Thứ Ba, 15/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Bảy, 27/10/2018 15:12'(GMT+7)

Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ở Tây Ninh

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và Đại học Quốc gia TP. HCM ký thoả thuận hợp tác.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và Đại học Quốc gia TP. HCM ký thoả thuận hợp tác.

 

COI TRỌNG NGUỒN LỰC TRÍ THỨC

Hiện nay, toàn tỉnh Tây Ninh có 22.432 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, chiếm 72,5% tổng số lao động đang công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, các đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. So với cách đây 10 năm khi có Nghị quyết 27, đội ngũ trí thức của Tây Ninh đã tăng 2.662 người, chiếm 2% dân số toàn tỉnh. Trí thức có trình độ đại học trở lên là 18.278 người, tăng 35,4% so với năm 2008. Trong đó, trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân có 2.089 người, chiếm 9,31% đội ngũ trí thức toàn tỉnh; trung cấp có 4.940 người, chiếm 22% đội ngũ trí thức toàn tỉnh.

Đội ngũ trí thức trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò của mình trong tham gia nghiên cứu, hoạch định các chính sách, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có nhiều đóng góp vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, trình độ quản lý nhà nước của chính quyền; tích cực nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ mới, góp phần hướng dẫn phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất... để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Các hội trí thức được quan tâm củng cố và phát triển; chất lượng hiệu quả, hoạt động từng bước được nâng lên.

Sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ trí thức trong 10 năm qua cho thấy tỉnh Tây Ninh đã quyết liệt, sâu sát, bài bản trong triển khai Nghị quyết 27. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 73-KH/TU ngày 31-10-2008 thực hiện Nghị quyết 27. Khi Bộ Chính trị khóa X có Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16-4-2010 về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 05-KH/TU tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Các cấp ủy, tổ chức Đảng ở Tây Ninh đều tiến hành sơ kết 1 năm, 2 năm và 3 năm, 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch số 73-KH/TU để đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27, tỉnh đã rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có; chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài và các chế độ đãi ngộ để thu hút nhân lực cótrình độ cao về công tác tại tỉnh. Đã có 29 người tốt nghiệp đại học loại giỏi và tốt nghiệp trình độ thạc sĩ về công tác tại các sở, ngành thuộc tỉnh và 31 trường hợp tốt nghiệp bác sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa chuyên ngành y tế về công tác ở địa phương.

Với ý thức và tấm lòng tôn vinh trí thức, lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và các hội trí thức, tôn vinh các điển hình lao động sáng tạo nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5 hằng năm; khen thưởng các tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ. Tỉnh đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học cho hơn 20 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh được quan tâm về tổ chức bộ máy, trụ sở làm việc riêng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các quyết định thành lập, củng cố, kiện toàn Đảng đoàn Liên hiệp Hội. Đến nay, hệ thống Liên hiệp Hội phát triển được 18 hội thành viên với 9.135 hội viên, 2.453 hội viên là trí thức (đạt 26,85%). Các hội thành viên được quan tâm củng cố theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động nghề nghiệp. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh hiện nay có 253 hội viên, đa số là những người tâm huyết với nghề, lòng đam mê nghệ thuật, có nhiều tác phẩm có giá trị về mặt tư tưởng, nghệ thuật đã được quảng bá trong phạm vi cả nước.

PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 27 cho thấy, đội ngũ trí thức của Tây Ninh hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ cao chưa nhiều. Lực lượng trí thức mất cân đối trong ngành nghề, lĩnh vực đào tạo. Trí thức giỏi trong các ngành kinh tế, khoa học, kỹ thuật còn ít, thiếu các chuyên gia, có khả năng dự báo, tham mưu giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh; khả năng sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao; tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đội ngũ trí thức còn hạn chế. Còn một bộ phận trí thức trẻ bằng lòng với hiện tại, thiếu hoài bão, chưa thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, chuyên môn nghiệp vụ, hạn chế về năng lực tư duyđộc lập, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin. Trong khi đó, số lượng trí thức có học hàm, học vị được thu hút về tỉnh không nhiều; chính sách tôn vinh, đãi ngộ, động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho trí thức có tài năng và nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển trên các lĩnh vực còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa thực hiện theo kế hoạch, chưa gắn với công tác quy hoạch, sử dụng và bố trí cán bộ. Công tác chọn, cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ cao (trên đại học) ở nước ngoài còn ít, chưa hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm thực hiện. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn mang nặng tính lý thuyết, nhiều trí thức sau đào tạo không phát huy được năng lực, sở trường trong công tác… Việc nắm bắt, khảo sát đội ngũ trí thức trong nhân dân chưa thực hiện, chưa có giải pháp cụ thể để quản lý, sử dụng trí thức trong nhân dân tham gia đóng góp cho địa phương. Một số cán bộ, công chức, viên chức sau khi được cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ có xu hướng muốn bồi hoàn lại kinh phí đào tạo để chuyển công tác ra ngoài tỉnh.

Nhận rõ hạn chế trên, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27, tỉnh Tây Ninh triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 27, Kế hoạch số 73-KH/TU của Tỉnh ủy; Kết luận số 90-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó, kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục tư tưởng, công tác tổ chức và chính sách trong xây dựng đội ngũtrí thức. Cấp ủy, chính quyền ở địa phương quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức hoạt động.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Đảng đoàn Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh đối với hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, nhằm nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đẩy mạnh việc tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài tổ chức bộ máy nhà nước, phát huy cao độ khả năng sáng tạo của đội ngũ trí thức là các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế chính sách của tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có. Thực hiện tốt chính sách tôn vinh, đãi ngộ trí thức, động viên khen thưởng xứng đáng trí thức có tài năng và nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh của địa phương. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, mạnh dạn tiến cử, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ là trí thức trẻ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách thu hút nhân tài và các chế độ đãi ngộ của tỉnh để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về tỉnh công tác.

Bốn là, gắn chặt đào tạo bồi dưỡng đội ngũ trí thức với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; xác định rõ chỉ tiêu về số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức cần đào tạo; đảm bảo cơ cấu hợp lý các lĩnh vực, ngành nghề cần đào tạo. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm mà công chức, viên chức đang đảm nhiệm; đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ tin học, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho trí thức, nhất là trí thức trẻ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng đội ngũ trí thức; kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác này./.

Nguyễn Minh Triều

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất