Số quốc gia hạt nhân tiềm năng có thể tăng hơn gấp đôi trong vòng vài năm tới nếu các nước lớn không có những động thái quyết liệt đối với giải trừ vũ khí, giám đốc cơ quan giám sát hạt nhân LHQ Mohamed El Baradei cho biết.
Trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ The Guardian, Anh ngày 14/5, ông Mohamed El Baradei nói, mối nguy phổ biến hạt nhân đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Đông và bộ máy quốc tế đã được thiết lập để hạn chế sự phổ biến của vũ khí hạt nhân có nguy cơ tan rã.
Ông Baradei dự đoán, làn sóng phổ biến hạt nhân mới sẽ liên quan tới những quốc gia hạt nhân thực sự, những nước có thể sản xuất plutonium hoặc uranium làm giàu cao, biết cách chế tạo đầu đạn, nhưng biết dừng đúng lúc - biết nhưng không chế tạo vũ khí hạt nhân.
Những quốc gia như vậy sẽ vẫn tuân thủ Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) dù chỉ cần vài tháng là họ có thể triển khai và sử dụng một vũ khí, ông El Baradei cho hay.
"Đó là hiện tượng mà chúng ta có thể chứng kiến lúc này và điều mọi người lo ngại là Iran. Nếu như hiện tượng này không chỉ dừng lại ở Iran, sẽ rất sớm....chúng ta sẽ được thấy 9 quốc gia hạt nhân và có thể là 10 hoặc 20 quốc gia có vũ khí hạt nhân chính thức", ông El Baradei cho biết.
Trung Đông là một quả bom hẹn giờ vì người dân ở khu vực này đều cảm thấy bị chính chính phủ của họ kiềm chế, bị thế giới bên ngoài đối xử không công bằng, ông El Baradei, người sẽ về hưu vào tháng 11 tới sau hơn 11 năm lãnh đạo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhận xét.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi chứng kiến ngày càng có nhiều nhóm cực đoan cố tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc vật liệu hạt nhân. Việc các nhóm khủng bố sở hữu vũ khí hạt nhân là mối đe doạ lớn nhất mà thế giới phải đối mặt, ông Baradei đề cập tới sự lớn mạnh của Taliban tại Pakistan. Chúng ta lo lắng vì hiện đang có một cuộc chiến tại một quốc gia hạt nhân là Pakistan.
(Theo VietNamNet - Guardian, Reuters)