Để người dân tham gia giao thông không vi phạm uống rượu, bia cần phải có một chiến dịch tuyên truyền bài bản với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trước hết cán bộ công chức gương mẫu thực hiện. Đồng thời, phải có chế tài nghiêm khắc xử lý các hành vi tham gia giao thông có nồng độ bia rượu.
Các đại biểu dự Hội thảo quốc gia "Rượu bia với tai nạn giao thông" do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế tổ chức diễn ra hôm qua 24/3, đều nhất trí về biện pháp giảm TNGT do rượu bia.
Hơn 10% số vụ tai nạn liên quan tới rượu, bia
Chưa có con số tổng hợp chính thức số vụ tai nạn do bia, rượu gây ra, tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), tổng số tai nạn giao thông phải nhập viện là 183.058 ca, trong đó số trường hợp có liên quan tới rượu, bia chiếm 12%, còn theo các chuyên gia pháp y thì con số này chiếm 1/3 tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Đại đa số các nạn nhân TNGT đều nhận thức được tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông, tuy nhiên có tới 83,6% đối tượng không biết quy định về nồng độ cồn cho phép có trong máu khi tham gia giao thông.
Hoàn thiện các văn bản với chế tài thật mạnh
Vấn đề nghiêm cấm sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông đã được luật pháp Việt Nam đề cập từ rất sớm trong Bộ luật Hình sự năm 1999, tuy nhiên theo PGS. TS Nguyễn Thị Thiềng, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, các chế tài thực hiện lại chậm triển khai nên chưa có hiệu quả cao.
Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Đỗ Vũ Anh Dũng, chế tài xử lý hành chính đối với hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông mặc dù đã có nhưng mức xử lý hành chính còn quá nhẹ. Hiện nay mức phạt cho hành vi này là 1-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong 60 ngày, ông Dũng cho rằng tới đây cần xử lý mạnh hơn, có thể tước giấy phép lái xe trong thời gian 1 năm và nâng mức phạt lên thật nặng.
Theo Tiến sỹ Nguyễn văn Tiên, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Thực tế đang rất cần một dự án luật quy định về kiểm soát phòng chống tác hại của rượu, bia vì hiện nay Nghị định chưa đủ sức mạnh, chưa điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan tới rượu bia.
Mặc dù mới đây Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua cũng đề cập tới việc lái xe sử dụng rượu bia, trong đó quy định mức cồn trong máu bằng 0. Đây là tỷ lệ ít nước đạt được như thế này, chỉ có 1/3 số quốc gia quy định nồng độ bằng 0.
Quốc hội cũng đang dự kiến xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, tuy nhiên đây còn vấn đề văn hóa nên công tác chuẩn bị đòi hỏi hết sức tỷ mỷ và có luận chứng khoa học, ông Tiên nhấn mạnh./.
(Theo Chinhphu.vn)