Trưa 5/7, Đại hội truyền thông thế giới lần thứ hai với chủ đề "Truyền thông thế giới: các thách thức của thế kỷ 21," đã khai mạc tại Mátxcơva.
Tham dự đại hội có nhiều nhà lãnh đạo chính quyền các cấp nước chủ nhà, đứng đầu là Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Sergey Naryshkin, và hơn 300 đại diện của 213 cơ quan truyền thông đại chúng thuộc 103 nước. Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Hoài Dương đã tham gia các hoạt động của Đại hội.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi điện mừng Đại hội. Trong điện chúc mừng được Tổng Giám đốc Hãng Thông tấn Nga ITAR-TASS, ông Vityaly Ignantenko đọc tại lễ khai mạc, Tổng thống Putin khẳng định Đại hội là diễn đàn xã hội quan trọng nhằm thảo luận những vấn đề quan trọng nhất và nóng hổi nhất của thời đại mà các phương tiện truyền thông đại chúng có khả năng và cần phải đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Chính truyền thông đại chúng đang góp phần xác định hôm nay và ngày mai của chính sách và nền kinh tế thế giới cũng như tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống. Một vai trò như vậy đòi hỏi một trọng trách cao về nghiệp vụ, công dân và đạo đức của các nhà báo.
Phát biểu khai mạc Đại hội, tổng giám đốc Ignantenko cho biết tại đại hội này, các đại biểu sẽ thảo luận về những thách thức của thế kỷ 21 đang đặt ra trước các phương tiện truyền thông thế giới, đưa ra đánh giá thích ứng và điều chủ yếu là đề xuất những mô hình hiệu quả nhằm phát triển lĩnh vực truyền thông quốc tế.
Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về vai trò của truyền thông đại chúng trong tình hình địa chính trị mới và sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu vừa qua, tìm ra những mô hình đối tác văn minh với giới doanh nghiệp, soạn thảo và thông qua những quy tắc chuẩn xác trong quan hệ giữa truyền thông đại chúng và các nhà báo.
Ông Ignantenko nêu bật những vấn đề nổi cộm đang đặt ra đối với truyền thông đại chúng như sự bất bình đẳng giữa các nước và các khu vực trong lĩnh vực thông tin, thông tin có lúc chưa khách quan, vấn đề liên quan đến bảo vệ bản quyền tác giả, đạo đức, vai trò và trách nhiệm báo chí, tình trạng tin tặc, xuyên tạc thực tế và các sự kiện, điều tiết hoạt động truyền thông đại chúng trên thế giới trên cơ sở tính đến đặc thù của mỗi nước...
Tiếp đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Naryshkin và Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nikolai Nikiforov cùng đại diện các cơ quan truyền thông đại chúng khu vực đã phát biểu tại Đại hội. Đại hội sẽ làm việc đến hết ngày 7/7.
Trong khuôn khổ Đại hội, ITAR-TASS đã tổ chức triển lãm ảnh đề cập lịch sử phát triển báo chí sử dụng tiếng Nga ở nước ngoài mang tên "Nước Nga mà chúng ta đã gìn giữ"./.
(TTXVN)