Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 22/5/2009 14:47'(GMT+7)

Sẽ thêm 3 nhóm đối tượng kiều bào được mua nhà ở Việt Nam

Kiều bào sẽ được đứng tên căn hộ, ngôi nhà của mình

Kiều bào sẽ được đứng tên căn hộ, ngôi nhà của mình

Sáng nay (22/5), Quốc hội làm việc tại hội trường. Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai; và nghe Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Bảo đảm quyền lợi người mua nhà

Ngày 29/11/2005, Quốc hội đã thông qua Luật nhà ở (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2006). Theo đó, Quốc hội đã cho phép một số đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. So với các quy định trước đây, thì Luật nhà ở đã có những quy định thông thoáng và cởi mở hơn về đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Tuy nhiên, so với thực tế hiện nay thì các quy định này vẫn còn hạn chế, chưa tạo điều kiện và khuyến khích được nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia cống hiến, xây dựng cho đất nước và cũng chưa thể chế đầy đủ chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trình bày, quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và Luật Quốc tịch Việt Nam. Đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn bị hạn chế. Sự hạn chế này đã không khuyến khích các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc.

Trên thực tế, để có nhà ở tại Việt Nam, nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhờ người thân, bạn bè mua và đứng tên hộ quyền sở hữu nhà ở hoặc mua bán trao tay, không làm các thủ tục theo quy định, nên vừa ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước từ các giao dịch về nhà ở, vừa là nguyên nhân làm phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở giữa các bên.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau hơn hai năm thực hiện Luật Nhà ở, mới có hơn 140 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Con số này còn rất ít so với nhu cầu thực tế.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở theo hướng mở rộng và quy định cụ thể hơn về các nhóm đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là cần thiết. Việc cho phép thêm một số đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở không làm ảnh hưởng nhiều tới thị trường nhà đất tại Việt Nam.

Theo quy định của Dự thảo Luật sẽ bổ sung thêm ba nhóm đối tượng so với quy định hiện hành, đó là:“người có quốc tịch Việt Nam”, “người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt” “người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước”.

Chỉ được sở hữu duy nhất một nhà hoặc căn hộ

Theo ông Hà Văn Hiền, trong quá trình thẩm tra Dự án Luật, cũng có ý kiến đề nghị tất cả các nhóm đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ tại Việt Nam.

Ý kiến này cho rằng, mục đích của việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là để tạo điều kiện về chỗ ở cho họ khi về Việt Nam. Việc quy định chỉ được sở hữu một nhà ở nhằm hạn chế việc lợi dụng chính sách để kinh doanh, mua đi bán lại. Quy định như vậy sẽ góp phần làm giảm tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản trong nước. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị hạn chế diện tích nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu.

Uỷ ban Kinh tế cho rằng, cùng với việc mở rộng, bổ sung thêm đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì cũng nên mở rộng quyền và nghĩa vụ của họ cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Uỷ ban Kinh tế cũng nhất trí với Dự thảo Luật, cho phép chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền cho thuê nhà trong thời gian họ tạm thời không sử dụng, được uỷ quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhưng không được hưởng quyền bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe các nội dung: Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất