Sáng sớm 12/2 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ (F. Hollande) đã có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) tại Nhà Trắng.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ khẳng định sự tin cậy lẫn nhau giữa Pa-ri và Oa-sinh-tơn đã được khôi phục sau bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ với giới chức lãnh đạo nhiều nước...
Chuyến đi của ông Ph.Ô-lăng-đơ tới Oa-sinh-tơn từ ngày 10 đến 12/2 là chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của một vị tổng thống Pháp tới Nhà Trắng trong gần 2 thập kỷ qua. Chuyến thăm diễn ra khi quan hệ đồng minh lâu năm giữa Pháp và Mỹ trong vài năm qua đã được hâm nóng trở lại sau gần một thập kỷ bị đóng băng do Pa-ri từ chối đưa quân hỗ trợ cuộc tấn công quân sự của Mỹ năm 2003 vào I-rắc. Chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã dành nghi lễ đón tiếp đặc biệt cấp nhà nước cho Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các biện pháp nhằm hàn gắn và thúc đẩy mối quan hệ đồng minh truyền thống sau vụ bê bối do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ, tình hình tại một số điểm nóng trên thế giới, nhất là tại Xy-ri, I-ran và các vấn đề kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc họp báo chung cùng ngày, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ cho biết, niềm tin đã được khôi phục giữa Mỹ và Pháp sau những cáo buộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ tiến hành do thám các nhà lãnh đạo và công dân nước ngoài trong một thời gian dài, gây chia rẽ nghiêm trọng mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Liên quan đến tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ cho biết, thỏa thuận quan trọng này có thể nhanh chóng được thúc đẩy nếu hai bên tin tưởng và tôn trọng quan điểm của nhau.
Tại cuộc họp báo này, lãnh đạo hai nhà nước cũng đã đưa ra nhiều tuyên bố chia sẻ quan điểm về những vấn đề nổi bật của thế giới. Về vấn đề I-ran, dù nhấn mạnh rằng, những biện pháp trừng phạt có thể cản trở khả năng đạt được giải pháp ngoại giao trên bàn đàm phán giữa I-ran và nhóm P5+1, hai bên thống nhất về sự cần thiết tiếp tục duy trì các biện pháp cấm vận để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Về cuộc khủng hoảng chính trị tại Xy-ri, lãnh đạo Mỹ và Pháp duy trì quan điểm hướng tới một giải pháp ngoại giao với sự ủng hộ dành cho phe đối lập, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn việc xâm nhập của các tay súng nước ngoài vào Xy-ri. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cùng kêu gọi sự hợp tác hơn nữa nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại hội nghị về khí hậu diễn ra tại Pa-ri vào năm 2015.
Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của EU được Tổng thống B.Ô-ba-ma mời thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng, lý do để nước Mỹ “nhiệt tình” chào đón Tổng thống Pháp không chỉ có một mục đích duy nhất là khôi phục lòng tin giữa hai đồng minh. Thời gian gần đây, quan hệ giữa Mỹ và EU đã phải trải qua một giai đoạn “mệt mỏi” và “chán nản” lẫn nhau. Điều này xuất phát từ cả hai phía. Châu Âu giận dữ với Mỹ vì xì- căng-đan nghe lén và thu thập thông tin tình báo còn Mỹ thì mệt mỏi với sự chậm trễ của châu Âu trong cách phản ứng với các khủng hoảng kinh tế và địa chính trị.
Dù vậy, theo các nhà phân tích, châu Âu trước sau vẫn là đồng minh quan trọng nhất của nước Mỹ và nước Mỹ có lợi ích quan trọng với một châu Âu sớm vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Về chính trị, hai bờ Đại Tây Dương cần lẫn nhau trong các thách thức địa chính trị toàn cầu mà hiện nay châu Âu hầu như không đủ sức gánh vác, còn nước Mỹ thì cũng ngày càng tỏ dấu hiệu hụt hơi nếu phải hành động đơn phương. Về kinh tế, những khúc mắc về ngoại giao cần được khai thông để Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương sớm hoàn tất các vòng đàm phán. Hiệp định này sẽ tạo ra một thị trường lớn nhất thế giới và có lợi cho cả hai bên, nhất là trong bối cảnh quyền lực của các nền kinh tế mới nổi (BRICS, G20) thách thức sự thống trị của Mỹ và châu Âu trong các định chế tài chính và tiền tệ thế giới.
Đó là lý do mà nước Mỹ của ông B.Ô-ba-ma trải thảm đỏ chào đón Tổng thống Pháp, bởi dù có đang suy yếu thì nước Pháp của ông Ph.Ô-lăng-đơ vẫn là một trong hai đầu tàu kinh tế của châu Âu và vẫn là trụ cột chính trị, quốc phòng của EU. Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang tin rằng, Mỹ không còn quan tâm nhiều tới các vấn đề của lục địa già cũng như hoài nghi về định hướng chính sách đối ngoại và an ninh của Oa-sinh-tơn trong tương lai, chuyến thăm của Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ là cơ hội để Mỹ tái khẳng định sự coi trọng đối với các đồng minh thân cận nhất.
Còn đối với ông Ph.Ô-lăng-đơ và nước Pháp, làm sống lại mối quan hệ hữu hảo một thời với Oa-sinh-tơn cũng là điều vô cùng quan trọng. Chuyến thăm kéo dài ba ngày của Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ không ngoài mục đích nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia và làm hồi sinh nền kinh tế đang trì trệ của nước này./.
Ngọc Hà (QĐND)