“Chúng ta thực hiện tự chủ không có nghĩa buông cho các bệnh viện chạy
theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu. Chúng ta tháo gỡ
vướng mắc để đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế bằng sáng tạo, trách nhiệm
của người thầy thuốc sẽ xây dựng các mô hình quản trị, quản lý, khai
thác tốt nhất cơ sở vật chất, con người”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như trên khi phát biểu chỉ đạo tại
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2019 với 63 tỉnh, thành
phố diễn ra chiều 15/1, tại Hà Nội.
“LÀM SAO ĐỂ KHÔNG MẤT HÀNG TỶ USD?”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc
đẩy mạnh tự chủ bệnh viện là chủ trương rất quan trọng để tăng cường
chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến nhưng phải quán triệt quan
điểm y tế công cộng không được chạy theo lợi nhuận.
“Làm sao để người Việt Nam không mất hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa
bệnh? Nhưng không phải cứ tự chủ là tìm mọi cách tăng nguồn thu, nếu như
vậy là không còn định hướng y tế công cộng là phục vụ toàn dân”, Phó
Thủ tướng nêu rõ.
Đánh giá về công tác y tế năm 2018, Phó Thủ tướng cho hay công tác chăm
sóc sức khoẻ nhân dân đạt được những thành tựu, kết quả toàn diện. Đặc
biệt trong quá trình chuẩn bị 2 nghị quyết của Trung ương về bảo vệ chăm
sóc sức khoẻ nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Những lĩnh vực đạt được kết quả không chỉ rõ mà bắt đầu có biểu hiện bền
vững như phát triển bảo hiểm y tế. Cách đây 5 năm, tỷ lệ bao phủ bảo
hiểm y tế trên 60% và Quốc hội ra chỉ tiêu đến năm 2020 là 80% nhưng đến
nay tỷ lệ bảo hiểm y tế đã đạt 88%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng
đều hàng năm. Tất cả cấp uỷ, chính quyền đã coi đây là nhiệm vụ chính
trị.
NĂM 2018: 230 TRIỆU LƯỢT NGƯỜI KHÁM CHỮA BỆNH
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết
năm 2018, số lần khám bệnh đạt gần 230 triệu lượt, trong đó khoảng 178
triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trung bình mỗi người dân được
khám bệnh hơn 2,4 lần. Hiện cả nước có khoảng 82,38 triệu người tham gia
bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ phủ 87,7%.
Thông qua đường dây nóng, ngành y tế xã xử lý các trường hợp cán bộ vi phạm.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, năm 2018, đường dây nóng của Bộ Y tế
1900-9095 đã tiếp nhận tổng số hơn 65.700 cuộc gọi, trong đó có hơn
11.300 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi (17%). Sau khi xác minh, kiểm tra
thông tin ngành y tế đã chuyển sang bộ phận khác 18 nhân viên y tế,
khiển trách 171 trường hợp, xử lý kỷ luật 7 trường hợp và cho nghỉ việc 4
trường hợp nhân viên y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện đã có 90% trạm y tế xã có
bác sỹ làm việc, 95% trạm y tế xã có bác sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh tuy
nhiên chất lượng dịch vụ tại y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều trạm
y tế xã chưa làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, chăm sóc
sức khỏe ban đầu, chưa thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý
sức khỏe cá nhân...
“Cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực chuyên môn còn hạn chế, cơ chế
tài chính, thanh toán bảo hiểm y tế còn vướng mắc. Người dân chưa tin
tưởng đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng thừa nhận chất lượng dịch vụ khám chữa
bệnh được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa
dạng của người dân, có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng. Vì
vậy, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để dần đáp
ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Nói về nhiệm vụ của ngành Y tế trong năm 2019 và những năm tiếp theo,
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý điều này đã được xác định rất rõ trong hai nghị
quyết của Trung ương.
Phó
Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Cờ thi đua của Chính phủ và Danh hiệu Chiến
sĩ thi đua toàn quốc cho tập thể, cá nhân của Bộ Y tế. (Ảnh:
Vietnam+)
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, trước hết ngành Y tế, Bảo hiểm
xã hội Việt Nam phải bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ bảo
hiểm y tế toàn dân đã được đề ra cho năm 2019; quản lý được số liệu về
16 triệu hợp đồng bảo hiểm y tế của 30 công ty bảo hiểm ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, ngành Y tế phải thống nhất với Bảo hiểm Xã hội để có cơ chế
thanh toán bảo hiểm y tế đúng với tinh thần “y tế phòng là chính”, “y
tế cơ sở là nền tảng.”
“Về y tế tuyến cơ sở, cơ sở vật chất, nhà cửa nhiều trạm y tế cơ sở rất
khang trang nhưng quan trọng nhất là tủ thuốc trạm y tế phải nhiều lên,
chất lượng thuốc không kém bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh thì người dân
mới đến. Y tế xã đã trở thành ‘cánh tay nối dài’ của y tế huyện nhưng
cơ chế tài chính vẫn phân biệt hai cấp với mức chênh lệch lớn là không
hợp lý”, Phó Thủ tướng chỉ rõ./.
(Vietnam+)