(TG) - Từ ngày 25-27/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra "nóng" việc thí điểm hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không.., đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021.
Đoàn kiểm tra số 1 do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra công tác tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực trên tại Sở GTVT các tỉnh, thành phố, các cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, đơn vị vận tải, trạm dừng nghỉ trên đường bộ, cảng, cảng bến thủy nội địa, nơi xếp dỡ hàng hóa trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam (từ Thanh Hóa trở vào).
Đoàn kiểm tra số 2 do Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra công tác tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực vận tải tại Sở GTVT các tỉnh, thành phố, các cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, đơn vị vận tải, trạm dừng nghỉ trên đường bộ, cảng, cảng bến thủy nội địa, nơi xếp dỡ hàng hóa trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình trở ra phía Bắc.
Theo ông Khuất Việt Hùng, kiểm tra thực tế thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết 128/CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" ngày 11/10/2021, một số địa phương còn thận trọng trong chấp thuận mở lại các tuyến vận tải đường bộ liên tỉnh. Các địa phương như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh... mặc dù đã gửi đề nghị mở lại vận tải khách liên tỉnh tới nhiều tỉnh, thành phố khác, nhưng chưa được chấp thuận.
Đơn cử, hiện mới có 4 tỉnh đã thống nhất cho Hà Nội kết nối hoạt động thí điểm vận tải khách. Nhiều tỉnh khác vẫn "e dè", như Hải Dương mới chấp thuận mở lại với các tỉnh từ Huế trở ra... Song, tại các địa phương đã hoạt động bình thường, số chuyến xe và hành khách thưa thớt. Từ ngày 13/10 - 23/10 có 82 chuyến xe, vận chuyển hơn 3.300 hành khách từ Hà Nội đi các địa phương hay tỉnh Hải Dương chỉ có 23 phương tiện hoạt động trở lại với số lượng chỉ 28 hành khách...
Đối với đường sắt, tuyến Hà Nội - Hải Phòng duy trì 2 chuyến/ngày, với tổng số gần 4.000 hành khách, đáp ứng đủ cho đơn vị vận chuyển thực hiện khai thác. Việc kiểm soát dịch đối với khách tại ga đi, trên tàu và ga đến được thực hiện tốt. Khách đi từ vùng cấp độ 3, cấp độ 4 đến Hải Phòng được xếp ngồi toa riêng và xuống tàu sau cùng, thực hiện các quy định phòng chống dịch.
Đối với hàng không, lịch trình mở lại các chuyến bay diễn ra thuận lợi. Việc thực hiện các quy định quản lý hành khách đi đến tại các cảng hàng không được thực hiện nghiêm. Các cảng hàng không Cát Bi, Vân Đồn có sự phối hợp tốt với chính quyền địa phương quản lý khách về từ vùng 3, vùng 4 và vận chuyển hành khách từ sân bay về nhà bàn giao cho địa phương quản lý...
Song, có một bất cập là theo hướng dẫn của Bộ GTVT yêu cầu các địa phương tự xây dựng phương án kết nối vận tải giữa đường bộ với các nhà ga, sân bay, xe taxi đưa khách từ sân bay về với điều kiện lái xe phải tiêm 2 mũi vaccine, xe phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Tuy nhiên, hành khách di chuyển bằng máy bay đa số từ các tỉnh phía Nam ra, vẫn có nguy cơ dương tính và phải đi cách ly tập trung, tự trả phí. Điều này dẫn đến tâm lý lo ngại và lái xe taxi bỏ việc...
Xe khách hoạt động trở lại tại TP Hải Phòng (ảnh: VTCN)
Do đó, cần có sự thống nhất, nếu tỉnh có cảng hàng không đảm bảo được lượng xe kết nối phục vụ tất cả các chuyến bay thì phải cam kết. Ngược lại phải cho phương tiện của tỉnh khác được đón khách của tỉnh mình tại cảng hàng không. Trước thực tế trên, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Bộ GTVT cần có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thống nhất quan điểm chỉ đạo các sở GTVT căn cứ vào cấp độ dịch của địa phương đã công bố mở lại vận tải khách liên tỉnh, không cần có sự chấp thuận của sở đầu tuyến.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, để mở lại vận tải hành khách trong điều kiện bình thường mới bền vững, thích ứng an toàn với dịch bệnh, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, để nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về phòng chống dịch, như thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế trước chuyến đi của mọi cá nhân tham gia vận tải.
Bên cạnh đó, người dân cần chủ động, khi có điều kiện phải tiêm vaccine. Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân. Chính phủ, Bộ Y tế đẩy nhanh ngoại giao vaccine, mua vaccine cung cấp cho các địa phương để đạt được mức độ tiêm vaccine, tiến tới trên 70% dân số được tiêm 2 mũi ở tất cả các địa phương.
Trong hoạt động vận tải, tất cả đơn vị vận tải đều phải có kế hoạch phòng chống dịch, chủ động ứng dụng công cụ PC-COVID để khai báo y tế cho lái xe, hành khách. Vì vậy, các cơ quan chức năng của ngành GTVT, Y tế, Công an cần phối hợp chặt chẽ với các doanh ngiệp vận tải trong thực hiện phòng chống dịch bệnh; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trong đó thống nhất quan điểm của Chính phủ chỉ sử dụng phần mềm PC-COVID trong toàn bộ các hoạt động kiểm soát y tế, không chỉ trong vận tải, mà ở các trung tâm thương mại, điểm dịch vụ đều phải có mã QR Code và khai báo qua PC-COVID.
Trước đó, Bộ GTVT cũng thành lập tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp làm tổ trưởng. Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT có nhiệm vụ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp, người dân về lĩnh vực GTVT./.
V. Sơn