Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 12/11/2018 15:56'(GMT+7)

Sóc Trăng: Những vấn đề cần tháo gỡ sau 10 năm thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW

Bế giảng lớp Sơ cấp LLCT tại Trung tâm BDCT huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.

Bế giảng lớp Sơ cấp LLCT tại Trung tâm BDCT huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.

Mười năm qua, thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW của Ban Bí thư khoá X, các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Sóc Trăng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng đổi mới, từng bước hoàn thiện công tác quản lý, phương thức hoạt động; chỉ đạo TTBDCT cấp huyện tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện nghiêm túc quy chế giảng dạy và học tập; công tác quản lý và điều hành hoạt động của TTBDCT cấp huyện có chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, đảng viên cấp huyện và cấp cơ sở. 

Những kết quả đạt được

Toàn tỉnh hiện có 11 TTBDCT cấp huyện, với sự quan tâm của cấp ủy các cấp, trong đó, có 10 TTBDCT có diện tích đất từ 2.000m2 đến 6.000m2; 1 TTBDCT có diện tích đất 700m2. Có 7 TTBDCT có hội trường từ 150 - 400 đại biểu; 4 TTBDCT có hội trường nhỏ từ 80 - 100 đại biểu; 2 TTBDCT tận dụng cơ sở cũ của các cơ quan khác, chưa được đầu tư xây dựng mới; 10 TTBDCT có nhà làm việc tương đối tốt, độc lập với nhà nghỉ học viên. Có 9 TTBDCT có thư viện (nhà sách), số còn lại thường gắn với phòng làm việc, với tổng số 2.553 đầu sách. Về thiết bị phục vụ giảng dạy: có 45 máy vi tính, 15 máy chiếu, 4 máy photo copy. Nhìn chung, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu, một số hội trường, phòng học, trang thiết bị, sân chơi, sân thể dục, thể thao,… 

Hiện nay, với 11 TTBDCT cấp huyện, Sóc Trăng có 8 đồng chí trưởng ban tuyên giáo cấp huyện đồng thời là giám đốc TTBDCT; có tổng số 36 cán bộ, viên chức (không bao gồm các đồng chí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc TTBDCT); có 14 đồng chí vừa là cán bộ quản lý, vừa là giảng viên chuyên trách, số cán bộ còn lại phụ trách nội dung và viên chức kế toán, hợp đồng. TTBDCT có nhiều nhất là 4 biên chế, ít nhất là 2 biên chế. Về trình độ học vấn: có 4 thạc sĩ, 32 đại học, cao đẳng; về trình độ lý luận chính trị: cao cấp 16; trung cấp 18.

Trong 10 năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng ngắn hạn về phương pháp giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ báo cáo viên, giảng viên lý luận chính trị; phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở 1 lớp nghiệp vụ sư phạm giảng dạy lý luận chính trị cho 70 giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và trung bình mỗi năm mở 2 lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Hiện nay, toàn tỉnh có 30 giảng viên chuyên trách là giám đốc, phó giám đốc trung tâm và một số cán bộ giáo vụ tham gia giảng dạy; có 131 giảng viên kiêm chức (giảng viên kiêm chức được lựa chọn từ cán bộ chủ chốt các phòng, ban cấp huyện do cấp uỷ quyết định). 

Với nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn, tập trung đổi mới trong hoạt động giảng dạy và học tập, các TTBDCT đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, 10 năm qua, các TTBDCT cấp huyện đã đào tạo, bồi dưỡng và phối hợp đào tạo, bồi dưỡng 4.684 lớp, với 680.479 lượt học viên tham dự. Ngoài các chương trình theo quy định, TTBDCTđã phối hợp với các đơn vị quân sự mở các lớp kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng 4, 5 ở các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, phối hợp với một số trường đại học mở các lớp đại học cho cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, sau đào tạo, bồi dưỡng, đa số học viên hình thành được nhân sinh quan, thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức và hành động thực tiễn, tự tin vào bản thân trong hoạt động ở cơ sở. Năng lực công tác đảng, chính quyền, đoàn thể được nâng lên; đảm nhận và thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, TTBDCT các huyện, thị xã, thành phố vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Một là, về biên chế của các TTBDCT chưa đủ số lượng theo Quyết định 185-QĐ/TW của Ban Bí thư, TTBDCT có từ 4 – 6 biên chế, hiện các TTBDCT cấp huyện của Sóc Trăng có nhiều nhất là 4 biên chế, ít nhất là 2 biên (không bao gồm các đồng chí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị), nên hoạt động của trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, chưa thật chủ động. 

Hai là, cán bộ TTBDCT không phải là giảng viên không được hưởng chế độ phụ cấp công vụ như công chức cơ quan Đảng, vì thế đời sống lực lượng này còn nhiều khó khăn.

Ba là, đội ngũ giảng viên chuyên trách, kiêm chức thường xuyên biến động, đa số giảng viên kiêm chức còn thiếu kỹ năng sư phạm, chưa chuyên sâu trong giảng dạy lý luận chính trị, nên còn nhiều hạn chế trong truyền đạt kiến thức.

Bốn là, việc chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy học; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho công tác giảng dạy của giảng viên.., vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự chú ý, nhất là giảng viên kiêm chức. 

Năm là, việc đánh giá học viên theo quy trình học tập, theo tính đặc thù của một số trung tâm chưa thật sự nghiêm túc, thiếu chặt chẽ, linh hoạt, có những hoạt động đánh giá còn mang tính hình thức, chưa thật sự lấy hiệu quả hoạt động để đo lường chất lượng dạy và học. 

Những giải pháp cho yêu cầu, nhiệm vụ mới

Từ yêu cầu nhiệm vụ mới, để đưa hoạt động của TTBDCT cấp huyện tỉnh Sóc Trăng hoạt động tốt hơn, phục vụ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cần quan tâm thực hiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy nhanh chóng hiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng, đặc biệt là sau khi thực hiện chủ trương nhất thể hoá chức danh trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc TTBDCT cấp huyện; xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức có chất lượng và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề, giỏi về chuyên môn, có khả năng tiếp cận thực tiễn.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm; giúp học viên nâng cao kiến thức, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị và cơ sở quản lý chặt chẽ học viên từ khâu cử đi học đến kết thúc khoá học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng học viên từ khâu ra đề, tổ chức thi kiểm tra, thi hết môn, thi cuối khoá linh động, sáng tạo bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng.

Thứ ba, quan tâm đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc TTBDCT, chế độ cho đội ngũ giảng viên chuyên trách, kiêm chức và cán bộ hành chính; chế độ cho học viên học tập tại TTBDCT cấp huyện.

Thứ tư, tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của các phòng, ban cấp huyện, các đảng ủy cơ sở  trong việc phối hợp mở lớp, tránh tình trạng giao phó hoàn toàn cho trung tâm đảm nhiệm. Đối với cấp ủy cơ sở cần chủ động trong việc quy hoạch, tạo nguồn, phối hợp chặt chẽ với trung tâm trong việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đúng thành phần, đúng quy hoạch.

Nguyễn Xuân Định 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất