Thứ Sáu, 27/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 16/11/2009 20:28'(GMT+7)

Hội nghị Cấp cao APEC 17 - Liên kết cho phát triển bền vững

 

Trong 2 ngày qua, tại Singapore diễn ra hội nghị cấp cao lần thứ 17 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) với chủ đề “Duy trì tăng trưởng, kết nối khu vực”. Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC dự hội nghị. Hội nghị đã ghi một dấu ấn mới trong việc củng cố cộng đồng APEC, hướng tới một tương lai bền vững, đồng thời tiếp tục khẳng định những đóng góp của Việt Nam với APEC.

Mô hình liên kết kinh tế mới

Một năm trước đây, khi thế giới chìm vào cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có trong lịch sử kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1933, các nhà lãnh đạo APEC nhóm họp tại thủ đô Lima của Peru dù lạc quan với vị thế chính trị và tiềm lực kinh tế nhưng cũng chỉ dám đặt mục tiêu là quyết tâm sẽ cùng nhau vượt qua khủng hoảng trong vòng 18 tháng. Lúc đó cũng có ý kiến phân tích, bình luận là “viễn tưởng”, là “lạc quan tếu”. Vậy mà chỉ 12 tháng sau, tình hình có nhiều tiến triển, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi. Kinh tế Mỹ dự kiến đạt tăng trưởng dương trong năm 2009 và khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2010, tiếp tục là một trong những “động lực tăng trưởng” quan trọng của kinh tế toàn cầu.

Nhanh nhạy trước những biến chuyển của tình hình thế giới, tại hội nghị cấp cao lần thứ 17, bên cạnh những nội dung mang tính chất truyền thống như tự do hoá thương mại và đầu tư, an ninh con người, các nhà lãnh đạo APEC tập trung thảo luận, đưa ra định hướng về phát triển của khu vực và toàn cầu trong giai đoạn sau khủng hoảng.

APEC nhận thấy rằng, không thể quay lại “tăng trưởng thông thường” hoặc “thương mại thông thường”, đã đến lúc cần đề ra một mô hình tăng trưởng mới, một mô hình liên kết kinh tế mới cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhằm đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Với vai trò là khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới, chiếm hơn một nửa GDP và thương mại toàn cầu, APEC hội tụ đủ điều kiện để có thể tạo ra động lực cần thiết để đạt mục tiêu này. Vì vậy, cùng với Tuyên bố chung, kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC đã ra thêm một Tuyên bố về một mô hình tăng trưởng mới cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Mô hình tăng trưởng mới đó gồm các tiêu chí: Tăng trưởng cân bằng, tăng trưởng toàn diện và đặc biệt là phải đảm bảo tăng trưởng bền vững nhằm tránh lại xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu tương tự trong tương lai, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo vốn được coi là một trong những rào cản chính đối với tiến trình tự do hoá thương mại.

Về tăng trưởng bền vững, bên cạnh thể hiện quyết tâm chính trị trong Tuyên bố chung, hội nghị cấp cao APEC 17 có thêm chương trình làm việc với Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen, chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới nhằm đảm bảo thành công của hội nghị cũng như thể hiện đóng góp của APEC cho các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Mô hình tăng trưởng mới của APEC sẽ khó có thể thành hiện thực nếu các nền kinh tế thành viên thiếu sự liên kết kinh tế và chia sẻ. Vấn đề này tưởng như không cần bàn luận nhiều do gắn kết vốn đã là nền tảng để APEC hình thành và phát triển trong 20 năm qua, nhưng trong bối cảnh mới, việc gắn kết giữa các thành viên cũng cần xác định cụ thể và chặt chẽ hơn, thiết thực hơn nhằm đảm bảo tự do thương mại và đầu tư. Hiện đang xuất hiện nhiều ý tưởng mới về liên kết tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Australia vận động cho ý tưởng thành lập Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản đề xuất ý tưởng thành lập Cộng đồng Đông Á. Mỹ và Singapore thúc đẩy Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương... Những ý tưởng này vẫn tiếp tục được xúc tiến, còn tại hội nghị cấp cao lần thứ 17, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định trước mắt tiếp tục thúc đẩy khối liên kết nhằm hướng tới khả năng xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á- Thái Bình Dương vốn được khởi động từ Hội nghị cấp cao 14 tại Hà Nội năm 2006. Để cụ thể hoá, các nhà lãnh đạo APEC chỉ đạo các quan chức nghiên cứu xây dựng các khả năng hình thành vào cuối năm 2010.

Dấu ấn Việt Nam

Thành công của hội nghị cấp cao APEC lần thứ 17 tất nhiên ghi dấu ấn đậm nét của chủ nhà Singapore, nhưng cũng phải kể đến sự đóng góp tích cực của tất cả các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam. Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu đã tham gia rất tích cực vào tất cả các hoạt động.

Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là một trong 6 nhà lãnh đạo được mời phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Chúng ta đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với tác động khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và nêu các đề xuất cụ thể về tăng cường phối hợp chính sách và hành động của các nền kinh tế thành viên để bảo đảm quá trình phục hồi kinh tế không bị đảo ngược, đồng thời tiếp tục thúc đẩy đầu tư, thương mại, đón đầu giai đoạn phục hồi và thực hiện các Mục tiêu Bogo. Đoàn đại biểu Việt Nam đã đưa ra các khuyến nghị thiết thực về tăng cường hợp tác trong APEC, đề nghị các thành viên cùng nỗ lực đóng góp bảo đảm thành công của Hội nghị thượng đỉnh Copenhaghen, nhấn mạnh tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các thành viên đang phát triển để phát triển năng lượng sạch, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Các thành viên APEC đánh giá cao những khuyến nghị của Việt Nam về nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, an ninh lương thực, chống bảo hộ mậu dịch, chống phân biệt đối xử trong thương mại, đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển… Việt Nam cũng đóng góp nhiều ý kiến vào việc cải cách APEC theo hướng phối hợp hiệu quả hơn nữa hoạt động của APEC với các tổ chức và thể chế kinh tế quốc tế, cũng như các cơ chế liên kết khu vực và tiểu khu vực hiện có, phát huy các chương trình kết nối của ASEAN. 

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 17 đã thành công tốt đẹp. Tiến trình xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững của cộng đồng 21 nền kinh tế thành viên APEC (sau này có thể còn được mở rộng hơn nữa) lại tiến thêm một bước dài. Tuy là một thành viên mới của APEC, nhưng với những đóng góp tích cực của mình kể từ khi gia nhập, nhất là năm APEC 2006 và năm nay, đã chứng tỏ Việt Nam đang là một thành viên quan trọng của APEC./.                                                                                                                         

Lê Huy Nam (VOVNews)
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất