Nước Mỹ một lần nữa bị chấn động sau vụ xả súng đẫm máu nhằm vào một trường tiểu học ở thành phố Connecticut ngày 14/12, làm 28 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là trẻ em. Vụ việc một lần nữa làm bùng lên dư luận trong công chúng và các nghị sĩ kêu gọi thắt chặt kiểm soát việc tiếp cận và sở hữu súng tại Mỹ.
Vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook là vụ thảm sát đẫm máu thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ bắn giết bừa bãi làm 32 sinh viên và giảng viên thiệt mạng tại trường đại học Virginia Tech tháng 4/2007. Đây cũng là vụ thảm sát thứ 10 làm nhiều người thiệt mạng kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền tháng 1/2009.
Còn nhớ, tháng 7 vừa qua, ngay trước thềm các chiến dịch tranh cử, Tổng thống Obama và chính quyền của ông cũng phải đối mặt với một vụ thảm sát tương tự nhằm vào một rạp chiếu phim tại bang Colorado, làm 12 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Tuy nhiên vì một số lý do, trong chiến dịch tranh cử của mình cũng giống như đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney, Tổng thống đảng Dân chủ đã bỏ qua vấn đề này.
Phát biểu với báo chí tại Nhà trắng ngay sau vụ thảm sát, Tổng thống Obama đã chia sẻ nỗi đau với các gia đình nạn nhân, song chỉ đưa ra một lời kêu gọi “hành động” để tránh tái diễn các vụ thảm sát tương tự, mà không nêu rõ bản chất cụ thể của vấn đề.
Trước đó, Người phát ngôn Tổng thống Mỹ Jay Carney đã có phát biểu giải thích rằng, đây “không phải là lúc để thảo luận chính trị”.
Một số lượng không nhỏ người dân Mỹ đã có ý kiến về vấn đề này. Báo “Bưu điện Washington” đã đăng tải phản ứng của một số cư dân mạng và lấy một phát biểu làm đầu đề bài báo: “Hôm nay, tôi thấy xấu hổ khi là người Mỹ, xấu hổ vì đã không bảo vệ được những người con của đất nước. Chính phủ và chính bản thân chúng ta phải làm gì để chấm dứt điều này”.
Sau vụ việc xảy ra, bên ngoài Nhà Trắng hôm qua, có hàng chục người tuần hành yêu cầu chính quyền phải đưa ra hành động về luật sở hữu súng: “Cả ngày hôm nay tôi chỉ dành thời gian để theo dõi tin tức về vụ xả súng và tôi có mặt ở đây để thể hiện sự đoàn kết, chia sẻ với các gia đình nạn nhân, đồng thời cũng để nói rằng, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận và làm điều gì đó để chấm dứt các vụ thảm sát như vậy”.
“Súng ống được tạo ra với một mục đích duy nhất là để sát thương. Vì thế, súng đạn không thể có chỗ trong xã hội của chúng ta, không có chỗ trong cộng đồng. Không gì có thể biện minh cho việc sử dụng hay ủng hộ việc sở hữu súng đối với mỗi cá nhân”.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ của bang California, bà Dianne Feinstein cho rằng, vụ xả súng lần này phải được xem là một bước ngoặt nhằm bắt đầu một cuộc tranh luận thấu đáo về luật súng ống. Theo bà, “khi những họng súng vô tình đã tìm đến tận các trường tiểu học và mẫu giáo của chúng ta thì phải đặt ngay câu hỏi: điều gì đã xảy ra đối với nước Mỹ?”.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Dân chủ của bang New York, bà Carolyn McCarthy khẳng định, “sẽ không để vụ việc lại rơi vào quên lãng”. Chồng bà Carthy cũng là nạn nhân trong một vụ xả súng trước đó.
Tại Mỹ, Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi luật về sở hữu súng ống. Đến nay, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa luôn tìm cách duy trì Luật sở hữu súng liên bang, gồm cả việc áp dụng lại lệnh cấm vũ khí sát thương đã được cựu Tổng thống Bill Clinton ban hành năm 1994 và hết hiệu lực vào năm 2004 dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush. Bởi theo họ, việc hạn chế các loại vũ khí bán tự động không phải là giải pháp để chấm dứt triệt để tình trạng sử dụng súng bừa bãi.
Thực tế, trong nhiều năm qua, không ít người dân Mỹ vẫn luôn lo ngại về sự lưu hành và sở hữu súng đạn. Chính điều nguy hiểm này đã dẫn tới những vụ bắn giết lẫn nhau và xả súng kinh hoàng, gây ra những cái chết vô cùng thương tâm đối với người dân vô tội./.
TTX