Sáng 27-6, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã họp phiên lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, sau hơn năm năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra rất phức tạp. Công tác PCTN chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật PCTN là hết sức cần thiết.
Dự án Luật PCTN (sửa đổi) sẽ sửa những nội dung lớn và cốt lõi đảm bảo theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư, Công ước Liên hợp quốc về PCTN và nguyên tắc thống nhất pháp luật. Luật PCTN (sửa đổi) dự kiến sẽ xem xét lại khái niệm về tham nhũng, chủ thể tham nhũng theo hướng không cần xác định chủ thể thực hiện, xây dựng cơ chế xử lý trách nhiệm pháp nhân tham nhũng “vì tập thể vi phạm cũng tương đối nhiều và công ước chống tham nhũng có nêu”.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng, quy định trách nhiệm pháp nhân phải tương thích với Bộ luật Hình sự. Trong PCTN, khi nói đến pháp nhân, chủ yếu là để xử lý về kinh tế. Vì vậy nên tách trách nhiệm hình sự và xử lý về kinh tế của chủ thể là pháp nhân trong vụ án tham nhũng. Ngoài những trách nhiệm hình sự, Luật PCTN sẽ qui định các trách nhiệm khác. Có ý kiến cho rằng, nên mở rộng tất cả đảng viên, bất kể làm việc trong cơ quan nhà nước hay không, đều phải kê khai để Luật hóa Nghị quyết Trung ương.
Dự kiến, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ xem xét vào ngày 20-7 và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Nguyên Hương/Nhân Dân