45 năm chạy thận nhân tạo chu kỳ tại Việt Nam, có không biết bao nhiêu
lần bảo dưỡng định kỳ máy chạy, hệ thống sản xuất nước chạy thận nhưng
chưa từng xảy ra sự cố đau thương như vừa qua.
Cùng nhìn lại cái sự cố y khoa ở Hòa Bình, câu hỏi hóa chất bất thường
cực độc trên được đưa vào trong máy móc chạy thận xảy ra ở khâu nào và
ai phải chịu trách nhiệm về việc này? Các chuyên gia về lĩnh vực thận
nhân tạo và chống độc đã có những phân tích thấu đáo và chi tiết.
Axit Flohydric tuyệt đối không được dùng trong y tế
Chia sẻ về nguyên nhân vì sao xảy ra một sự cố y khoa “động trời” trong
chạy thận khiến 8 người tử vong ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, tiến
sỹ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho
biết, kết quả xét nghiệm phát hiện trong nước RO chạy thận của bệnh nhân
ở Hòa Bình có chất Axit Flohydric có nồng độ rất cao, vượt ngưỡng cho
phép 260 lần (ngưỡng bình thường cho phép của Axit Flohydric trong nước
chạy thận là 0,2 mg/lít).
Theo tiến sỹ Dũng: “Đây chính là nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân lọc máu chu kỳ tử vong.”
Phân tích về "hóa chất lạ" trên, thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách
Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho hay việc hóa chất Axit
Flohydric (HF) có mặt trong nguồn nước nằm ngoài danh mục được cấp phép
của ngành y tế, ngoài quy trình của việc bảo dưỡng hệ thống máy chạy
thận nhân tạo và là điều không ngờ tới với các cán bộ nhân viên y tế và
cơ quan chức năng.
Axit Flohydric tuyệt đối không được sử dụng trong y tế mà chỉ dùng trong
công nghiệp để tẩy chất cặn… Axit Flohydric là hóa chất có tính ôxy hóa
cực mạnh, nếu sử dụng vượt quá nồng độ cho phép sẽ phá hủy tế bào, làm
vỡ hồng cầu, tê liệt thần kinh. Đặc biệt, hóa chất này sẽ gây ra các
triệu chứng về tim mạch như loạn nhịp tim, làm người bệnh tử vong nhanh
chóng. Ngoài ra, nó cũng gây ra các rối loạn khác như thiếu canxi, gây
đau xương, viêm gan… cho cơ thể.
“Vì thế, với việc có mặt hóa chất bất thường, trái phép, dù có áp dụng
quy trình đúng về mặt y tế cũng không thể nào loại trừ được sự cố xảy ra
như vừa qua. Tôi cho rằng, cơ quan điều tra cần phải làm rõ việc tại
sao hóa chất có mặt trong vật liệu sử dụng y tế?” bác sỹ Nguyên nhấn
mạnh.
Axit Flohydric được đưa vào bằng cách nào?
Nói tới các quy trình của việc chạy thận, bác sỹ Dũng phân tích, việc
chạy thận liên quan đến máy móc rất nhiều. Để phục vụ máy móc và để hoạt
động được phải có một số hệ thống khác đi kèm, đặc biệt là hệ thống
nước. Trong quy trình hoạt động có những quy định hết sức chặt chẽ.
Chẳng hạn như hệ thống nước thì có ba phần: phần tiền xử lý, phần thứ
hai là phần màng RO, phần thứ ba là phần chứa và cấp nước. Ba phần này
có quy định rất rõ ràng.
Bác sỹ Dũng chỉ rõ: Phần tiền xử lý nước ngày nào cũng phải làm phải vệ
sinh và phần này không có liên quan đến hóa chất. Cái khó nhất ở đây là
màng RO và hệ thống chứa nước, cung cấp nước, bởi nó liên quan nhiều đến
hóa chất rửa. Các đơn vị khác như hồi sức, thận nhân tạo họ sẽ không có
đủ người để làm những việc này, thông thường là phòng vật tư chịu trách
nhiệm và việc ký với công ty nào là do ban giám đốc và chắc chắn việc
ký này Ban giám đốc phải kiểm tra xem họ có đủ năng lực hay không, họ có
chuyên về cái đó hay không. Bởi việc ký hợp đồng có những quy định rất
rõ ràng trong việc sau này có xảy ra chuyện gì thì phải có người đứng ra
chịu trách nhiệm.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai). (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) là một khoa lớn, có hơn 600
bệnh nhân với hơn 100 máy chạy thận. Việc ký hợp đồng với bộ phận sửa
chữa bảo dưỡng bên ngoài với khoa của chúng tôi là rất khó bởi có thể
phải chờ tới chục ngày trong khi việc lúc là đột xuất, lúc lại là định
kỳ. Có những việc đột xuất không thể chờ đến chục ngày nên bắt buộc
Khoa phải có người làm chuyên trách về vấn đề này,” bác sỹ Dũng nhấn
mạnh.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hệ thống sản xuất nước RO và máy chạy
thận bao giờ cũng được bảo dưỡng định kỳ. Tại Bệnh viện Bạch Mai, máy
thận được sát trùng sau mỗi ca lọc, hệ thống tiền xử lý nước phải vệ
sinh hàng ngày; màng RO hai tháng phải vệ sinh một lần; bồn đựng nước vệ
sinh một lần/tháng; hệ thống đường ống dẫn nước 1 tháng 1 lần.
Là một trong những bác sỹ đầu tiên lên Bệnh viện đa khoa Hòa Bình hỗ trợ
cấp cứu bệnh nhân và giải quyết hậu quả, tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng nhấn
mạnh: “Trong tai biến chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đơn vị làm
công tác khử khuẩn và làm sạch hệ thống sản xuất nước RO đưa vào hóa
chất không được phép sử dụng thì phải chịu trách nhiệm cao nhất; sau đó
là cán bộ kiểm soát và nghiệm thu công việc. Bác sỹ chỉ phụ trách chuyên
môn, được đào tạo để cấp cứu, chẩn đoán, chữa bệnh chứ không phải làm
công việc về xét nghiệm, xử lý đường nước hay kiểm tra thiết bị, không
thể kiểm soát tất cả thông số trong quá trình bảo trì. Vì thế, các cơ
quan chức năng cần có cái nhìn thông cảm để công tâm với bác sỹ, đồng
thời động viên chia sẻ với các cán bộ ngành y tế.”
Nói về vấn đề xử lý khâu cấp cứu cho các bệnh nhân sau khi sự cố trên
xảy ra, giáo sư Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh
viện Bạch Mai), đơn vị đã đồng hành cùng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình ngay
từ khi sự cố xảy ra: "Khi trực tiếp hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình
cấp cứu bệnh nhân, tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của các bác sỹ trong
việc cấp cứu bệnh nhân. Họ lập tức điều trị thải độc cho bệnh nhân sau
khi phát hiện tai biến bất thường. Tuy nhiên đây là hóa chất cực độc nếu
ở nồng độ cao như vậy nên nhiều bệnh nhân đã không thể qua khỏi."
Giáo sư Bình khẳng định: “Tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa
Bình là sự cố không mong muốn. Từ khi nghe tin bác sỹ Hoàng Công Lương
bị bắt, không chỉ bác sỹ của Bệnh viện Hòa Bình hoang mang mà các bác sỹ
trên cả nước xôn xao… Chúng tôi hy vọng cơ quan chức năng xử lý đúng
người đúng tội, kết thúc có hậu để cán bộ y tế yên tâm công tác"./.
Theo TTXVN