Chủ Nhật, 19/5/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 29/10/2018 12:52'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng biên tập, xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

PGS. TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu định hướng, gợi ý thảo luận tại Hội thảo.

PGS. TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu định hướng, gợi ý thảo luận tại Hội thảo.

Đây cũng là nội dung, yêu cầu, mục đích chính được đặt ra tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức.

Hội thảo diễn ra ngày 29/10 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Quyền Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành và Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Trương Ngọc Nam. Tham dự Hội thảo có đông đảo đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương cùng các nhà khoa học trong lĩnh vực xuất bản trên cả nước.

Đề dẫn Hội thảo nêu rõ: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, ngành xuất bản - với tư cách vừa là một ngành kinh tế-công nghệ, vừa là một “binh chủng” trên mặt trận tư tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cũng bị tác động không nhỏ...

Toàn cảnh Hội thảo.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ và thông tin số hóa, internet kết nối vạn vật trí thông minh nhân tạo, công nghệ robot in 3D... đã và đang tạo ra thay đổi đột biến trong toàn bộ công tác xuất bản, trong đó có bước nhảy vọt về tốc độ sản xuất, chia sẻ và lan tỏa xuất bản phẩm.

Trong tình hình đó, xuất bản không “lụi tàn” mà trái lại sẽ ngày càng phát triển trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, công nghệ in trên giấy truyền thống đang chia sẻ và trong vòng nửa thế kỷ tới, dần bị chiếm lĩnh bởi công nghệ xuất bản điện tử với sự xuất hiện sách điện tử và các thiết bị đọc điện tử. Ngành xuất bản từ môi trường thực tế bị giới hạn về không gian và thời gian dần chuyển sang môi trường internet, di động, môi trường công nghệ số được phát huy “toàn lực”, không bị phụ thuộc vào các yếu tố, điều kiện sản xuất và phát hành truyền thống, để ấn phẩm đến được tay độc giả nhanh nhất, nhiều nhất, tiện ích nhất. Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng sách và bản quyền trên toàn cầu ít bị giới hạn bởi các yếu tố khách quan, chủ quan...

Những thay đổi này đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa-xuất bản. Song, nó cũng tạo áp lực lớn buộc các chủ thể của Ngành phải thay đổi về tư duy, cách thức làm việc trong các hoạt động xuất bản, in và phát hành của mình.

GS. TS. Đinh Xuân Dũng phát biểu thảo luận tại Hội thảo.

33 tham luận khoa học gửi tới Ban Tổ chức Hội thảo cùng các ý kiến thảo luận, trao đổi trực tiếp tại Hội thảo đã làm sáng rõ hơn những nội dung chính, bao gồm:

Một là, Trong bối cảnh cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, những nhà xuất bản truyền thống nếu không thích nghi, bắt kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, không kịp thời ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ cùng những lợi thế của xu hướng xuất bản số, xuất bản điện tử vào quy trình xuất bản, không có đủ điều kiện về nguồn vốn, trang thiết bị hiện đại, sẽ trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của thị trường. Các nhà xuất bản sẽ phải thay đổi hệ thống tổ chức, quản lý và cơ chế, cách thức hoạt động của mình để phát triển, tương thích với các hoạt động xuất bản dựa trên các nền tảng tích hợp, giao thoa công nghệ hiện đại và môi trường số.

Hai là, yêu cầu cơ bản đặt ra đối với đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, đặc biệt là các biên tập viên phải có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, có khả năng chọn lọc, tổng hợp, phân tích và xử lý trước những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng trong điều kiện bùng nổ thông tin nhanh, đa chiều cả ở trong nước và quốc tế từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài kiến thức chuyên sâu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ xuất bản phải có tính năng động, sáng tạo, có năng lực ngoại ngữ, tin học và thậm chí cả những kiến thức khoa học-công nghệ cần thiết, để có thể tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới trong hoạt động quản lý và chuyên môn, tương ứng với phương thức xuất bản mới, sử dụng kênh truyền thông đa phương tiện, công nghệ quản lý, quản trị nhà xuất bản, quản trị mạng lưới bán hàng...

Ba là, đòi hỏi đặt ra đối với mỗi cơ sở đào tạo là nghiên cứu, xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo gắn lý luận với thực tiễn; phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với các đơn vị làm công tác xuất bản nhằm đảm bảo về chất lượng, số lượng để đáp ứng yêu cầu của ngành xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng.

Bốn là, yêu cầu đặt ra cấp bách với công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản của các cơ quan chức năng và của bản thân các nhà xuất bản cũng phải nhanh chóng đổi mới theo kịp những đòi hỏi mới trong thực tiễn hoạt động xuất bản, theo hướng gắn kết chặt chẽ hai yếu tố tư tưởng-văn hóa và kinh tế-công nghệ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao (cả về chính trị-xã hội và kinh tế) cho hoạt động xuất bản trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng với những nội dung trên, các ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phản biện đa chiều tại Hội thảo đã tập trung phản ánh, làm rõ hơn các vấn đề và thực trạng đang đặt ra:

Thứ nhất, những thay đổi của hoạt động biên tập, xuất bản kể từ khi diễn ra Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động biên tập, xuất bản ở nước ta hiện nay và những vấn đề đang đặt ra.

Thứ ba, thực trạng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản ở nước ta hiện nay và những vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Yêu cầu về trình độ, kỹ năng đối với người làm công tác biên tập, xuất bản trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tư, kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác biên tập, xuất bản của một số quốc gia trên thế giới trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ năm, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, xuất bản ở Việt Nam hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác biên tập, xuất bản trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0./.

Tin, ảnh: Hoàng Thế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất