(TCTG)- Ngày 25/9, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm triển khai chương trình ở khu vực phía Bắc.
Hội nghị là dịp để các tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, những cách làm hay, mô hình hiệu quả để áp dụng, triển khai cho địa phương của mình…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhiều địa phương đã và đang triển khai trên diện rộng. Thời gian thực hiện chương trình không có nhiều, trong khi đó nội dung chương trình có nhiều việc phải làm và cần triển khai để đảm bảo tiến độ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các tỉnh quan tâm thực hiện chương trình hơn nữa, coi trọng đầu tư các nguồn lực, tăng cường công tác kiểm tra giám sát để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả, thành công.
Thực hiện chương trình, hai năm qua cán bộ, đảng viên, nhân dân các tỉnh phía Bắc luôn quan tâm, hưởng ứng tham gia, tuy nhiên chương trình triển khai trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, nguồn lực đầu tư phát triển còn có những hạn chế.
Trong hai năm, các tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác tổ chức, kiện toàn bộ máy, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân hưởng ứng tham gia, hưởng ứng. Cũng nhờ tuyên tuyền vận động mà một số tỉnh đã có những doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đứng ra giúp đỡ các nguồn lực như Hà Tĩnh huy động được 166 tỷ đồng, Hà Nội huy động gần 300 tỷ đồng, Quảng Ninh huy động hàng trăm tỷ đồng…
Tại nhiều địa phương, người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường, tình nguyện đóng góp công sức để xây dựng mới và nâng cấp công trình công cộng tại địa phương.
Hiện nay, 64,4% số xã của các tỉnh phía Bắc đã phê duyệt xong quy hoạch chung nông thôn mới, 36% xã đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để trình phê duyệt. Về lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, có 42% đã phê duyệt xong đề án. Có 7/31 tỉnh đã hoàn thành phê duyệt đề án phê duyệt nông thôn mới gồm Hà Tĩnh, Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc.
Theo báo cáo sơ bộ, đến nay tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông thôn các tỉnh phía Bắc dành cho các xã là 20.090 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới, tu bổ, nâng cấp gần 6.000 hạng mục công trình. Các công trình được xây dựng mới, nâng cấp, tu bổ gồm giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sạch vệ sinh môi trường…
Ngoài các xã điểm đã lựa chọn, tại các tỉnh phía Bắc đã có thêm 32 xã đạt từ 16-18 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Có 950 xã vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ đạt từ 10 tiêu chí trở lên, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 18%.
Hội nghị cũng thẳng thắn nêu những mặt hạn chế trong thực hiện chương trình như ở một số địa phương xuất hiện tư tưởng chạy theo thành tích; nảy sinh tình trạng “dự án hóa” và triển khai dự án kém hiệu quả; công tác quy hoạch và xây dựng đề án còn chậm; công tác chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa có nhiều chuyển biến tích cực; công tác đào tạo nghề ở nông thôn chất lượng thấp; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước còn thấp…
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã đưa ra những vấn đề bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Điển hình là những giải pháp để khắc phục nhược điểm của công tác quy hoạch và xây dựng đề án nông thôn mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, các cơ chế huy động vốn tốt hơn để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới; vấn đề dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động nông dân, hình thành vùng hàng hóa sản xuất tập trung để nâng cao hiệu quả kinh tế./.
Nguyễn Trọng Lịch - TTXVN