Trong đó, công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương là hơn 81.000 người (giảm khoảng 3,3%); người hưởng lương và phụ cấp xã là hơn 51.000 người (giảm khoảng 4,02%).
Sáng nay (18-1), tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên cả nước. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, nhìn lại năm 2018 và 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã bám sát và chấp hành nghiêm chủ trương và sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối, phong cách làm việc, hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã bám sát và chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp; chủ động tham mưu, tích cực triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần thu hẹp “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái.
Cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy lên một giai đoạn mới mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, tiếp tục củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đây là một trong những nghị quyết của Trung ương được thực hiện đồng bộ, tích cực và sớm đi vào cuộc sống, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trong việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần giảm chi tiêu thường xuyên, tăng đầu tư phát triển…
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII gắn với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm, cấp ủy, tổ chức đảng đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương đang thực hiện có hiệu quả như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Long An, Bình Thuận, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Bến Tre…
Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc tham mưu kết thúc hoạt động các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương về Ban Nội chính Trung ương; phối hợp đề xuất phương án kiện toàn Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Đến cuối tháng 10-2018, toàn hệ thống chính trị đã giảm 3 ban chỉ đạo, 7 tổng cục và tương đương, khoảng 200 cục, vụ và tương đương, 65 ban, sở, ngành cấp tỉnh; giảm hơn 50 lãnh đạo cấp tổng cục, trên 300 lãnh đạo cấp cục, vụ; gần 200 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương, gần 10.000 lãnh đạo phòng.
Thực hiện Nghị quyết 39 và Kết luận 17 của Bộ Chính trị, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị như Bộ Quốc phòng, Hưng Yên, Sơn La, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Long An, Hà Tĩnh, Lai Châu, Yên Bái, Tây Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Long... đã chủ động rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và thực hiện hiệu quả việc tinh giản biên chế. Một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh... đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ bằng nguồn ngân sách địa phương để tinh giản biên chế.
Theo báo cáo của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và tổng hợp chưa đầy đủ (chưa bao gồm Quân đội, Công an), sau 3 năm, chủ yếu là năm 2018, cả nước đã giảm hơn 132.000 người (giảm khoảng 3,54%) so với trước khi thực hiện Nghị quyết. Trong đó, công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương là hơn 81.000 người (giảm khoảng 3,3%); người hưởng lương và phụ cấp xã là hơn 51.000 người (giảm khoảng 4,02%)./.
Theo sggp.org.vn