Thứ Tư, 2/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 18/8/2009 17:30'(GMT+7)

Sớm đưa Viễn thông và Công nghệ thông tin thành ngành kinh tế mũi nhọn

Logo Diễn đàn Công nghệ thông tin Thế giới.

Logo Diễn đàn Công nghệ thông tin Thế giới.

Đây được coi là một trong những sự kiện trọng đại đối với giới CNTT Việt Nam và đã được Việt Nam cố gắng chuẩn bị với một tinh thần cao nhất, trong suốt thời gian qua. WITFOR 2009 sẽ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế, ảnh hưởng và tiềm năng về phát triển và ứng dụng CNTT trên trường quốc tế, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các bên, thúc đẩy ứng dụng Công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Diễn đàn được tổ chức ở cấp Bộ trưởng với sự góp mặt của trên 1000 đại biểu từ gần 100 quốc gia trên thế giới, với thành phần bao gồm: Bộ trưởng ngành CNTT & TT các nước, các nhà hoạch định chính sách cấp cao, giới học thuật, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ cùng các cơ quan ngoại giao đoàn, v.v. Đến nay, đã có hơn 60 nước với gần 1000 đại biểu đăng ký tham dự Diễn đàn này. Gần 100 diễn giả quốc tế và khoảng 30 diễn giả Việt Nam sẽ trình bày tham luận tại 7 phiên họp toàn thể và 32 phiên họp chuyên đề.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là Chủ tịch danh dự của WITFOR 2009, sẽ phát biểu khai mạc Diễn đàn, thể hiện sự quan tâm cao nhất của Chính phủ Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển Viễn thông – CNTT nước nhà. Lễ khai mạc còn có các bài phát biểu quan trọng của Bộ trưởng Bộ TT - TT Việt Nam Lê Doãn Hợp; Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, ông Zhao Huolin; Chủ tịch Liên đoàn quốc tế về CNTT (IFIP), đơn vị đồng tổ chức WITFOR 2009, ông Basie von Solms. Diễn đàn sẽ còn có sự tham gia của các Bộ trưởng/Thứ trưởng về CNTT và Truyền thông của các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh, El Salvador, Mông Cổ…, Phó Giám đốc Ủy ban CNTT và Truyền thông UNESCO, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm châu Á ASOCIO...

Bên cạnh các nội dung chính, bốn sự kiện bên lề của WITFOR 2009 bao gồm: Triển lãm quốc tế về Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT Exhibition), Chương trình Kết nối doanh nghiệp ICT (ICT Networking), Đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam ICT theo chủ đề “Công nghệ thông tin – Đánh giá đa chiều” (High Level ICT public-private dialogue), chương trình “Máy tính cho cuộc sống” (PCs for Life) đang triển khai theo kịch bản được duyệt. Trong đó, trong khuôn khổ Diễn đàn WITFOR 2009, chương trình “Máy tính cho cuộc sống” đã được triển khai trong suốt gần một năm qua tại 5 tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Tây Nguyên, Cao Bằng với tổng số máy tính trao tặng là 307 máy.

Về công tác thông tin – tuyên truyền, Ban tổ chức WITFOR 2009 đã xây dựng 02 website của nước chủ nhà Việt Nam và website WITFOR chính thức, đăng tải các nội dung phục vụ cho đại biểu, diễn giả, khách tham dự Diễn đàn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trên báo chí cũng được đẩy mạnh.
Như vậy là sau hơn một năm hoạt động liên tục với một khối lượng công việc khổng lồ đề chuẩn bị cho Diễn đàn sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày, Ban tổ chức WITFOR 2009 đã sẵn sàng cho một Lễ khai mạc hoành tráng, ấn tượng và 3 ngày Hội nghị thành công rực rỡ. 

Cũng tại buổi giao ban, ông Lê Doãn Hợp đã thông báo một số nét về Đề án tăng tốc về Công nghệ thông tin do Bộ chủ trì, trong đó đề án tập trung vào lĩnh vực Viễn thông và CNTT. Trong 10 năm gần đây, Viễn thông và CNTT nước ta tăng trưởng rất nhanh, năm sau cao hơn năm trước xấp xỉ gấp đôi trên nhiều chỉ số và được thế giới thừa nhận. Tiềm năng về Viễn thông và CNTT của Việt Nam là rất lớn. Việt Nam là quốc gia trẻ, do vậy cần tập trung tận dụng tiềm năng và thế mạnh này để phát triển, trong đó có lĩnh vực CNTT. Bộ truởng Lê Doãn Hợp cũng lưu ý 6 nội dung định hướng cần thực hiện trong thời gian tới mà đề án đã đề cập. Đó là:

  • Phát triển nhanh hạ tầng băng thông rộng, trong đó chú ý hạ tầng ứng dụng CNTT.
  • Ứng dụng CNTT trong đời sống, trong mọi công tác chuyên môn.
  • tập trung đào tạo nguồn nhân lực bậc cao( đào tạo trong nước và ở nước ngoài khoảng 5 vạn kỹ sư CNTT).
  • Thực hiện sản xuất phần mềm CNTT.
  • Đưa các thiết bị nghe nhìn về các cơ sở, về các hộ gia đình các loại điện thoại di động, tivi, phát thanh, internet, máy tính do nhà nước đầu tư và phải có lộ trình cụ thể.
  • Xây dựng một số Tập đoàn mạnh về viễn thông, CNTT và truyền thông đa phương tiện. Phấn đấu vào năm 2020 Việt Nam sẽ đứng ở hạng thứ 70 về CNTT thế giới và đưa ngành CNTT thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam…

Trần Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất