Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 24/9/2012 22:22'(GMT+7)

Viện phí ở nhiều địa phương tăng cao hơn trung ương

 Ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho hay, đến thời điểm này Bộ Y tế đã phê duyệt giá của 21 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ với mức giá trung bình của bệnh viện nhóm 1 khoảng 95-96% mức tối đa của khung giá, các bệnh viện nhóm 2 tối đa 92,5% và nhóm 3 tối đa 88,5%.

Về khung giá của các bệnh viện địa phương, theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), vừa qua có 5 địa phương phê duyệt viện phí mới từ 90% trở lên là Lào Cai (98%), Cao Bằng (93%), Khánh Hòa (95%), Đồng Tháp (93%) và Ninh Thuận (91%).

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, hiện có khoảng 50 tỉnh, thành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khung giá dịch vụ y tế và có 40 tỉnh đã thông qua với mức từ 60-90% khung giá tối đa.

Một số địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... chưa hoàn chỉnh khung giá dịch vụ y tế để trình Hội đồng nhân dân.

Bộ Y tế đánh giá hầu hết các địa phương đến nay đã xây dựng cơ cấu giá và đề xuất mức thu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các bệnh viện còn lại gồm cả bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt của các Bộ khác trên địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành việc phê duyệt chậm nhất là tháng 9/2012.

Sau một tháng triển khai áp dụng khung giá dịch vụ y tế mới, bà Tiến cho biết, theo đánh giá sơ bộ của các bệnh viện và các địa phương đã thực hiện theo giá dịch vụ y tế mới cho thấy số lần khám bệnh, số người điều trị nội trú có xu hướng tăng. Thời gian khám bệnh, chờ đợi, thanh toán của người bệnh ở các bệnh viện trước đây quá tải được cải thiện, chất lượng khám chữa bệnh đã từng bước được nâng lên, người có thẻ bảo hiểm y tế đã thấy được lợi ích của thẻ bảo hiểm.

Theo bà Tiến, hiện nay tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện đã được cải thiện nhờ việc đưa vào hoạt động thêm nhiều cơ sở y tế mới. Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế đã đưa vào sử dụng 100 giường của Bệnh viện Bạch Mai, 300 giường của Bệnh viện K, 500 giường của Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam...

Tại các địa phương, một số bệnh viện cũng đã được đầu tư và đưa vào sử dụng góp phần làm tăng năng lực, chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, cơ sở sạch sẽ, khang trang hơn để phụ vụ người bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp để sữa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh, mua sắm, bổ sung bàn khám, các bộ dụng cụ khám bệnh; cải tiến khâu thu và thanh toán viện phí để giảm thời gian chờ đợi...

Sau 3-6 tháng thực hiện, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo kiểm tra tại các bệnh viện trung ương đồng thời chỉ đạo sở y tế và bảo hiểm xã hội các tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện tại một số bệnh viện./.

Thùy Giang (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất