Thứ Sáu, 22/11/2024
Dân số và phát triển
Thứ Sáu, 15/3/2019 16:46'(GMT+7)

Số người cao tuổi Việt Nam tăng nhanh: Thách thức chính sách về y tế và phúc lợi xã hội

Phối hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở y tế và dựa vào cộng đồng. Ảnh: TTX

Phối hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở y tế và dựa vào cộng đồng. Ảnh: TTX

Cần cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Y tế và Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức hội thảo Chính sách bảo hiểm y tế trong mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và ứng phó với già hóa dân số nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực bảo hiểm y tế giữa hai nước.

Hội thảo là một trong số các hoạt động của Dự án Hợp tác kỹ thuật hỗ trợ kỹ thuật xây dựng và tăng cường quản lý phương thức chi trả và Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả tại Việt Nam (dự án SHIP). Mục tiêu của dự án là tăng cường phương thức chi trả và hoạt động của gói dịch vụ do Quỹ BHYT chi trả; đồng thời, xây dựng kế hoạch chiến lược nhằm cải thiện hệ thống BHYT.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, hiện nay, Việt Nam đã đạt được mục tiêu bao phủ BHYT. Với mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 90% dân số và thực tế đến năm 2018, Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ gần 88%, với 83 triệu người tham gia. Đây là một con số rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra rằng, giống như các nước khác, Việt Nam cũng không tránh khỏi xu thế già hóa dân số. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện là 76,6 tuổi, cao hơn mức trung bình của thế giới (72 tuổi). Việt Nam đang ở độ tuổi trung bình của giai đoạn dân số vàng và đang đứng trước thách thức về mặt già hóa dân số.

Theo nghiên cứu “Triển vọng dân số thế giới” của LHQ, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nước: năm 2015, số người ở độ tuổi 65 trở lên mới chiếm 6,7% dân số, nhưng con số này đến năm 2040 được dự báo là sẽ chiếm 17% dân số và đến năm 2060 là 26,2% dân số.

Ông Hironari Onishi - Trưởng nhóm dự án SHIP cho biết, do vấn đề già hóa dân số, chi phí y tế chắc chắn sẽ tăng. Vì vậy, một số chính sách cần phải được xem xét thực hiện, trong đó có vấn đề tăng phí BHYT. Tuy nhiên, tăng phí đồng nghĩa với việc khả năng tiếp cận và chất lượng các dịch vụ cần được cải thiện.

Theo đó, cần thiết phải tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế, đảm bảo đủ số lượng cơ sở y tế cũng như số lượng bác sĩ và những yếu tố có thể cải tiến chất lượng dịch vụ y tế. Giải pháp là tăng số lượng các cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT công (tăng số lượng các cơ sở y tế đủ điều kiện được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT).

Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và ứng phó với già hóa dân số

GS Kenji Shimazaki và GS Taichi Ono, chuyên gia chính sách an sinh xã hội, Học viện nghiên cứu chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS) đã giới thiệu hệ thống bảo hiểm y tế Nhật Bản, kinh nghiệm triển khai bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) và hệ thống dịch vụ y tế phúc lợi xã hội cho người cao tuổi của Nhật Bản. Ngoài ra, Hội thảo còn có phần trình bày về chiến lược tài chính y tế và phương thức chi trả bảo hiểm y tế của chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng thế giới (WB) - những yếu tố quan trọng để vận hành hệ thống bảo hiểm y tế một cách hợp lý.

Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) nghĩa là tất cả mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế khi có nhu cầu mà không gặp phải khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam tỷ lệ tự chi trả của bệnh nhân cho chi phí y tế là hơn 40%. Đây là gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo mọi người dân có thể yên tâm tiếp cận các dịch vụ y tế với mục tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế năm 2020 đạt hơn 90%, tỷ lệ tự chi trả của bệnh nhân dưới 40%. Bên cạnh đó, với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng như hiện nay tại Việt Nam, việc xây dựng và triển khai những chính sách về chi phí y tế và phúc lợi xã hội dành cho người cao tuổi nhưng vẫn đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm y tế cũng là vấn đề cần quan tâm.

Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ tiếp tục hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm y tế để Việt Nam đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và ứng phó với già hóa dân số./.

Theo giadinh.net.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất