Thứ Bảy, 16/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 26/12/2022 8:39'(GMT+7)

Sáu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng: Tạo không gian phát triển mới

Mùa thu hoạch "vàng xanh" của người Dao huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: TTXVN)

Mùa thu hoạch "vàng xanh" của người Dao huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành sáu Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng. Bộ Chính trị các khóa trước đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng.

Điểm chung của sáu Nghị quyết về phát triển các vùng lần này đã nêu yêu cầu phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu...

VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ: PHÁT TRIỂN XANH, BỀN VỮNG VÀ TOÀN DIỆN

Nghị quyết đầu tiên về phát triển vùng được Bộ Chính trị khóa XIII xem xét, ban hành là Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. (Ảnh: TTXVN)

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Sau hơn 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, qua tổng kết đánh giá cho thấy Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên sự thay đổi to lớn trong diện mạo và phát triển của Vùng, đóng góp quan trọng vào bảo đảm sự ổn định và phát triển của cả nước.

Tuy vậy, cho tới nay, nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng trung du và miền núi Bắc bộ vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước.

Nghị quyết 11 đặt mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030; đưa ra tầm nhìn phát triển vùng đến năm 2045 “là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường”.

Nghị quyết xác định 2 khâu đột phá trong phát triển vùng là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: SINH THÁI, VĂN MINH VÀ BỀN VỮNG, MANG ĐẬM BẢN SẮC VĂN HÓA SÔNG NƯỚC

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó có mục tiêu là nội dung hoàn toàn mới.

Thành phố Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thành phố Cần Thơ nhìn từ trên cao. (Ảnh: TTXVN)

Theo đánh giá, hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 21-NQ/TW trước đây đã được các bộ, ngành và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và  Cần Thơ) triển khai hiệu quả. Qua gần 20 thực hiện, kinh tế vùng tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, khẳng định là vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, trái cây hàng đầu cả nước.

Một số trung tâm công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản với công nghệ các được hình thành, từng bước khẳng định là trung tâm năng lượng của cả nước. Kinh tế biển được phát triển mạnh, trong đó ngành thủy sản đã được phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Nếu như Nghị quyết số 21 không đề cập thì Nghị quyết số 13 lần này đã xác định rất rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: "Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch… Đến năm 2045, Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước…

VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG LỚN NHẤT CẢ NƯỚC

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đồng chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện NQ 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh và Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đồng chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện NQ 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam bộ. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 7/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng…

VÙNG TÂY NGUYÊN: PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH, KINH TẾ TUẦN HOÀN LÀ TRỌNG TÂM

Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh, xếp thứ tự từ bắc vào nam gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, được nêu rõ trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm; phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Nghị quyết cũng nêu bật sự liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ; đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ: PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG TƯỜNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG

Xuất phát từ đặc thù riêng có của Vùng và thực tế 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI, ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã  hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Sau gần 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39, Kết luận số 25, toàn Vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, cả về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nhiều điểm nghẽn đối với phát triển đã được khơi thông; tiềm năng, lợi thế của Vùng và từng địa phương trong Vùng, nhất là về kinh tế biển, từng bước được phát huy. Diện mạo toàn Vùng đã có nhiều thay đổi tích cực, và Vùng đang dần trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Nếu như Nghị quyết số 39  trước đây chỉ nêu rất ngắn gọn (21 dòng) về 3 quan điểm định hướng chung thì Nghị quyết lần này đã xác định rõ ràng, đầy đủ 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ. Nghị quyết đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò chiến lược, đặc biệt quan trọng của Vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Thành phố Vinh, Nghệ An đang được xây dựng để trở thành thành phố hiện đại, văn minh và giàu mạnh. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN

Thành phố Vinh, Nghệ An đang được xây dựng để trở thành thành phố hiện đại, văn minh và giàu mạnh. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh: Cần phải đổi mới mạnh hơn nữa tư duy phát triển, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phát triển nhanh và bền vững Vùng sao cho tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Vùng và từng địa phương trong Vùng; bảo đảm sự phát triển hài hoà giữa các vùng, miền, góp phần nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong Vùng, sớm bắt kịp với các vùng phát triển khác trong cả nước, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt của các địa phương trong Vùng và cả nước.

VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG: PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG, CÓ CƠ CẤU KINH TẾ HỢP LÝ, MANG ĐẬM BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

Ngày 23/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng đồng bằng Sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng (đồng thời cũng là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; và Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng, một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng của vùng và cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 chiếm 29,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước...

Về mục tiêu của Nghị quyết số 30, có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới, đến năm 2030, Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị về phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị về phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng. (Ảnh: TTXVN)

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Phát triển vùng là một chủ trương xuyêt suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình phát triển đất nước nhằm khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ngay sau khi ban hành các Nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức các Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện đến các ban, bộ, ngành, địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.

Trong các hội nghị triển khai các Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, Nghị quyết ban hành là rất quan trọng, nhưng hơn hết phải thấm nhuần và thực hiện tốt, biến tư tưởng chỉ đạo, chính sách, chủ trương thành hiện thực sinh động, ra của cải vật chất. Lúc đó mới là thực hiện thành công Nghị quyết.

Để tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong Vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước, "cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước". Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng...

Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện sáu Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu Vùng của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cần thiết, đúng đắn, góp phần thiết thực vào việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao và phù hợp với bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và trong nước./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất