Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
*70% khiếu kiện là về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến năm 2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%. Riêng từ năm 2008-2011, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%. Trong đó, số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28% và sai chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và sai chiếm 54,2%.
Nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính trong quản lý đất đai chủ yếu tập trung: khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm khoảng 70%; về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đoàn giám sát nhận định: Đây là vấn đề phức tạp nếu không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tình hình khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do: Sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính. Bên cạnh đó phải kể đến sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Mặt khác, hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo của một bộ phận người dân còn hạn chế và việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt, chưa thường xuyên, liên tục.
* Chính sách, pháp luật còn thiếu ổn định, đồng bộ
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cho rằng: Báo cáo giám sát đã đánh giá khá đầy đủ việc ban hành các chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Hệ thống văn bản được ban hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý. Từ năm 2003 đến nay, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước được chấn chỉnh và đi vào nền nếp, góp phần ổn định xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, hạn chế lớn nhất hiện nay là chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể. Các chính sách liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất qua các năm thay đổi theo hướng có lợi cho người dân gây so bì về quyền lợi giữa những người dân có đất bị thu hồi tại thời điểm trước và sau khi có chính sách mới. Giá đất đền bù tại nhiều nơi chưa sát giá thị trường; có sự chênh lệch lớn giữa giá Nhà nước bồi thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với người dân; giá đất tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giá đất nội thị, ngoại thị trong cùng một đô thị, giá đất giữa đô thị và nông thôn trong cùng một tỉnh còn có sự chênh lệch lớn, có một số nơi chênh lệch quá lớn.
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nêu thực trạng: “Cùng một nội dung về đền bù giải phóng mặt bằng, văn bản trước đang thực hiện dở dang thì văn bản sau đã ra đời nên nhiều địa phương rất khó thực hiện. Giá đền bù cho đất nông nghiệp thấp, người dân chưa yên tâm, chưa nhất trí với giá đất mà nhà đầu tư đền bù. Trong cùng một dự án, chỉ cách một con mương nhưng giá đất đền bù đã chênh lệch nhau 5 lần”.
Nhiều đại biểu cho rằng, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có những tồn tại và việc thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm, dẫn tới tình trạng thu hồi đất để hoang, triển khai dự án chậm, lãng phí nguồn tài nguyên đất, trong khi đó người dân ở vùng dự án không còn đất sản xuất, không có việc làm dẫn đến bức xúc, khiếu kiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đánh giá những bất cập, không thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai đã tạo ra sự khập khiễng, thiếu đồng bộ, chồng chéo, gây khó khăn trong thực hiện. Bên cạnh đó, việc thiếu chặt chẽ trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân; buông lỏng trong quản lý đất đai, lãng phí trong quy hoạch sử dụng đất dẫn đến gia tăng khiếu nại, tố cáo. Đại biểu cho rằng “Đây là một trong những lý do cho sự không gặp nhau giữa quyết định giải quyết của Nhà nước và yêu cầu khiếu nại của nhân dân”.
Theo phân tích của các đại biểu, do pháp luật về đất đai quy định còn mâu thuẫn với Luật khiếu nại, tố cáo nên các cơ quan Nhà nước còn lúng túng trong việc xác định thẩm quyền dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình xem xét giải quyết vụ việc. Mặt khác, theo đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và nhiều đại biểu khác, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa thực chất và đi vào chiều sâu; việc thực hiện quy chế dân chủ trong thực hiện các dự án chưa tốt; công tác tiếp dân, hòa giải cơ sở chưa được quan tâm; một bộ phận cán bộ công chức có hành vi vụ lợi, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính… cũng là những nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình hình gia tăng khiếu nại, tố cáo của công dân về vấn đề này.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nêu một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng khiếu kiện, nhất là khiếu kiện kéo dài, đông người về đất đai là do cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai vừa thiếu vừa yếu, có nơi còn có thái độ vô cảm, bàng quan với bức xúc của nhân dân. Ở nhiều địa phương, công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, để xảy ra vi phạm hoặc cố tình bao che vì lợi ích cá nhân, dòng họ, lợi ích nhóm.
Bên cạnh đó, hồ sơ địa chính lưu trữ không đảm bảo, không đầy đủ, chính xác, việc chỉnh lý biến động đất đai không được theo dõi, cập nhật thường xuyên, gây khó khăn cho việc giải quyết. Công tác thu hồi đất, xác định giá đất, diện tích, hỗ trợ bồi thường, tái định cư còn để xảy ra sai sót hoặc thiếu công khai, minh bạch. Có trường hợp cố tình sai để sách nhiễu, chây ỳ để hưởng lợi. Đại biểu Hồ Thị Thủy cho rằng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích xã hội, lợi ích doanh nghiệp và người bị thu hồi; chưa chú ý các vấn đề xã hội nảy sinh sau thu hồi đất. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số còn lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo để kích động, lôi kéo khiếu kiện đông người gây áp lực cho các cơ quan nhà nước. Vấn đề công bố giá đất hàng năm ở các địa phương chưa phù hợp thực tế cũng là một trong những nguyên nhân gây bức xúc.
*Sửa đổi Luật Đất đai là yêu cầu cấp thiết
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, các đại biểu đã đề xuất nhiều kiến nghị xung quanh nội dung này. Trong đó, yêu cầu cấp thiết là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp của Luật Đất đai phù hợp với quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính; quy định rõ các quyền đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước; tạo khung pháp lý thống nhất trong việc giải quyết khiếu nại chính đáng để người dân được yên tâm như ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và nhiều đại biểu khác.
Chỉ rõ sự bất cập của Luật Đất đai hiện hành là nguyên nhân sâu xa dẫn đến khiếu kiện của người dân, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) kiến nghị gắn Nghị quyết giám sát về vấn đề này với việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành mà Quốc hội đang xem xét để giải quyết một cách căn cơ. Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Đất đai 2003 là rất cần thiết theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo quản lý thống nhất, rõ ràng. Nhà nước quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra, đảm bảo sự hài hoà về lợi ích của Nhà nước với lợi ích người sử dụng đất và lợi ích của nhà đầu tư; thống nhất chỉ có một giá đất đền bù cho đất nông nghiệp khi thu hồi. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nghề, giúp người dân có việc làm mới để ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã; tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về đất đai cho nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) và một số đại biểu đề xuất cần sớm ban hành một quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) kiến nghị: Trong sửa đổi Luật Đất đai, cần quy định bỏ hình thức chủ dự án tự thỏa thuận với dân; quy định giá đất bảo đảm nguyên tắc phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, để giải quyết những bất cập, việc khắc phục phải từ hai phía, vừa tháo gỡ những mâu thuẫn, chồng chéo về chính sách pháp luật vừa nghiêm túc, minh bạch, công khai trong khâu tổ chức thực hiện. Chính quyền cơ sở phải tâm huyết, năng động, cấp trên biết lắng nghe để việc ban hành chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống, hợp lòng dân. Đại biểu khẳng định: “Khi chính quyền cơ sở làm tốt nhiệm vụ của mình thì khiếu nại, tố cáo sẽ giảm”. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, tăng cường đối thoại với dân, làm tốt công tác hòa giải cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật theo hướng đi sâu, gần dân hơn… cũng là những giải pháp trước mắt và lâu dài mà nhiều đại biểu đề xuất.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung này và nghe giải trình của một số Bộ, ngành liên quan./.
Thanh Hòa - TTXVN