Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 17/11/2009 11:55'(GMT+7)

Sẽ tập trung chất vấn các nội dung cụ thể và đi đến cùng vấn đề

Hôm nay (17/11), kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII bắt đầu hoạt động chất vấn, diễn ra trong 2,5 ngày, kết thúc vào ngày 19/11. Dự kiến, Thủ tướng và  4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời gồm: Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông. Đây là 4 Bộ trưởng nhận được nhiều ý kiến chất vấn về các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm. Các chất vấn dành cho Thủ tướng Chính phủ tập trung vào hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất, giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế, quản lý vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và quy hoạch hệ thống thủy điện.

Những thông tin liên quan đến giá vàng, tỷ giá tiền tệ tuần qua là nội dung “nóng” được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm và sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề về tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu hiện phải mua ngoại tệ với tỷ giá chênh lệch 400-500 đồng/USD so với tỷ giá công bố của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, nếu mua 1 triệu USD, doanh nghiệp “mất không” từ 400-500 triệu đồng. Nguy cơ về một “chợ đen” mua bán ngoại tệ hình thành ngay trong hệ thống ngân hàng đang gây áp lực buộc doanh nghiệp phải mua theo giá chênh lệch. Căng thẳng ngoại tệ và vấn đề tỷ giá hối đoái đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu, yếu tố khiến Việt Nam mất điểm nghiêm trọng trong các xếp hạng quốc tế. Thị trường hối đoái ít được cải thiện và gây cản trở cho các nhà đầu tư, vậy giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp thời gian tới là câu hỏi mà nhiều đại biểu đặt ra với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo ông Hoàng Thương Lượng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, nội dung thứ hai được các đại biểu sẽ chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Giàu liên quan tới gói cho vay kích cầu 4%. Ông Hoàng Thương Lượng phân tích: “Đây là tiền từ ngân sách Nhà nước và gói kích cầu này đã có hiệu quả. Nhưng hoạt động của hệ thống Ngân hàng thương mại chưa phải là tốt, ví dụ công tác điều hành về tỷ giá, giá vàng như vừa qua; hiện tượng giá vàng ở Việt Nam tăng quá cao thời gian gần đây…”.

Trong phiên chất vấn lần này, Bộ trưởng Công thương đứng đầu danh sách với 29 chất vấn, chỉ xếp sau con số 36 chất vấn dành cho Thủ tướng. Ông Danh Út, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về lời hứa ban hành cơ chế xuất khẩu gạo nhưng đến giờ vẫn chưa thấy. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn TP Đà Nẵng) đặt vấn đề, một số dự án thủy điện lớn nhỏ đã, đang và sẽ triển khai ở miền Trung và Tây Nguyên là “đánh cược với thiên nhiên, mà phần thua chắc chắn thuộc về con người”. Đại biểu Huỳnh Nghĩa muốn chất vấn về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với Bộ Công thương, trong việc đưa ra giải pháp xây dựng các công trình thủy điện này.

Với thời lượng chất vấn dành cho 4 Bộ trưởng trả lời chính và các bộ trưởng, trưởng ngành khác, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Kỳ họp này sẽ tập trung trao đổi vào các nội dung cụ thể và sẽ đi được đến cùng vấn đề. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Nếu chúng ta tạo điều kiện tập trung một vấn đề không hạn chế thời gian thì sẽ giải quyết triệt để vấn đề và tôi tin rằng chất lượng sẽ tốt hơn. Hoạt động giám sát là để giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội”.

Về những nội dung cụ thể cho phiên chất vấn, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: “Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng đã thống nhất, đây là phiên họp cuối năm, Thủ tướng dành một buổi trả lời. Trong quá trình chất vấn, có thể liên quan tới bộ nào thì bộ đó sẽ tham gia. Trong suốt thời gian chất vấn, sẽ mời các Bộ trưởng không phải là đại biểu Quốc hội tham dự để trả lời những vấn đề liên quan đến bộ, ngành mình quản lý”.

Cử tri cả nước đang hướng về Quốc hội với mong muốn những kiến nghị, những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của người dân được đại biểu Quốc hội chất vấn, làm rõ các vấn đề và hướng giải quyết./.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội Trần Đình Đàn: Hoạt động chất vấn lần này sẽ sinh động hơn

Kỳ họp lần này sẽ dành thời gian trọn 1 buổi cho Thủ tướng và 4 buổi cho 4 Bộ trưởng đăng đàn chính. Chúng tôi cũng đã gửi đến Thủ tướng và 4 Bộ trưởng các nhóm vấn đề cần phải trả lời chất vấn. Như vậy, Thủ tướng và các Bộ trưởng đã có trong tư duy của mình, cũng như yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương tham gia chuẩn bị để trả lời theo nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội mong muốn.

Tại các buổi chất vấn này, Thủ tướng hay các Bộ trưởng không phải nói lại những vấn đề trả lời chất vấn trước đây mà chỉ nghe đại biểu Quốc hội chất vấn và trả lời thẳng vấn đề luôn. Những điều các thành viên Chính phủ trả lời chưa đúng vấn đề thì đại biểu có quyền chất vấn lại. Lần này theo ý kiến của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, chúng tôi đã mời tất cả các thành viên Chính phủ đến cùng tham gia trả lời chất vấn. Những vấn đề nào đại biểu hỏi mà không thuộc lĩnh vực của 4 Bộ trưởng được chỉ định trên thì ngay tức khắc, những Bộ không được chỉ định tham gia trả lời lần này có thể tham gia trả lời chất vấn, kể cả Bộ trưởng là đại biểu Quốc hội hay Bộ trưởng không phải là đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng sẽ giành trọn 1 buổi để giải đáp lại những việc mà Bộ trưởng trả lời chưa làm rõ được. Hoặc có những chính sách vĩ mô lớn hơn, một Bộ không thể làm được thì Thủ tướng sẽ giải đáp. Thủ tướng sẵn sàng tranh luận, đối thoại với các đại biểu. Có thể trong lúc Thủ tướng trả lời, có những việc mà Thủ tướng cần Bộ trưởng trao đổi tiếp thì Bộ trưởng trả lời. Tôi nghĩ là cách này làm cho hoạt động chất vấn có hồn hơn, rành mạch hơn, huy động được trí tuệ của đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn. Chắc chắn, khi Thủ tướng hoặc các vị Bộ trưởng đã nói trước quốc dân đồng bào trong phiên trả lời trực tiếp như thế này, được tất cả các phương tiện thông tin ghi lại, thì về Thủ tướng và các Bộ trưởng cũng phải suy nghĩ, đặt vấn đề và giao cho các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương xử lý việc A, việc B đó như thế nào. Chính điều đó sẽ làm cho nội dung chất vấn - một trong những hoạt động giám sát của Quốc hội sinh động hơn, hiệu quả hơn.


(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất