Thứ Hai, 25/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 28/11/2017 20:28'(GMT+7)

Sinh viên ngành khác được chuyển sang học công nghệ thông tin

(Ảnh minh họa: FPT)

(Ảnh minh họa: FPT)


Chỉ tiêu và điều kiện chuyển ngành học do thủ trưởng các cơ sở đào tạo quy định cụ thể theo hướng mở, công khai và đảm bảo các điều kiện đầu vào tối thiểu của chương trình đào tạo. Thủ tục chuyển trường thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trình độ đại học trong giai đoạn 2017-2020.

Trường được mở rộng quy mô

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu các đại học, học viện, các trường đại học có đào tạo các ngành công nghệ thông tin trình độ đại học khẩn trương triển khai xây dựng Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trình độ đại học trong giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, những ngành đào tạo được áp dụng cơ chế đặc thù gồm Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Công nghệ thông tin ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Bộ khuyến khích các cơ sở đào tạo mở các ngành mới trong nhóm ngành công nghệ thông tin, các ngành/chuyên ngành công nghệ thông tin ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Trường liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, thực hành, thực tập và giảng viên tham gia đào tạo.

Các cơ sở đào tạo áp dụng cơ chế đặc thù sẽ được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô, mở rộng đào tạo văn bằng hai và đào tạo song ngành trình độ đại học về công nghệ thông tin.

Hằng năm, các cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm, phân tích, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động.

Linh hoạt trong đào tạo

Với cơ chế đặc thù, các trường sẽ được linh hoạt trong đào tạo, cả về hình thức lẫn nội dung.

Bên cạnh việc cho phép tuyển sinh viên năm 1, 2, 3 của các ngành khác, trường khác vào ngành công nghệ thông tin, Bộ cũng cho phép các trường được điều chỉnh chương trình đào tạo công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng, mở, liên thông gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn. 

Trong đó, các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng về công nghệ thông tin. Các học phần tự chọn là các hướng đào tạo chuyên sâu công nghệ thông tin ứng dụng. 

Các cơ sở đào tạo nghiên cứu đưa nội dung đào tạo các chứng chỉ nghề có uy tín trên thế giới (ví dụ: chứng chỉ của Microsoft, Oracle, Cisco,…) vào nội dung đào tạo thực hành để đáp ứng chuẩn đầu ra khi  tốt nghiệp.

Hình thức đào tạo cũng có thể linh hoạt thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, như dụng phương thức đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp và đào tạo thực hành tại doanh nghiệp…

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở đào tạo công nhận tín chỉ lẫn nhau.

Bộ cũng đề xuất các trường nghiên cứu việc công nhận một số học phần mà người học tích lũy được từ các khóa đào tạo cấp chứng chỉ công nghệ thông tin tương đương với một số môn học, tín chỉ trong chương trình đào tạo đại học.

Khi áp dụng cơ chế đặc thù, Bộ quy định thời gian đào tạo thực tế tại doanh nghiệp phải đảm bảo ít nhất 30% tổng thời gian đào tạo và được xác định cụ thể trong chương trình đào tạo. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đáp ứng yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng thực tập, thực hành tại doanh nghiệp đối tác.

Điều kiện bắt buộc

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, điều kiện bắt buộc để trường được thực hiện cơ chế đặc thù này là phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực trong quá trình đào tạo.

Việc gắn kết này cũng nhằm dự báo nhu cầu lao động, xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo sinh viên có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề.

Cụ thể, trường phải thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp là nơi thực hành, thực tập của cơ sở đào tạo; sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm của doanh nghiệp để phục vụ thực hành nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, ứng dụng thực tiễn của sinh viên.

Doanh nghiệp phải cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của sinh viên và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Nhà trường cùng với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp thực hiện công tác dự báo nhu cầu nhân lực, phối hợp đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong các cơ sở đào tạo, chú trọng xây dựng phòng thí nghiệm, phòng thực hành./.

Phạm Mai/Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất