Trước thực tế ứng dụng CNTT trong các tòa nhà, đô thị còn manh mún, khó hình thành đô thị thông minh (ĐTTM), các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần "siết" chặt, đưa ứng dụng CNTT vào trong tiêu chuẩn xây dựng, phát triển đô thị.
Sẽ "siết" ứng dụng CNTT trong đô thị
Theo đánh giá của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam gần đây, ở quy mô hẹp, nhiều tòa nhà ở các khu đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… dù đã ứng dụng những công nghệ "thông minh" như hệ thống quản lý điện năng, đỗ xe tự động… nhưng hầu hết lại được điều khiển riêng biệt, không có sự liên thông quản lý và giám sát chung thông qua hệ thống quản lý tòa nhà thông minh. Còn ở quy mô lớn hơn mang tầm đô thị thì câu chuyện có thể kết nối liên thông các lĩnh vực như y tế, giáo dục, cải cách hành chính... mới ở trong giai đoạn "tìm đường".
Sức ép dân số, bức xúc đô thị đang liên tục gia tăng, nếu chuyện phát triển ĐTTM chỉ "nóng" trên.. bàn nghị sự mà không sớm bắt tay vào hiện thực hóa thì các đô thị Việt Nam khó tránh khỏi tình trạng tụt hậu.
Chính vì thế, tại ICT Summit 2012 vừa qua, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã có khuyến nghị gửi đến Nhà nước, Chính phủ về vấn đề ứng dụng CNTT trong phát triển ĐTTM. Cụ thể là, đã đến lúc đặt ra yêu cầu bắt buộc mọi công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải ứng dụng CNTT hướng tới phát triển ĐTTM. V à điều này phải được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật.
Đại diện VINASA khuyến nghị trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, Nhà nước cần ưu tiên tập trung ứng dụng CNTT để hiện đại hóa một số ngành, lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, cải cách hành chính, đô thị nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, đặc biệt là về đô thị thông minh; coi trọng vấn đề ứng dụng CNTT để phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội thông minh có thể kết nối liên thông, đồng bộ hóa.
Cũng theo các chuyên gia về đô thị và công nghệ, để Việt Nam xuất hiện nhiều hơn nữa các ĐTTM thì cơ chế hợp tác công - tư (PPP) để huy động các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ mạnh nhất từ phía Nhà nước cho phát triển, ứng dụng CNTT cũng cần đặt ra cấp bách.
Trao đổi về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam bày tỏ: Bộ Xây dựng sẽ chủ động xây dựng các quy chuẩn về CNTT trong vấn đề quy hoạch, xây dựng đô thị. Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung điều chỉnh, xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mặt quy hoạch, để từ đó đưa những tiêu chuẩn xây dựng ở nhiều mức độ khác nhau vào các tòa nhà, khu đô thị mới.
Cần khuyến khích cho dự án ứng dụng CNTT "thông minh"
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, việc đưa CNTT vào quy chuẩn xây dựng đòi hỏi phải có thời gian từ lúc nghiên cứu đến thực thi, đặc biệt là xem xét trên cơ sở nguồn lực, sự đồng thuận của xã hội…
Bà Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cũng đồng quan điểm về lộ trình để tiếp cận với ĐTTM cần thực hiện từng bước, đồng thời đề nghị Nhà nước sớm nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi như giảm thuế về đất đai cho chủ đầu tư nếu họ ứng dụng CNTT, công nghệ cao cho các công trình, khu đô thị.
"Thực hiện chính sách hỗ trợ như vậy cũng là để người dân không phải gánh chịu ngay những áp lực liên quan đến chi phí từ phía chủ đầu tư khi họ đến sống trong những tòa nhà, khu ĐTTM", bà Lan nói.
Liên quan đến vấn đề "hiến kế" phát triển ĐTTM tại Việt Nam, trao đổi với báo giới Việt Nam về kinh nghiệm phát triển ĐTTM, ông Hashimoto - Trưởng ban Hợp tác kỹ thuật của thành phố Yokohama, Nhật Bản (năm 2011, Yokohama được trao giải thưởng là thành phố thông minh của thế giới - PV) tiết lộ, để trở thành một ĐTTM, chính quyền Yokohama bên cạnh việc yêu cầu các chủ dự án ký cam kết cơ bản phát triển đô thị với những tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ nhất định để thực hiện các quy tắc cơ bản dành cho tòa nhà, đô thị thì cũng luôn khuyến khích phát triển những ý tưởng về ĐTTM thay vì chỉ biết thực hiện các quy định hành chính hiện hành.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, tại Việt Nam có nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã thức thời trong vấn đề ứng dụng công nghệ cao phát triển tòa nhà, khu ĐTTM. Đó là những địa chỉ để các doanh nghiệp, tổ chức khác có thể học hỏi, là tiền đề quan trọng để phát triển ĐTTM tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây vấn đề phát triển ĐTTM liên tục được "mổ xẻ" trong các diễn đàn về xây dựng, quy hoạch, ứng dụng CNTT… Như tháng 5 vừa qua Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã bắt tay với Hội Quy hoạch Hàn Quốc tổ chức khóa đào tạo quốc tế về ĐTTM, nâng cao hiểu biết về quy hoạch phát triển ĐTTM ở Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội bày tỏ các kinh nghiệm như hướng dẫn thiết lập ĐTTM, giới thiệu các quy định về ĐTTM… được các chuyên gia nước ngoài như Hàn Quốc đưa ra là những giải pháp thiết thực để Việt Nam nghiên cứu, áp dụng thực tế./.
Theo ICTnews