Ngoài việc bị tiêm thuốc an thần, số lợn đang nuôi giữ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) trong vụ tiêm thuốc an thần vừa qua lại có biểu hiện bệnh lở mồm long móng và hiện đang được lực lượng chức năng gấp rút tiêu hủy.
Trao đổi với báo chí chiều 2/10, ông Bạch Đức Lữu, Giám đốc Cơ quan thú y vùng 6, Cục Thú y, cho biết, trước khi về lò mổ, số lượng lợn trên là lợn sạch bệnh, vì đa số là lợn truy xuất nguồn gốc và đã được kiểm dịch. Tuy nhiên, ở lò mổ bao giờ cũng có vi rút lưu hành, trong điều kiện thời tiết ẩm thấp, nuôi nhốt chật chội thì chỉ cần hai ngày lợn được lưu giữ ở đây sẽ có biểu hiện lâm sàng của bệnh, 3 ngày biểu hiện bệnh điển hình.
“Nếu đưa lợn về giết mổ trong ngày thì không sao, nhưng lưu giữ lâu ngày lợn sẽ bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, từ ngày phát hiện lợn bị tiêm thuốc an thần và lưu giữ đến nay đã 5 ngày, việc phát sinh bệnh là dễ hiểu. Bên cạnh đó, ngày 20/9/2017, lực lượng chức năng cũng mới phát hiện và tiêu hủy 76 con lợn bị bệnh lở mồm long móng tại cơ sở này”, ông Lữu lý giải.
Không chỉ bị tiêu hủy do có dấu hiệu phát sinh bệnh lở mồm long móng, số lượng 3.750 con lợn bị phát hiện dương tính với chất Acepromazine (thuốc an thần) trong vụ việc trên cũng được lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu lực lượng chức năng khẩn trương tiêu hủy toàn bộ, không để nuôi nhốt chờ đào thải thuốc rồi đưa vào giết mổ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ tồn dư thuốc và nguy cơ bệnh lở mồm long móng trong quá trình lưu giữ.
Phó giáo sư, tiến sỹ, dược sỹ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc tiêu hủy số lượng lợn bị tiêm thuốc an thần là điều bắt buộc để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Theo bà Lan, ngay cả khi những con lợn từng bị tiêm thuốc an thần hiện xét nghiệm nước tiểu âm tính với chất Acepromazine cũng không có nghĩa là chúng đã đào thải ra hết mà còn tồn dư, tích trữ trên các mô thịt lợn. Nếu đưa vào giết mổ, tiêu thụ trên thị trường sẽ không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng.
Dưới góc độ của một người làm việc lâu năm trong ngành y dược, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, theo quy định hiện hành, chỉ cần lưu giữ lợn đến khi đào thải hết sẽ được đưa vào giết mổ, sử dụng. Tuy nhiên, Acepromazine là chất có thể có thể tồn trữ lên đến 2 tuần mới đào thải hết. Trong khi đó, trên thực tế nếu lưu giữ số lợn lại theo thời gian trên thì sẽ không đảm bảo điều kiện vệ sinh cho lợn, nguy cơ bị bệnh truyền nhiễm, lây nhiễm, nhất là lở mồm long móng sẽ lớn khi nhốt chung lâu ngày. Khi đó, thực phẩm này cũng không thể an toàn và chỉ còn con đường duy nhất là bị tiêu hủy.
Hiện tại, công tác tiêu hủy số lợn nêu trên vẫn đang được tiến hành tại Nhà máy xử lý rác thải nguy hại Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Các cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục công tác kiểm tra mẫu và xử lý các đối tượng có liên quan./.
(TTXVN)