Một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông
nghiệp theo hướng năng suất cao, chất lượng cao, thu nhập cao, gắn với
xây dựng nông thôn mới.
Sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần đoàn kết,
sáng tạo, phát triển, chiều 29/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc
Trăng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020
gồm 53 ủy viên; bầu 16 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết dự
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020 họp phiên thứ
nhất, bầu Ban Thường vụ gồm 15 ủy viên; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11
ủy viên.
Đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XII, Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân tỉnh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XIII; đồng chí Huỳnh Văn
Sum, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XII được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa
XIII; đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa
XIII.
Trước đó, ngày 28/10, tại Đại hội, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đã
công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động đồng chí Nguyễn Văn
Thể, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Giao
thông vận tải được Bộ Chính trị quyết định cho thôi giữ chức Thứ trưởng
Bộ Giao thông vận tải, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020.
Thay mặt Bộ Chính trị tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn
Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân
và nhân dân các dân tộc tỉnh Sóc Trăng trong nhiệm kỳ 2010-2015, đạt
nhiều kết quả, thành tích khá toàn diện trên các lĩnh vực. Hình ảnh vùng
đất, con người Sóc Trăng đẹp hơn, ấn tượng hơn trong lòng nhân dân cả
nước.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh thái độ nghiêm túc, thẳng thắn,
cầu thị của Đảng bộ tỉnh trong đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, yếu
kém mà Báo cáo Chính trị và Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành đã nêu.
Sóc Trăng vẫn là một tỉnh nghèo, sản phẩm nội địa đầu người ước đạt
1.800 USD, bằng 82% bình quân cả nước. Trong 26 tiêu chí chủ yếu của Đại
hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra có 7 tiêu chí thực hiện đạt dưới 90%
kế hoạch.
Phân tích những vấn đề kinh tế lớn nhất của Sóc Trăng, Chủ tịch Nguyễn
Thiện Nhân nhấn mạnh, cần phải tăng năng suất lao động trong nông
nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.
Nông nghiệp của Sóc Trăng 5 năm qua đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, có ý
nghĩa, song muốn tăng cao hơn năng suất lao động, cải thiện nhanh hơn
cuộc sống của người dân thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp của mô
hình tăng trưởng mới. Đó là quyết liệt hiện đại hóa nông nghiệp, trên cơ
sở phân tích điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, nước và nhu cầu
thị trường mà xác định các cây, con chủ lực.
Với mỗi cây, con chủ lực cần vận động và hỗ trợ nông dân hiện đại hóa
quyết liệt quá trình sản xuất nông nghiệp. Sóc Trăng cần vận động, hỗ
trợ để đa số nông dân tham gia các hợp tác xã kiểu mới, để giảm chi phí
đầu vào cho từng hộ xã viên, giúp chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học kỹ
thuật, vay vốn và tiêu thụ sản phẩm đồng thời, Sóc Trăng cần hỗ trợ nông
dân đồng bộ, hiệu quả để hiện đại hóa, cơ giới hóa và nâng cao hiệu quả
sản xuất, cạnh tranh thắng lợi trong hội nhập quốc tế; phát động và tổ
chức phong trào thi đua: Hiện đại hóa nông nghiệp, thoát nghèo làm giàu
bằng nông nghiệp, trong đó Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh hợp tác xã
Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng.
Với nguồn nguyên liệu nông nghiệp ngày càng phong phú, cơ hội xuất khẩu
lớn do các hiệp định thương mại mới của Việt Nam, công nghiệp chế biến
nông sản, thực phẩm của Sóc Trăng sẽ có lợi thế phát triển. Để thu hút
các doanh nghiệp đầu tư, tỉnh cần quyết liệt nâng cao chỉ số năng lực
cạnh tranh.
Tỉnh cần thực hiện phương châm 4 sẵn sàng đối với doanh nghiệp: Sẵn sàng
về quy hoạch và khu công nghiệp cho các doanh nghiệp; sẵn sàng cung cấp
nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp; sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp để
được hưởng đầy đủ các chính sách, khuyến khích của Chính phủ và địa
phương, kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu để hiện đại hóa
sản xuất; sẵn sàng nghe và đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết khó
khăn của các doanh nghiệp do hệ thống quản lý gây ra.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đồng tình và đánh giá cao nội dung đẩy mạnh
cải cách hành chính của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2015-2020: “Phấn đấu
đạt 100% số các cơ quan nhà nước có chức năng rõ ràng, 100% số đơn vị
hành chính các cấp trong tỉnh thực hiện chương trình một cửa, 80% cá
nhân, tổ chức hài lòng với dịch vụ công chủ yếu”. Đồng chí đề nghị Đảng
bộ Sóc Trăng tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp để phát triển kinh
tế, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh
thần của đồng bào dân tộc Khmer; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và phát huy
cán bộ người dân tộc.
Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020, theo đó mục
tiêu tổng quát là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu
của Đảng bộ, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng hoạt động của
hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh
của nền kinh tế; tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thích
ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển công
nghiệp, thương mại, dịch vụ; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao
năng lực cạnh tranh; phát triển văn hóa-xã hội; nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng các dịch vụ
công; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống
tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm... Phấn đấu đến năm 2020 xây
dựng Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng
sông Cửu Long.
Đại hội đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm là: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông
nghiệp theo hướng năng suất cao, chất lượng cao, thu nhập cao, gắn với
xây dựng nông thôn mới; tăng cường đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh
tế-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính; giữ vững an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh
đồng bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, các
ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 gồm: Tốc
độ tăng tổng sản phẩm bình quân 5 năm (2016-2020) từ 8% đến 9%; thu nhập
bình quân đầu người đạt 3.320 USD; sản lượng lúa bình quân đạt hơn 2
triệu tấn/năm, trong đó lúa đặc sản chiếm hơn 40%; tổng sản lượng khai
thác và nuôi trồng thủy, hải sản 348.500 tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch
trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt hơn 185 triệu
đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-3%/năm, trong đó giảm tỷ lệ hộ
nghèo Khmer 3-4%/năm. Hàng năm có hơn 50% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong
sạch vững mạnh, hơn 80% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Về công tác xây dựng Đảng, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị
tư tưởng và phù hợp với từng đối tượng; chủ động nắm bắt dư luận và định
hướng tư tưởng chính trị trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện các
nghị quyết, kết luận của Trung ương, trong đó tập trung thực hiện có
hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây
dựng Đảng hiện nay;” đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc của
cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp theo hướng khoa học, làm việc theo quy
chế, chương trình, kế hoạch; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của từng cấp, từng ngành; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng
đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Ngoài ra, chú trọng đổi mới mạnh mẽ
công tác cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo
đảm các nghị quyết, chủ trương của Đảng được thực hiện nghiêm túc, có
hiệu quả…
Phát biểu bế mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng
đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân Sóc Trăng quyết tâm phấn đấu, đoàn kết
một lòng đưa tỉnh vươn lên, phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn. Để
hoàn thành Nghị quyết tỉnh Đảng bộ đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020, Sóc
Trăng cần phát huy nội lực, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở;
trải thảm đỏ kêu gọi các nhà đầu tư vào Sóc Trăng; đẩy mạnh phát triển
nông nghiệp, nông thôn, đầu tư vào phát triển công nghiệp, nông nghiệp
công nghệ cao theo hướng hiện đại; phát triển du lịch, nâng cao đời sống
văn hóa, dân trí cho người dân; đẩy nhanh đào tạo nghề, tạo việc làm;
phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có của địa phương để đi lên.../.
(TTXVN)