Sau gần một tháng làm việc, ngày 20/11, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc Kỳ họp thứ sáu. Kỳ họp vừa qua có rất nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.
Đó là Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước; đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đây là những dự án luật góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), cải cách bộ máy hành chính, cải cách tư pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019; thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp
định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các
văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, đưa Việt Nam trở thành
quốc gia thứ 7 phê chuẩn hiệp định này. Điều này mở ra những cơ hội thị
trường lớn hơn, ưu đãi hơn, thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng của nền kinh tế
Việt Nam; đồng thời cũng sẽ là động lực tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện
thể chế, pháp luật, đổi mới chính sách để tăng cường nội lực.
Tuy nhiên,
cùng với những cơ hội thì rất nhiều vấn đề đặt ra từ CPTPP, như: Mua
sắm công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, nguồn gốc
xuất xứ sản phẩm… Do đó, để sớm hấp thụ được những ưu đãi, ngăn ngừa
các tác động bất lợi từ CPTPP, cần rất nhiều nỗ lực của các bộ, ngành,
địa phương.
Sau ba kỳ họp bàn thảo sôi nổi, thận trọng, với nhiều ý kiến sâu sắc,
Quốc hội cũng thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tạo ra
"liều vắc-xin mạnh hơn" phòng ngừa vấn nạn tham nhũng đang nhức nhối
trong xã hội.
Sau khi cân nhắc kỹ các khía cạnh, Quốc hội quyết định
chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình
không hợp lý về nguồn gốc-vấn đề được quan tâm nhiều trong thời gian
qua-vào nội dung luật, mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện
hành.
Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham
nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp
luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo
quy định của pháp luật về thuế. Điều này không làm giảm đi tính nghiêm
khắc của luật trong phòng, chống tham nhũng, bởi luật đã bổ sung quy
định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá
trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết
để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.
Đối với
người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn
gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì sẽ bị xử lý nghiêm
khắc hơn so với pháp luật hiện hành: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại
biểu hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng
cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức
vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã
dự kiến; người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo
trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì đưa
ra khỏi danh sách quy hoạch.
Như thế, có thể thấy Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp để lại
nhiều dấu ấn. Cùng với việc tiếp tục có những đổi mới, nâng cao chất
lượng hoạt động của Quốc hội thì những kết quả của kỳ họp sẽ là cơ sở,
nền tảng để giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an
ninh, tạo đà cho phát triển kinh tế.
Vấn đề đặt ra là cần sớm có các
nghị định, văn bản hướng dẫn để các luật, các nghị quyết đã được Quốc
hội thông qua tại kỳ họp này nhanh chóng được triển khai, đưa vào đời
sống. Đồng thời, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần tích cực phổ biến
để các tầng lớp nhân dân nắm vững nội dung luật, nghiêm túc thực hiện
nhằm tạo ra hiệu quả trên thực tế./.
Hồ Quang Phương (qdnd.vn)