường, một vài cái tên đã nằm trong diện “trảm”.
Sau nhiều lần tuyên bố giải tán rồi lại đăng ký thi đấu, số phận của CLB Hà Nội vẫn chưa ngã ngũ. Cơ chế trả lương ở đội bóng này rất đặc thù, theo đó, cứ trước mỗi hạn phát lương, "bầu" Kiên chuyển một cục tiền cho kế toán để gửi tới cán bộ, công nhân viên. Thế nên, khi "bầu" Kiên bị bắt, đội bóng coi như bị “rút ống thở” và trong trường hợp đó, không tuyên bố thì đội bóng cũng tự tan. Khó khăn kinh tế với CLB Hà Nội tới mức, tới thời điểm này, có tin đồn trụ sở đội bóng này đang bị cắt điện, cúp nước do chưa thanh toán tiền.
Becamex Bình Dương-một tia nắng ấm
Hải Phòng là đội bóng nổi tiếng chịu chi, chịu chơi nhưng mùa này cũng “nằm im, thở khẽ và an phận hạng Nhất”. Hà Nội T&T cũng đang tâm phá cam kết gia hạn hợp đồng với công thần Cri-xti-a-nô và yêu cầu 5 cầu thủ khác phải giảm lương mới được giữ ở lại. Còn như Quảng Nam, các cầu thủ vẫn đi ăn cơm bụi, ở 4 người trong căn phòng đôi ẩm thấp và ngột ngạt…
|
Ông Nguyễn Quốc Hội thừa nhận Hà Nội T&T cũng đang trong giai đoạn gặp khó khăn về tài chính. |
Một loạt những đội bóng phải khai tử đội hạng Nhất của mình, trong đó có trẻ Đà Nẵng, trẻ Khánh Hòa, còn Hoàng Anh Gia Lai không dám thành lập đội hạng Nhất… Thậm chí, các ông bầu sẵn sàng tặng không đội bóng mà các địa phương không dám nhận. Mùa này, hơn 100 cầu thủ mất việc và họ sẽ tìm đến các đội bóng thấp hơn để đá mà chỉ nhận lương, không đòi hỏi “lót tay” và đặc biệt, các CLB hạng… Nhì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Trong thời khắc khó khăn như thế, người có tiền mặt, dù ít hay nhiều cũng được xem là đại gia. Becamex Bình Dương là một trong số đó. Đội bóng đất Thủ Dầu Một đang là đội có chuyển động mạnh nhất của bóng đá Việt Nam. Không chỉ tập trung rất sớm, lãnh đạo đội bóng còn mua tiền đạo hay nhất V.League, Huỳnh Ke-xli An-vét. Ngoài ra, họ cũng đang thử việc rất nhiều ngoại binh cho tới nội binh giỏi. Nếu không có gì thay đổi vào phút chót, Becamex Bình Dương sẽ chiêu mộ thành công Đoàn Việt Cường.
VFF cũng khóc ròng
Không chỉ lo lắng với tình trạng các đội bóng đòi giải tán tập thể và không biết sẽ có bao nhiêu đội sẽ thi đấu ở mùa giải tới, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) còn đang oằn mình chống lại cơn suy thoái kinh tế cũng như cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng ở Việt Nam. Bằng chứng là, VFF phải móc tiền túi ra để bù lỗ nhằm tổ chức 2 trận giao hữu (ĐTVN gặp In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a) theo đúng tinh thần hợp đồng quảng bá với các nhà tài trợ cho đội tuyển.
Đài thọ toàn bộ di chuyển, ăn ở tại khách sạn 5 sao, VFF còn phải thanh toán chi phí tổ chức, với tiền thuê sân lên đến 250 triệu đồng/trận. Vậy mà, vé sân Mỹ Đình rẻ chưa từng có mà BTC cũng không dám in hết vé. Dự kiến, trong 2 trận đấu vừa rồi, VFF lỗ không dưới 3 tỷ đồng. Nhưng lo lắng nhất là sang năm tới, khi nhà tài trợ Eximbank hết hợp đồng, Mạnh thường quân nào sẽ đầu tư cho bóng đá Việt Nam? Gánh nặng này sẽ đặt lên vai tân Chủ tịch VFF sau kỳ Đại hội.
Người hâm mộ, giới quan sát và cả những đội bóng đều hướng về ngày 8-12, thời điểm cuối cùng để chốt lại số lượng đội tham gia mùa giải 2013 và quyết định xem giải có tổ chức được hay không.
Ý kiến chuyên gia, lãnh đạo
Chủ tịch CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội: “Bóng đá Việt Nam đang rơi vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử và mặt bằng chung bây giờ, đội nào cũng khó khăn, thậm chí, kinh phí trang trải những khoản chi cơ bản như ăn ở, tập luyện, tiền lương cũng khó khăn. Nếu có một đội bóng Việt Nam nào đó mà vẫn sống khỏe, chắc chỉ có Becamex Bình Dương bởi họ có nền tảng tài chính vững vàng. Cũng chính đội bóng này đã mua cầu thủ đắt nhất trong mùa chuyển nhượng vừa qua, đó là Huỳnh Ke-xli An-vét”.
Giám đốc điều hành CLB Hà Nội Lê Xuân Thông: “Nếu CLB Hà Nội có thể thi đấu được ở mùa giải tới thì đó là phép màu, là điều không thể tin nổi, là bất ngờ lớn nhất kể từ khi tôi biết bóng đá. Kinh tế khó khăn lắm, các đội bóng bây giờ đều kêu trời cả, thậm chí, có không ít đội bóng đã tuyên bố giải tán, một số khác thì vẫn chưa tập trung trở lại. Đây là năm khó khăn và sóng gió nhất với bóng đá Việt Nam”./.
(Theo: Sơn Thọ-Đồ Long/QĐND)