Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với Cu-ba, khi cho phép khởi động các cuộc đàm phán tiến tới một hiệp định đối thoại chính trị và bình thường hóa quan hệ với quốc đảo Ca-ri-bê này...
Ngày 10/2, Ngoại trưởng các nước EU vừa nhất trí cho phép Ủy ban châu Âu (EC) và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Ca-thơ-rin A-stơn (Catherine Ashton) tiến hành đối thoại với Cu-ba hướng tới ký kết một hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương, chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, có tên gọi là "Hiệp định Hợp tác và đối thoại chính trị".
Đại sứ EU tại Cu-ba, ông Héc-man Poóc-tô-ke-rô (Herman Portocarero) coi đây là một bước đi mang tính quyết định nhằm tìm ra đường hướng đối thoại và cho rằng, một sự hiểu biết lẫn nhau cao hơn sẽ có lợi cho cả hai bên. Đại sứ Poóc-tô-ke-rô nhấn mạnh, EU quan tâm đến việc phải hiện diện trong tiến trình thay đổi kinh tế tại Cu-ba và với hiệp định chính trị, EU tìm kiếm một mối quan hệ năng động hơn với quốc đảo này, cho dù liên minh EU tiếp tục theo đuổi những giá trị và quan điểm của mình.
Tờ El Mundo xuất bản tại Ma-đrít coi quyết định trên của EU như một bước đi đầu tiên nhằm xóa bỏ cái gọi là “lập trường chung” được Tây Ban Nha đưa ra từ năm 1996 nhằm gắn tiến trình đối thoại với quá trình mở cửa tại quốc đảo này. Năm 1996, EU đã quyết định thiết lập hàng loạt quy tắc giới hạn mối quan hệ với Cu-ba mang tên “Lập trường chung”. Chính sách này được xem là đã can thiệp quá sâu vào nội bộ đất nước Cu-ba.
Nhưng không phải đến bây giờ EU mới tìm lại Cu-ba mà từ tháng 11/2012, EU đã nhất trí khởi động tiến trình thương lượng một thỏa thuận song phương với Cu-ba. Mới đây nhất, hôm 7-2, quan chức EU tuyên bố liên minh đã sẵn sàng cải thiện quan hệ với Cu-ba nhằm mở rộng các khuôn khổ hợp tác giữa hai bên.
Trên thực tế, quan hệ giữa EU và Cu-ba bắt đầu được hâm nóng kể từ năm 2008 sau nửa thập kỷ lạnh nhạt. Sau khi Tây Ban Nha là quốc gia tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ với Cu-ba vào năm 2005, EU đã quyết định thiết lập đối thoại chính trị và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với quốc đảo này vào năm 2008. Tính từ thời điểm đó, EU đã viện trợ phát triển cho Cu-ba khoảng 80 triệu ơ-rô (tương đương khoảng 110 triệu USD).
Giải thích cho sự “nhiệt tình” của EU, các nhà phân tích cho rằng, tại thời điểm này, trước tình hình thế giới liên tục chứng kiến những bước ngoặt trong quan hệ ngoại giao thì EU cũng không ngoại lệ, nhất là hiện nay Cu-ba ngày càng chứng tỏ có những thành công nhất định trong quá trình cải cách kinh tế-xã hội.
Có lẽ lợi ích kinh tế là một trong lý do khiến EU nhận ra sự cần thiết phải thay đổi quan điểm đối với La Ha-ba-na. Theo Global Insider, nhiều nhà ngoại giao châu Âu khi được phỏng vấn đã thừa nhận, châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ hai ở Cu-ba (sau Vê-nê-xu-ê-la), hàng hóa xuất khẩu của châu Âu vào thị trường Cu-ba đã lên đến 2 tỷ ơ-rô. Trong tình hình khủng hoảng nợ công, tình trạng thất nghiệp lan rộng ở EU thì tìm được thị trường là cơ hội mà EU khó để vuột mất.
Hơn thế, EU cũng không muốn mình là kẻ chậm chân tại Cu-ba, hay nói rộng ra là tại khu vực Mỹ La-tinh, khi mà sự hiện diện của Trung Quốc ở đây đang gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, đến nay, Cu-ba đã thực hiện cam kết trả tự do cho 41 tù nhân chính trị - điều mà các nước châu Âu yêu cầu từ nhiều năm nay.
Nhận định về mối quan hệ EU - Cu-ba, giáo sư Hoa-quin Roi (Joaquin Roy), Giám đốc Trung tâm EU ở Mai-a-mi cho rằng, dù tồn tại quy tắc “Lập trường chung” từ năm 1996 nhưng thực tế, nhiều nước thành viên EU vẫn duy trì chính sách hợp tác thực dụng. Nghĩa là, vẫn có những sự hợp tác về thương mại, đầu tư, hỗ trợ phát triển với Cu-ba.
Cu-ba ngày 11/2 đã hoan nghênh chủ trương của EU, coi đây là động thái mang tính xây dựng, song khẳng định đối thoại song phương phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của quốc đảo Ca-ri-bê này. Trong một tuyên bố cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Cu-ba Rô-hê-li-ô Xi-ê-ra (Rogelio Sierra) nêu rõ, Cu-ba sẽ xem xét đề xuất của EU dựa trên tinh thần tôn trọng, xây dựng, phù hợp với chủ quyền và lợi ích quốc gia. Trong khi đó, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU C.A-stơn bày tỏ hy vọng, Cu-ba sẽ chấp nhận đề xuất này và hai bên có thể nỗ lực hướng tới một mối quan hệ bền chặt hơn.
Giới ngoại giao châu Âu cho rằng, "Hiệp định Hợp tác và đối thoại chính trị" giữa EU và Cu-ba không phải là một Hiệp định tự do thương mại (FTA) nhưng tất cả hướng tới việc mở rộng đàm phán trong năm 2014 và không hề liên quan đến những cuộc gặp gỡ song phương trước đây. Cho dù có vấp phải nhiều ý kiến phản đối, EU sẽ kiên quyết bảo vệ quyết định trên và cho rằng, một hiệp định chính trị như vậy sẽ giúp khai thông đàm phán và đóng vai trò vững chắc nhằm hỗ trợ đối thoại, xây dựng và cải thiện mối quan hệ hợp tác.
Mặc dù các nguồn tin EU cho rằng, sẽ phải mất từ 2-3 năm để xây dựng thỏa thuận mới này, song quyết định nói trên đánh dấu sự thay đổi chính sách quan trọng nhất của EU kể từ khi khối này khôi phục quan hệ ngoại giao với Cu-ba 5 năm trước./.
Ngọc Hà (QĐND)