Nhà dài của đồng bào Êđê là một kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trongđời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Tuy nhiên, hiện nay, qua điều tra, Đắk Lắk chỉ còn 2.608 ngôi nhà dài truyền thống, chiếm khoảng gần 30% trong tổng số nhà của đồng bào Êđê. Nhiều buôn làng như buôn Kô Sir, buôn Păn Lăm ở thành phố Buôn Ma Thuột... không còn ngôi nhà dài truyền thống.
Trước “cơn lốc” của đô thị hóa cũng như nguồn vật liệu (chủ yếu là gỗ) khan hiếm, đồng bào ở các buôn làng đã chuyển từ nhà sàn dài truyền thống bằng gỗ sang nhà dài bằng bê tông cốt thép hay làm nhà trệt theo kiểu thiết kế nhà ở của đồng bào Kinh. Thậm chí, nhà văn hóa cộng đồng đầu tư xây dựng tại các buôn của đồng bào Êđê cũng chỉ mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà dài sàn bê tông, tường xây bằng gạch, cầu thang, cột nhà đều đổ bê tông...
Nhiều già làng cho rằng, tuy có chỗ sinh hoạt, dạy con cháu đánh cồng chiêng... nhưng các ngôi nhà dài kiểu mới này không có hồn cốt của ngôi nhà sàn dài truyền thống bằng gỗ của đồng bào Êđê.
Buôn Akô Dhông nằm ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột đã có cách bảo tồn các ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Êđê khá độc đáo. Đó là, già làng Ama H’rin đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp buôn làng, ai có nhu cầu làm nhà ở mới theo kiểu nhà đồng bào Kinh (không phải nhà sàn dài truyền thống) chỉ được làm sau các ngôi nhà dài sàn truyền thống. Nếu hộ gia đình nào không chấp hành, buôn làng phạt và buộc phải tháo dỡ.
Nhờ vậy, hiện nay, buôn Akô Dhông vẫn giữ được 53 ngôi nhà sàn dài truyền thống của đồng đồng Êđê. Hiện nay, buôn Akô Dhông đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, phần lớn các ngôi nhà sàn dài truyền thống này đang ngày một xuống cấp.
Già làng Ama H’rin cho biết nếu không được quan tâm bảo tồn sớm, khoảng vài chục năm nữa, nhà dài của đồng bào Êđê chỉ còn là ký ức.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đắk Lắk Trương Bi lo lắng nếu mất nhà sàn dài truyền thống, các phong tục tập quán, nghi lễ của đồng bào như (vòngđời người, nghi lễ nông nghiệp), văn hóa cồng chiêng, uống rượu cần, kể khan, hát ay ray và nhiều sinh hoạt truyền thống tốt đẹp khác nữa của cộng đồng sẽ mấtđi.
Đắk Lắk hiện nay có trên 43.600 hộ, với trên 322.000 khẩu là đồng bào là đồng bào Êđê, chiếm 19% trong tổng dân số toàn tỉnh và sinh sống ở 553 thôn, buôn trên địa bàn./.
Theo (TTXVN)