Chiều 1/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng đã tổ chức công bố Quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu-Hà Nội.
Theo quy hoạch, khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu thuộc phường Quan Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, có ranh giới được xác định là phía bắc giáp đường Hoàng Văn Thụ; phía nam giáp đường Bắc Sơn và khu đất xây dựng Nhà Quốc hội; phía tây giáp đường Độc Lập và khu đất xây dựng Nhà Quốc hội; phía đông giáp đường Hoàng Diệu.
Tổng diện tích khu đất lập quy hoạch là 45.380m2. Trong đó, diện tích xây dựng nhà trưng bày khảo cổ là 13.674m2; khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính 3.438m2; diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ học 21.195m2; diện tích khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu 6.803m2; diện tích khu vực kỹ thuật, phụ trợ 859,3m2; diện tích sân, đường giao thông 6.214m2.
Quy hoạch cũng nêu rõ việc bảo tồn tại chỗ các hố khai quật A-B và D4-D6 dưới dạng nhà trưng bày ngầm các di chỉ khảo cổ học nguyên gốc, đảm bảo điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho công tác bảo quản; đồng thời lựa chọn một sốdi chỉ khảo cổ học quan trọng tại các hồ D2-D3, A6, D7, C3 để bảo tồn trưng bày dưới dạng hầm kính. Về giao thông, sẽ bố trí 4 lối vào từ đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn.
Cổng vào chính được xác định tại phía nam khu đất, góc đường Hoàng Diệu-Bắc Sơn. Trong nội bộ khu di tích, sẽ thiết kế hai tuyến đường tham quan đi bộ chính và các đường dạo kết nối các điểm tham quan.
Theo quy hoạch, chiều cao công trình xây mới trong khu di tích này tối đa là 5m. Hạn chế xây dựng các công trình nổi. Nhà trưng bày có chiều cao xây dựng 1 tầng, đảm bảo thông thoáng, tạo không gian mở, tầm nhìn ra các tuyến đường xung quanh.
Quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long nhằm bảo tồn khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu Thành Cổ thuộc Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Khu vực này sẽ trở thành Công viên Văn hóa Lịch sử nhằm phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di tích, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển liên tục từ hơn 1.300 năm trước; bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cho các thế hệ mai sau; đồng thời tạo lập một không gian văn hóa cộng đồng hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với khu vực Trung tâm chính trịBa Đình.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết tới đây Hà Nội sẽ tổ chức thi tuyển thiết kế phương án kiến trúc các công trình; lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc và xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý và đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội có trách nhiệm thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của ICOMOS về di sản khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội; tiếp tục nghiên cứu, khảo cổ, cũng như mở cửa đón khách tham quan, tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá phát huy giá trị khu di sản.
Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sát sao của các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, sự quan tâm giúp đỡ và phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long mãi là tài sản vô giá của cha ông để lại cho nhân loại, cho muôn đời con cháu mai sau, mãi là niềm tự hào của đất nước, con người Việt Nam./.
TTXVN