Thứ Ba, 12/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 6/11/2012 21:53'(GMT+7)

Sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong vòng 3 tháng

Sớm lấy ý kiến nhân dân

Thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến của đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Liên quan đến Điều 2, Hiến pháp năm 1992 xác định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức…”. Qua thảo luận, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục giữ nội dung quy định tại Điều 2, chỉ thay từ “tầng lớp” bằng từ “đội ngũ” để khẳng định bản chất công - nông - trí của Nhà nước ta. Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” để thể chế hóa quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc với vai trò là động lực của phát triển xã hội. Ủy Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 2 của Dự thảo.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) tán thành với ý kiến của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đề nghị giữ nguyên Điều 2 của Hiến pháp hiện hành để đề cao vai trò của đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, cũng về nội dung này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) lại thiên về loại ý kiến thứ hai. Còn đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” nhưng thêm “nòng cốt là công - nông - trí”.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị nêu tên gọi của các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay để thể hiện rõ hơn vị thế của các tổ chức chính trị - xã hội trong Hiến pháp. Tuy nhiên, về lâu dài có thể sẽ không phù hợp với sự phát triển của các tổ chức này vì có thể có sự thay đổi về tên gọi hoặc có tổ chức chính trị - xã hội mới.

Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, cần tổ chức thực hiện làm sao tập trung được trí tuệ toàn dân trong xây dựng Hiến pháp, phải có cơ chế tiếp thu các luồng ý kiến để sửa đổi tốt hơn, đồng thời loại bỏ những ý kiến không mang tính xây dựng.

“Việc lấy ý kiến nhân dân phải làm tốt. Ý kiến nào được tiếp thu hay không được tiếp thu phải được giải trình rõ”, đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2/1/2013 đến ngày 31/3/2013.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đề nghị quy định rõ trong Hiến pháp sửa đổi lần này việc cơ quan Nhà nước phải công khai mọi thông tin để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Hiến pháp cũng cần bổ sung nhiều hơn điều khoản thể hiện quyền dân chủ của công dân thông qua việc tổ chức trưng cầu dân ý, bầu cử.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội) đánh giá, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiều điểm mới, thể hiện rõ nét hơn những cam kết với quốc tế trong việc đảm bảo quyền con người.

Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, một số ý kiến đề nghị thay vì quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nên quy định kinh tế trong nước giữ vai trò chủ đạo cho phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; đồng thời Hiến pháp cũng cần làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế và vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các ý kiến cũng đề nghị cần bổ sung quy định đối với thành phần kinh tế tư nhân - thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế.

Đề nghị chú trọng đến quyền của cá nhân đối với đất đai - quyền về tài sản, đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự, đại biểu Nguyễn Đình Quyền kiến nghị Hiến pháp sửa đổi cần có quy định cụ thể về quyền sử dụng đất là quyền bất khả xâm phạm của người dân. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng kiến nghị cần Hiến định chế độ Kiểm toán độc lập, coi đây là công cụ đắc lực của Nhà nước trong việc giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước.

Góp ý về chế định Chủ tịch nước, hầu hết các ý kiến tán thành với vị trí thống lĩnh lực lượng vũ trang, tuy nhiên cần làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; phong hàm, cấp sỹ quan cấp cao đối với cán bộ, sỹ quan Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; công bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật... Có ý kiến đề nghị cần phân định rõ thẩm quyền ký kết Điều ước quốc tế giữa Chủ tịch nước với Quốc hội.

Tại kỳ họp Quốc hội này, Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban sẽ tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013); sau đó, tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).

Luật đất đai sửa đổi phải giải quyết được những vướng mắc về đất đai

Chiều 6/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Qua thảo luận, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai năm 2003 để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Các ý kiến cho rằng qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chính sách, pháp luật đất đai từng bước được hoàn thiện, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện Luật hiện hành cũng phát sinh những hạn chế, bất cập do chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; pháp luật về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa thật đồng bộ. Quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế... Có ý kiến cho rằng, nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…

Nhiều ý kiến đại biểu đề cập việc sửa đổi Luật Đất đai lần này phải giải quyết được các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, qua đó giảm các khiếu kiện về đất đai. Việc sửa đổi góp phần cải cách thủ tục hành chính về đất đai, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai… Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) và nhiều ý kiến khác thể hiện sự nhất trí cao với quan điểm sửa đổi Luật lần này là tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Thảo luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với nội dung như Tờ trình đã nêu. Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, tỉnh và huyện; bổ sung việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế - xã hội và lồng ghép quy hoạch này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; lồng ghép quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Quy định như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khắc phục được tình trạng thiếu tính liên kết, đồng bộ trong quy hoạch giữa các tỉnh, các vùng; góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, đồng thời tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian lập quy hoạch sử dụng đất, nhất là cấp xã.

Bàn về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) công việc này cần làm công khai, minh bạch. Đại biểu dẫn chứng TP. Đà Nẵng đã thực hiện công khai cho dân biết thu hồi bao nhiêu đất, đặc biệt là về giá cả, bố trí tái định cư và khai thác quỹ đất… Qua đó, người dân được biết, được bàn và triển khai, kiểm tra trong quá trình thực hiện. Chính nhờ áp dụng nguyên tắc này, tỷ lệ khiếu kiện liên quan đến đất đai của TP. Đà Nẵng rất thấp - đại biểu cho biết.

Cũng bàn về nội dung này, đại biểu Lê Trọng Sang (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, khái niệm thu hồi đất cần được nghiên cứu xem xét lại. Đại biểu cho rằng việc sử dụng cụm từ “thu hồi đất” như một sự cào bằng giữa người chấp hành tốt với người không chấp hành đúng quy định pháp luật. Mặt khác, Hiến pháp cũng quy định trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh… Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hay tổ chức. Đại biểu Lê Trọng Sang đề nghị thay cụm từ "thu hồi đất" bằng cụm từ Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng quyền sử dụng đất và việc này chỉ áp dụng trong trường hợp thật cần thiết để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Đại biểu đề xuất thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng và ban hành luật trưng mua hoặc trưng dụng quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất của người dân.

Trao đổi về nội dung giá đất, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: Luật quy định Nhà nước có quyền định giá đất, nhưng đại biểu đặt câu hỏi giá đất được định trên cơ sở nào? Đại biểu phân tích: Đất đai được xem như loại hàng hóa đặc biệt, do vậy định giá đất trên cơ sở nào là vấn đề lớn cần được nghiên cứu trong lần sửa đổi này. Đại biểu lấy dẫn chứng: “Thực tiễn những năm qua, Nhà nước làm giá một kiểu, doanh nghiệp làm giá một kiểu và người dân làm giá một kiểu. Ba giá này không gặp nhau nên mới dẫn đến chuyện tranh chấp đất đai thường xuyên”. Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng: Hiện nay khiếu kiện về đất đai còn nhiều là do đền bù chưa thỏa đáng; còn sự chồng chéo, chênh lệch giữa giá của từng địa phương với giá của Nhà nước. Theo đại biểu, để khắc phục nên chăng để cho từng địa phương căn cứ tình hình thực tế để xác lập giá đất.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến vào các nội dung quan trọng khác về hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất; xử lý đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm; thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân…

Ngày mai 7/11/2012, theo chương trình Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Nội dung quan trọng này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi./.

Tuấn Đạt (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất