Chủ Nhật, 6/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 28/4/2012 11:27'(GMT+7)

Sóng gió mô hình xã hội châu Âu

Thất nghiệp làm mất niềm tin

Đầu tháng 4 vừa qua, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) đã họp hội nghị toàn thể nhằm tìm kiếm các biện pháp có thể đưa châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng xã hội do nợ công và thất nghiệp gây ra, đồng thời tạo dựng lại niềm tin của công dân vào các thể chế châu Âu và sự tự tin của các tổ chức này.

Chủ tịch EESC Staffan Nilsson và Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz nhất trí cho rằng, hai cơ quan này cần hợp tác chặt chẽ để bảo vệ mô hình kinh tế và xã hội  châu Âu, vốn đã đem lại những phúc lợi đáng kể cho các công dân châu lục này. 

Quả thật, EP đóng vai trò quyết định trong việc đại diện cho các công dân châu Âu. Và mục tiêu của EESC là từ nay đến năm 2014 sẽ khuyến khích công dân tích cực tham gia các cuộc bầu cử sắp tới của châu Âu. Trong khi đó, đội quân thất nghiệp ở nhiều nước châu Âu đang ngày một gia tăng, nhất là trong các tầng lớp thanh niên. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), hồi đầu tháng 4 vừa qua đã công bố số liệu về nạn thất nghiệp tại Khu vực đồng euro (Eurozone), theo đó, tỷ lệ người không có việc làm trong tháng 2-2012 tăng cao kỷ lục: tại 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu có đến 10,8% dân số trong độ tuổi lao động không có việc làm. Đây là mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1997. Trong 10 tháng liên tiếp vừa qua, thị trường lao động châu Âu ngày càng xấu đi.

Đương nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước không hoàn toàn giống nhau. Tại Áo và Hà Lan, tỷ lệ này chỉ ở mức 4,2% và 4,9%. Đức đứng thứ ba với một tỷ lệ được coi là “ổn định” - ở mức 5,7%. Italia và Pháp có 9,3% và 10% dân số trong độ tuổi lao động không có việc làm. Tại một quốc gia đang lâm vào khủng hoảng như Irland, tỷ lệ đó là 14,7%, rất gần với các nước ven Địa Trung Hải như Bồ Đào Nha và Hy Lạp có tỷ lệ thất nghiệp rất cao - 15% và 21%. Hiện tại, Tây Ban Nha là nước đứng đầu về đội quân thất nghiệp, với 23,6% dân số không có việc làm, trong đó hơn nửa số thanh niên ở độ tuổi từ 16 đến 25 bị loại khỏi thị trường lao động. Điều đáng lo ngại hơn là số người mất việc làm tại châu Âu vẫn có chiều hướng gia tăng từ nay tới cuối năm. Các chuyên gia tài chính ngân hàng JP Morgan tại London cảnh báo rằng, đến cuối năm 2012 tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu sẽ lên tới 11%, hoặc hơn thế nữa.

Eurostat cũng đưa ra một báo cáo không mấy khả quan về viễn cảnh tăng trưởng của toàn khối: Nguy cơ suy thoái tại Eurozone ngày càng rõ nét. Tháng 3-2012, hai đầu tàu kinh tế là Đức và Pháp cũng đã có dấu hiệu khựng lại. Tại Đức, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3-2012 giảm 1,8 điểm so với tháng trước. Đây là hậu quả của việc xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc và các đối tác khác thuộc Eurozone bị chậm lại. Đồng thời, theo Viện Nghiên cứu châu Âu của Đức IMK, đấy cũng là hậu quả trực tiếp của các biện pháp cắt giảm chi tiêu mà Bruxen và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) áp đặt đối với nhiều nước Eurozone. Tại Pháp, tình hình cũng không khả quan gì hơn. Với các nước đang lâm nạn ở vùng Địa Trung Hải, từ Hy Lạp đến Italia hay Tây Ban Nha, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng đi xuống. Theo báo cáo công bố ngày 29-3-2012 của ba viện nghiên cứu châu Âu - IMK (Đức), OFCE (Pháp) và WIFO (Áo), khủng hoảng tài chính Eurozone và các biện pháp khắc khổ là nguyên nhân đẩy toàn khối vào suy thoái kinh tế và thất nghiệp tăng cao. Theo đó, nhìn chung, GDP tại 17 nước thuộc Eurozone giảm 0,8% trong năm 2012 và tiếp tục giảm thêm 0,5% vào năm 2013.

Giới phân tích cho rằng, nạn thất nghiệp gia tăng chung tại tất cả 17 nước Eurozone là bằng chứng cho thấy, các biện pháp khắc khổ với hy vọng giảm bớt nợ công và bội chi ngân sách không phải là liều thuốc thích hợp cho khu vực này, vào thời điểm hiện nay. Sức tiêu thụ của tư nhân giảm xuống, khủng hoảng niềm tin của các nhà đầu tư đẩy các hoạt động sản xuất ngày càng xuống thấp hơn trong suốt năm qua.

Với những đánh giá đó, Chủ tịch EP M. Schulz lưu ý rằng, tình trạng này không chỉ là “bi kịch của riêng những người bị mất việc làm”, mà “nó còn là liều thuốc độc đối với xã hội châu Âu”. Tình trạng đông đảo thanh niên thất nghiệp đang làm phương hại tới kết cấu xã hội châu Âu. Vấn đề đó chứng tỏ rằng, mô hình xã hội châu Âu đang tiếp tục bị đe dọa. Ông M. Schulz dẫn ra một bằng chứng là: Các quỹ đầu tư hiện nay (chẳng hạn như Standard & Poor's) có thể còn nhiều quyền lực hơn cả các thể chế dân chủ, nghĩa là cơ quan đánh giá tín nhiệm lại có nhiều quyền lực hơn cả các chính khách được bầu ra một cách dân chủ.         

 Củng cố mô hình xã hội châu Âu?

Không phải chỉ bây giờ, mà ngay từ hàng chục năm nay, người ta đã cảm nhận “mô hình xã hội châu Âu” còn có những khiếm khuyết, cần được hoàn thiện, thậm chí nhiều mặt cần phải thay đổi. Trên “châu lục già”, nơi các nền kinh tế phát triển sớm và năng động, tại nhiều nước, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo ra được sự thăng bằng giữa nỗ lực cá nhân và trách nhiệm tập thể. Bởi vậy, người ta vẫn tưởng rằng ở đó có chung một hệ thống bảo vệ xã hội. Thực ra, ở châu Âu hoàn toàn không phải chỉ có một mô hình xã hội thống nhất, mà có nhiều mô hình xã hội khác nhau. Tuy nhiên, có thể xếp thành 4 nhóm mô hình:

Mô hình Bắc Âu, gồm các nước Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan. Tại các nước này, chính phủ dành nhiều khoản chi công rất cao cho các quỹ trợ cấp và bảo hiểm xã hội; thị trường lao động không bị quy định quá chặt chẽ; chính phủ có nhiều chính sách hiệu quả để tạo công ăn việc làm; các nghiệp đoàn có tiếng nói rất mạnh nên bảo đảm được thang lương ít chênh lệch, trợ cấp thất nghiệp cao.

Mô hình Anglo-Saxon, gồm Anh và Ireland. Ở đó, trợ cấp xã hội rất hào phóng cho những trường hợp đặc biệt, nhất là đối với những người đang ở tuổi lao động; thị trường lao động ít bị quy định; nghiệp đoàn hoạt động yếu, thang lương quá rộng, có nhiều loại việc làm bị trả lương rất thấp.

Mô hình Lục địa, gồm Đức, Pháp, Bỉ, Luxembourg. Tại các nước này, các khoản chi cho bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ hưu trí đều khá cao; dù số người tham gia lao động mỗi năm một giảm, các nghiệp đoàn vẫn có tiếng nói mạnh, nhờ được luật pháp cho quyền thương lượng với giới chủ; thị trường lao động bị quy định chặt chẽ, trợ cấp thất nghiệp cao.

Mô hình Địa Trung Hải, gồm các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia. Tại các nước đó, chi phí công rất cao, chủ yếu dành cho người cao tuổi; thị trường lao động bị quy định khá ngặt nghèo nhằm bảo vệ việc làm; nhà nước tài trợ rất hào phóng cho người về hưu non nhằm giảm số người thất nghiệp; thang lương hẹp, trợ cấp thất nghiệp thấp.

Mục đích chủ yếu của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay là giải quyết nạn thất nghiệp và thanh toán nạn nghèo đói còn khá trầm trọng ở nhiều nước. Mỗi một trong số các mô hình xã hội châu Âu đều có cái được và cái chưa được. Thế nhưng, phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng, hai mô hình Bắc Âu và Anglo-Saxon đã tỏ ra hiệu quả hơn hai mô hình Lục địa và Địa Trung Hải về mặt tạo việc làm (tỷ lệ thất nghiệp thấp). Nhưng để giải quyết nạn nghèo đói, mô hình Bắc Âu và Lục địa đem lại kết quả tốt hơn.

Mô hình xã hội châu Âu vốn được coi là nền tảng bản sắc của EU và là một yếu tố căn bản đã từng thúc đẩy sự thành công về kinh tế của liên minh này. Bởi vậy, cả Chủ tịch EESC S. Nilsson và Chủ tịch EP M. Schulz đều lập luận rằng, mô hình xã hội châu Âu là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, chứ không phải là một trở ngại. Tuy nhiên, những người đứng đầu của hai tổ chức đó cho rằng, cần phải có những đề xuất cụ thể để tạo sự tăng trưởng kinh tế, kiểm soát thất nghiệp và đầu cơ. Đấy là một phần trong công việc hàng ngày của EESC và EP.

Ông Henri Malosse, người đứng đầu nhóm sử dụng lao động thuộc EESC, đã dẫn ra những kết quả nghiên cứu mới đây của Eurobarometer cho thấy nguyên nhân của tình trạng công dân châu Âu thiếu sự nhiệt tình đối với các vấn đề chính trị của châu Âu. Theo đó, các thế hệ trẻ ở châu Âu hiện đang mất lòng tin và không có quan điểm rõ ràng. Điều quan trọng hàng đầu hiện nay là phải giúp các thế hệ trẻ tạo được lập trường rõ ràng và gây dựng lại niềm tin vào các thể chế châu Âu. Theo ông, châu Âu đang cần những người có tầm nhìn xa, trông rộng, nhưng trước hết và trên hết phải là những người có khả năng biến những ý tưởng thành hiện thực.

NATO chịu ảnh hưởng nặng nề

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Chicago vào tháng 5-2012, các nhà lãnh đạo tổ chức này không thể không tính toán tới vai trò của các thành viên châu Âu. Tình trạng nợ công từ hàng năm nay đang đè nặng trên vai không chỉ mấy quốc gia Hy Lạp, Irland, Italia, Bồ Đào Nha, hay hiện nay đến lượt Tây Ban Nha, mà nhiều nước thành viên NATO khác ở châu Âu cũng phải oằn mình chia sẻ.

Chính sách thắt chặt tài chính, tập trung nguồn lực tạo công ăn việc làm, giảm chi tiêu công và đương nhiên giảm ngân sách quốc phòng mà hiện đã ở mức “rất tiết kiệm” của các thành viên châu Âu… làm cho các nhà lãnh đạo NATO hết sức lo lắng. Nếu trước đây, ở thời điểm kết thúc “Chiến tranh lạnh”, các thành viên châu Âu đóng góp 34% chi tiêu của NATO, thì hiện nay con số đó đã tụt xuống chỉ còn 21%. Ngoài Mỹ, chỉ còn 4 nước thành viên khác trong tổng số 28 thành viên của khối là Anh, Pháp, Hy Lạp và Anbani đạt tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng 2% GDP. Theo báo cáo thường niên “Cán cân quân sự toàn cầu năm 2011” của Học viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược, có trụ sở chính tại London, thì lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, tổng chi tiêu quân sự của châu Á đã vượt châu Âu.

Tổng Thư ký NATO Anders Rasmussen nhận định, nếu chỉ đầu tư vào an ninh nội địa sẽ không bảo đảm đủ mức độ phòng thủ cần thiết. Mặc dù có một vài thành viên NATO có mong muốn khác, nhưng sức mạnh quân sự vẫn cần phải duy trì trong bối cảnh địa - chính trị của thế kỷ XXI. Để đối phó với nguồn lực khan hiếm, ông A. Rasmussen đưa ra giải pháp là làm nhiều việc hơn với kinh phí ít hơn, bằng việc áp dụng chiến lược “phòng thủ thông minh”, tập trung và chia sẻ về trang thiết bị và các nguồn lực khác nhau. Để có thể phát huy hiệu quả chiến lược này, những thành viên có thể đóng góp một nguồn lực cụ thể nào đó, chẳng hạn như máy bay trinh sát không người lái, đồng thời phải sẵn sàng tham gia chiến dịch, hoặc cho phép những thành viên khác sử dụng nguồn lực này.

Ông A. Rasmussen cho rằng, trong trường hợp Lybia, Đức và Ba Lan đã gây khó dễ và đứng ngoài chiến dịch. Một vài thành viên khác chỉ ủng hộ một cách hờ hững và thậm chí từ chối xuất kích ném bom. Ông đưa ra sáng kiến là các thành viên tham gia chương trình chia sẻ nguồn lực sẽ ký hợp đồng “Bảo đảm cho phép tiếp cận vũ khí, khí tài”. Mặc dù vậy, quy định này phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của từng chính phủ trong từng trường hợp cụ thể.

Như vậy, trên thực tế, NATO đành phải bằng lòng với việc thực thi ít nhiệm vụ hơn do nguồn lực được phân bổ ít hơn. Đây cũng chưa phải là một thảm họa. Giấc mơ về một “NATO toàn cầu hóa”, có thể kết nạp thành viên trên toàn thế giới và can thiệp bất cứ nơi nào, đã nở rộ từ vài năm trước đây, nay đã lụi tàn. Sau chiến dịch Afghanistan, NATO có lẽ chỉ còn cách quay trở lại cội nguồn mang tính khu vực của mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bán suy thoái của Mỹ hiện nay và khủng hoảng kinh tế tại châu Âu, việc “thực thi ít nhiệm vụ hơn” có thể nhanh chóng dẫn tới “không làm gì cả”. Đây mới thực sự là thảm họa. NATO là một thiết chế không hoàn hảo, nhưng tổ chức này vẫn có khả năng triển khai sức mạnh quân sự trong những chiến dịch phức tạp và khó khăn. Nó đã làm cho châu Âu trở nên an toàn hơn. Tương lai của NATO sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ tập trung nguồn lực cho tổ chức này của các quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ nó.

Hội nghị Thượng đỉnh Chicago sắp tới chắc chắn sẽ là dịp để các đồng minh tái khẳng định sức mạnh của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, tương lai có thể dự đoán được cho liên minh này lại nằm ở thái độ tảng lờ vô hại của Mỹ và sự suy giảm về chi tiêu quốc phòng tại châu Âu. Như vậy, nếu không có sự thay đổi căn bản thì có nghĩa là chiến lược “phòng thủ thông minh” của NATO rút cục sẽ rơi vào tình trạng thực thi ít nhiệm vụ hơn, với nguồn lực hạn chế hơn./.  

Nguồn: TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất