Thứ Hai, 23/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 29/6/2012 14:51'(GMT+7)

Quy hoạch truyền hình cáp: Chỉ còn 3 doanh nghiệp quy mô toàn quốc

Hiện chưa có một nghiên cứu tổng thể về nhu cầu, quy mô của thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền tại V.N.

Hiện chưa có một nghiên cứu tổng thể về nhu cầu, quy mô của thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền tại V.N.

Thị trường truyền hình nhiều bất cập

Ngày 28/6/2012, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo xây dựng quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình (PT-TH) Việt Nam đến 2020. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho rằng, việc phát triển các đài truyền hình "khá lộn xộn" và cần được quy hoạch lại để đi vào trật tự. Hiện có rất nhiều DN xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền; vì vậy, việc quy hoạch phát triển dịch vụ PT-TH phải xác định rõ đối tượng, quy mô và phạm vi thực hiện. Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, việc số hóa truyền hình không chỉ đặt ra ở thời điểm này mà trước đó Việt Nam đã cam kết với các nước trong khối ASEAN thực hiện số hóa truyền hình theo lộ trình từ 2015 đến 2020.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ TT&TT), phạm vi xây dựng quy hoạch phát triển dịch vụ PT-TH được chia thành 4 "lát cắt", gồm: nội dung, dịch vụ, hạ tầng và người sử dụng. Phần nội dung hiện nay do 67 đài PT-TH ở Trung ương và địa phương đảm nhiệm. Ông Tuấn cũng nêu ra một số tồn tại như: chất lượng chương trình ở nhiều đài PT-TH khu vực miền núi còn nghèo nàn, các chương trình tự sản xuất vừa ít vừa không đảm bảo chất lượng. Nhắm đến mục tiêu tạo nguồn thu nên các chương trình quảng cáo xuất hiện với tần suất dày đặc trên các kênh truyền hình, tạo ra thực tế là mất công bằng xã hội trong nhu cầu được hưởng thụ thông tin giữa các tầng lớp, cộng đồng. Trong khi đó, dịch vụ truyền hình cáp đồng trục mang tính manh mún, được tổ chức theo các địa phương, với sự tham gia của trên 40 đơn vị nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ từ vài nghìn tới vài chục nghìn thuê bao, sử dụng công nghệ cũ. Hiện chưa có một nghiên cứu, đánh giá tổng thể về nhu cầu, quy mô của thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam để định hướng số lượng đơn vị khai thác trên từng mảng thị trường dịch vụ truyền hình. Các quy định quản lý về thị trường dịch vụ truyền hình chưa đầy đủ, đặc biệt là những nội dung như quy mô thị trường, giá cước, quy định về cạnh tranh, mua bán, sáp nhập… Điều đó tạo ra những thách thức như sự phát triển nhanh chóng của các kênh truyền hình quảng bá, trong khi quy mô thị trường quảng cáo có xu hướng tăng chậm. Sự bùng nổ của dịch vụ video trực tuyến là thách thức cho sự phát triển ngành công nghiệp truyền hình quảng bá truyền thống trong việc thu hút các nguồn lực quảng cáo.

Cũng theo ông Tuấn, Thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện nay có sự tham gia của các DN viễn thông trong việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền IPTV, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp... Tuy nhiên, đang tồn tại sự thiếu minh bạch của các cơ chế tài chính - hạch toán, bóc tách dịch vụ - nếu không có một cơ chế kiểm soát hữu hiệu của Nhà nước có thể dẫn đến sự phá vỡ của thị trường, nhất là đối với các dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống như cáp đồng trục, vệ tinh... Sự bùng nổ của các dịch vụ truyền hình miễn phí trên mạng với nội dung ngày càng hấp dẫn cũng ảnh hưởng đến hành vi trả tiền của người dùng để xem truyền hình trả tiền.

Quy hoạch lại số DN truyền hình cáp

Ông Trần Minh Tuấn cho biết, mục tiêu phủ sóng cung cấp dịch vụ PT-TH đến năm 2015 là hầu hết các tỉnh, TP thuộc vùng đồng bằng, trung du có khả năng tiếp cận dịch vụ truyền hình số mặt đất; đến năm 2020, dịch vụ truyền hình số mặt đất có mặt tại cả 63 tỉnh, TP. Đến năm 2015, đảm bảo 100% số gia đình trên cả nước có khả năng tiếp cận dịch vụ truyền hình DTH của tối thiểu 2 DN cung cấp dịch vụ và đảm bảo 100% các TP, thị xã, thị trấn, điểm sinh hoạt cộng đồng tại trung tâm xã có khả năng tiếp cận truyền hình cáp bằng các công nghệ khác nhau. Đến 2015, tại 5 TP trực thuộc TW và dọc tuyến Quốc lộ Bắc- Nam, người dân có thể tiếp cận dịch vụ truyền hình di động để đến năm 2020, dịch vụ truyền hình di động có mặt tại hầu hết các trung tâm tỉnh, TP trên cả nước. Mục tiêu doanh thu dịch vụ PT-TH đến năm 2015 là khoảng 30-40% số hộ gia đình có thể xem dịch vụ truyền hình trả tiền; đến năm 2020, phát triển khoảng 60-70% số gia đình có thể xem dịch vụ truyền hình trả tiền. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ trả tiền đạt khoảng 25-30% giai đoạn 2012-2015 và 10-15% giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, doanh thu truyền hình trả tiền đạt khoảng 800-1.000 triệu USD.

Về định hướng phát triển, sẽ tập trung phát triển PT-TH quảng bá số mặt đất thay thế cho dịch vụ PT-TH quảng bá tương tự mặt đất theo Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Đối với dịch vụ truyền hình trả tiền, cũng có những định hướng về quy mô thị trường, quản lý thị trường qua việc mua bán, sáp nhập, thị phần chi phối, quản lý giá cước, cấp phép và chất lượng dịch vụ. "Với mục tiêu khoảng 20 nghìn tỷ đồng đến năm 2020, chia cho 4 loại hình truyền dẫn phát sóng (truyền hình cáp số, IPTV, số mặt đất, truyền hình di động), mỗi loại hình được khoảng 5 nghìn tỷ đồng, nếu lại tiếp tục chia cho mỗi DN khoảng 1 nghìn tỷ đồng thì với số tiền đó việc đầu tư hạ tầng có hiệu quả hay không khi mà phần lớn đều là DN Nhà nước", ông Trần Minh Tuấn nói. Vì vậy, Viện Chiến lược kiến nghị đối với truyền hình cáp số rút gọn còn lại chỉ còn 3 DN quy mô toàn quốc và 5 DN khu vực không chồng lấn nhau thay vì hơn 40 DN như hiện tại. Tương tự, dịch vụ truyền hình qua vệ tinh DTH, truyền hình di động, IPTV cũng chỉ có từ 3 nhà cung cấp dịch vụ toàn quốc và 3-5 nhà cung cấp khu vực. Điều này cũng giống với thị trường di động khi trước đây có sự tham gia ồ ạt của các DN nhưng hiện giờ chỉ còn lại 6 DN và thời gian tới sẽ là 3-4 DN có khả năng tồn tại./.

(Theo: ICTnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất