Một thực tế trong những năm gần đây là tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, đơn thư vượt cấp gia tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ. Nhiều vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh trật tự cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều địa phương. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là một bộ phận cán bộ, đảng viên xa dân, thiếu sâu sát, nắm không chắc tình hình cơ sở, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Khi kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã chỉ rõ những biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xa rời quần chúng, chưa sâu sát thực tế, thiếu kiểm tra, đôn đốc, nắm không chắc tình hình nên bị động trong việc xử lý các vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ tình trạng: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” và coi đó là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN.

Nhân dân hoan nghênh, ủng hộ tinh thần, thái độ thẳng thắn và kỳ vọng vào sự nghiêm túc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhưng nhân dân sẽ thất vọng và giảm sút lòng tin nếu tinh thần, thái độ ấy không chuyển thành hành động cụ thể. Để xứng đáng với sự trông đợi và kỳ vọng của nhân dân, nhiều tổ chức Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đã căn cứ vào những biểu hiện mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ ra tự soi chiếu lại mình để rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu góp phần từng bước khắc phục tình trạng trên. Nhân dân cả nước sẽ ghi nhớ mãi những hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cùng lãnh đạo các bộ, ngành không quản gian khó, hiểm nguy lặn lội đến với đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; bơi thuyền, sắn quần lội nước đến những vùng bị thiệt hại do thiên tai kiểm tra từng bữa ăn, giấc ngủ, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình đoàn kết vượt qua khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống. Đặc biệt cuối năm 2017 vừa qua, mặc dù rất bận rộn với hàng loạt sự kiện, công việc liên quan đến Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nhưng Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ vẫn dành thời gian về xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng và TP Hội An, tỉnh Quảng Nam để thị sát tình hình và thăm hỏi, động viên người dân vùng lũ. Từ những điều mắt thấy, tai nghe, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chính quyền các địa phương phải nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống người dân, kiên quyết không để người dân bị đói, bị rét... Những việc làm ấy đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, sâu đậm trong lòng nhân dân, đặc biệt là về tinh thần trách nhiệm, tác phong gần dân, sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh.

Từ sự nêu gương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã có những chuyển động rõ rệt. Điển hình là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng đồng chí Bí thư Thành ủy và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố vẫn duy trì nền nếp chế độ đi cơ sở, tiếp công dân, trực tiếp nghe người dân trình bày tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của mình; nghe lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến các nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân báo cáo tình hình giải quyết từng vụ việc. Tương tự tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ các sở, ngành phải tăng cường bám nắm cơ sở, làm tốt công tác tiếp công dân, chủ động đối thoại với dân, kịp thời nắm bắt, giải quyết thấu lý đạt tình những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xác định: Lấy sự chuyển động của cơ sở trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giải quyết bức xúc của người dân… là thước đo năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, của cá nhân các đồng chí cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu. Chính những chuyển động trong phong cách lãnh đạo, gần dân, sát dân, nắm chắc tình hình cơ sở đã giúp lãnh đạo thành phố phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, vấn đề bức xúc tồn tại từ nhiều năm.

Tuy nhiên, đúng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở...”. Trên thực tế không khó để nhận thấy một số tổ chức Đảng và một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đứng đầu cơ quan, đơn vị, kể cả một số cán bộ cao cấp, mắc bệnh "quan liêu", “xa dân”, thiếu sâu sát cơ sở, đánh giá không đúng tình hình nên hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo không kịp thời, kém hiệu quả. Có những cơ quan công quyền, cơ quan hành chính nhà nước, nơi tác phong cửa quyền, quan liêu, xa dân... không còn ở một người mà đã lan ra trở thành "căn bệnh" của cả tập thể. Đến những nơi này liên hệ làm việc, người dân rơi vào tình cảnh "ba không": Không người hướng dẫn; không chỗ ngồi; không nước uống. Cán bộ, đảng viên là người đầy tớ trung thành của nhân dân, thế nhưng một số cán bộ có chức, có quyền lại coi mình là “quan cách mạng” thiếu tôn trọng quần chúng, cho mình là người “bề trên”, quần chúng nhân dân muốn được “ban ơn” thì phải phiền lụy. Tại Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ về tình trạng: “Không ít cán bộ không sát dân, xa dân, nhũng nhiễu, tiêu cực, mất uy tín với nhân dân”... Dự Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm TTATGT tổ chức vào tháng 9-2017, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn phê bình cấp ủy, chính quyền 15 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân được Phó thủ tướng chỉ rõ là tình trạng cấp ủy, người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị chức năng chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở; những vấn đề nảy sinh từ cơ sở chưa được phát hiện kịp thời, khi phát hiện ra thì lại thiếu biện pháp chỉ đạo quyết liệt để xử lý... Cũng do nắm không chắc tình hình nên ở nhiều nơi những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân không được xem xét giải quyết thỏa đáng dẫn đến đơn thư khiếu nại kéo dài, gây ra những bức xúc trong nhân dân... Thực tế đó ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin trong nhân dân. Đặc biệt trong điều kiện công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng những ưu thế của internet để tuyên truyền kích động hòng chia rẽ Đảng với nhân dân thì tình hình trên càng trở nên nguy hiểm.

Để khắc phục cho được bệnh quan liêu, xa dân, nhũng nhiễu dân, không sâu sát cơ sở, nắm không chắc tình hình cơ sở, Đảng ta xác định, năm 2018 là “Năm dân vận chính quyền”. Đây cũng là biện pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra. Có nhiều việc phải làm quyết liệt và đồng bộ để biến quyết tâm chính trị của Đảng thành hiện thực. Nhưng mấu chốt của vấn đề là sửa đổi lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại hội nghị công tác dân vận vừa qua: “Trong giai đoạn hiện nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, chu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về công tác dân vận, công tác quần chúng và quyền làm chủ của nhân dân cũng không có sức thuyết phục”. Chúng ta có thể ra rất nhiều nghị quyết, ban hành rất nhiều chỉ thị và nói rất hay về việc chống quan liêu, chống căn bệnh “xa dân”, thiếu sâu sát cơ sở... nhưng kết quả sẽ chẳng đi tới đâu nếu không có sự chuyển biến bằng hành động và việc làm cụ thể của từng tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên.

Điều người dân mong mỏi nhất ở các cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là phải đổi mới phong cách, nêu cao tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân. Cần phải lấy kết quả phục vụ, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo tinh thần trách nhiệm với dân, trình độ năng lực của cán bộ, đảng viên, công chức. Đến với dân những lúc buồn vui, khó khăn, hoạn nạn là cần thiết nhưng quan trọng là cán bộ, đảng viên đừng bao giờ vô cảm trước nhân dân, phải biết vui niềm vui của dân, biết đau nỗi đau của dân và biết lo nỗi lo của dân. Gần dân nhưng phải hiểu dân, kịp thời nắm bắt và giải quyết thấu lý, đạt tình những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân và những bức xúc nảy sinh từ cơ sở. Cùng với đó là mở rộng dân chủ, phát huy tai mắt của nhân dân nhằm kịp thời phát hiện những biểu hiện quan liêu, xa dân... để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn. Gần gũi nhân dân, sâu sát nhân dân mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là “nói ít làm nhiều” để tạo sự tin tưởng cho nhân dân. Khi mà dân tin Đảng, Đảng tin dân thì sự nghiệp cách mạng ắt thành công.

KIM LÂN