Thứ Sáu, 22/11/2024
Khoa học
Thứ Hai, 9/9/2019 15:45'(GMT+7)

Sử dụng năng lượng hiệu quả: Cốt lõi vẫn là công nghệ

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Vấn đề tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam đã được bàn từ rất lâu nhưng đa số trong cộng đồng xã hội vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. Theo ông Chu Bá Thi, chuyên viên năng lượng của Ngân hàng Thế giới thì “chi phí xã hội bỏ ra để tiết kiệm một đơn vị điện năng chỉ bằng 1/3, 1/4 so với chi phí sản xuất ra một đơn vị điện năng mới” và theo ước tính của ông Đỗ Hữu Hào, chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả, nếu nâng tỷ lệ tiết kiệm năng lượng lên đến mức 10% thay vì khoảng 6% như hiện nay thì mỗi năm, mức năng lượng Việt Nam tiết kiệm được sẽ tương đương công suất của một nhà máy điện tầm trung.
 
Những thảo luận tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam: Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững diễn ra vừa qua cho thấy vai trò quan trọng của tiết kiệm năng lượng, vốn đã được đặt ra từ thời nêu cao khẩu hiệu “Tiết kiệm là quốc sách”.
 
Hiện tại, trong bối cảnh mới của thế giới, khi KH&CN trở thành một trong những yếu tố quan trọng dẫn dắt sự phát triển, vấn đề tiết kiệm năng lượng (saving energy) quen thuộc đã chuyển thành sử dụng năng lượng hiệu quả (efficient energy use). Và Việt Nam không nằm ngoài tác động đó bởi theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH VN), “cần tính đến hiệu quả năng lượng khi bàn về sản xuất năng lượng, nếu không các nỗ lực sản xuất đều là vô nghĩa”.

CÔNG NGHỆ VÀ BÀI TOÁN SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG

Bài toán sử dụng hiệu quả năng lượng đang được đặt ra cho Việt Nam hiện nay đi kèm với nhiều câu hỏi: lĩnh vực nào tiêu dùng nhiều năng lượng nhất? việc sử dụng năng lượng hiệu quả nên bắt đầu từ đâu? cách thức nào hiệu quả? Muốn trả lời được bài toán này cần phải xác định được hiện trạng của việc tiêu dùng điện ở Việt Nam.
 
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, “cơ cấu điện thương phẩm năm 2018 của Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp chiếm 55%, quản lý tiêu dùng (chiếu sáng, sinh hoạt) 32%, thương mại khách sạn 6%, các thành phần khác dưới 6%. Riêng ngành nông nghiệp có chỉ số điện thương phẩm thấp là 3% nhưng có sức tăng trưởng nhanh vì năm 2015 mới là 1,6%”.

Từ cơ cấu điện thương phẩm Việt Nam có thể thấy, hai lĩnh vực tiêu thụ nhiều điện năng bậc nhất là các ngành công nghiệp và quản lý tiêu dùng. TS. Nguyễn Xuân Quang (Viện Nhiệt điện lạnh, trường Đại học Bách khoa HN) cho rằng, có những vấn đề mà các ngành công nghiệp có thể làm tốt khi dựa vào nền tảng công nghệ, đó là việc quản lý và vận hành các mạng điều hòa, hệ thống làm lạnh; tận dụng hiệu quả các nguồn nhiệt thừa ở những nơi có lò nung, lò đốt, lò hơi theo mô hình nhà máy đồng phát; thay đổi các công nghệ đã trở nên lạc hậu bằng các công nghệ mới; lắp đặt các hệ thống điện Mặt trời trên mái tại các khu công nghiệp có diện tích nhà xưởng lớn…
 
“Điều quan trọng là chúng ta phải hướng đến các giải pháp và công nghệ tiên tiến, đạt các yêu cầu tiêu tốn ít điện năng, ít phát thải khí nhà kính nhưng vẫn đảm bảo công suất vận hành”, TS. Nguyễn Xuân Quang cho biết thêm.

Đây cũng là quan điểm của TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN. Đề cập đến một thực tế là “30% sản lượng điện hằng năm cho chiếu sáng trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, công trình công cộng”, ông phân tích “việc tiết kiệm được một nửa năng lượng dành cho chiếu sáng sẽ tương đương với sản lượng điện của một nhà máy điện hạt nhân công suất cỡ 4.000MW. Xét về hiệu quả công nghệ thì công nghệ đèn LED ít hơn bóng đèn dây tóc cổ điển 80% đến 90% năng lượng, ít hơn công nghệ đèn compact 30% đến 40%. Do đó, nếu các công nghệ chiếu sáng của chúng ta dùng LED thì khả năng tiết kiệm rất lớn mà vẫn đạt được yêu cầu về chiếu sáng”.
 
Công nghệ trong các ngành công nghiệp là một vấn đề đã được Bộ KH&CN đặt ra từ nhiều năm và được đưa vào Luật Chuyển giao công nghệ 2017. TS. Nguyễn Quân cho rằng, trên thực tế mối quan tâm với các hợp đồng chuyển giao công nghệ vẫn còn chưa cao, dù thông qua việc nắm bắt được các công nghệ được chuyển giao, “có thể nắm bắt được các công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài, tiến tới học hỏi và làm chủ công nghệ, đưa các dự án đầu tư hoạt động với hiệu quả cao nhất”. Đây cũng chính là yếu tố để Việt Nam có được những công nghệ mới, đảm bảo được các tiêu chí sử dụng hiệu quả năng lượng trong sản xuất.

Để giải được bài toán công nghệ, bản thân các doanh nghiệp cũng phải thực sự coi đó là vấn đề sát sườn nhưng theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), “các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm về lợi ích công nghệ mang lại, đặc biệt với những lĩnh vực ngành nghề mà chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm thấp”.
 
Vậy đây có phải là nguyên nhân khiến ngay cả giới khoa học cũng ít quan tâm đến các giải pháp liên quan đến tiết kiệm năng lượng, TS. Nguyễn Quân đặt câu hỏi khi liên hệ với một thực tế: nhìn chung số lượng các đề tài về lĩnh vực này còn ở mức khiêm tốn, không chỉ ở các chương trình do Bộ KH&CN quản lý mà ngay cả chương trình của các bộ ngành khác cũng vậy. “Tôi không hiểu là các nhà khoa học không quan tâm hay họ gặp phải vướng mắc lớn về địa chỉ ứng dụng, đầu ra cho các đề tài nghiên cứu của mình…”, ông Nguyễn Quân băn khoăn về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ít đề tài nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng có thể áp dụng trên thực tế.

NHỮNG YẾU TỐ THÚC ĐẨY VIỆC ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI

Lý giải việc các doanh nghiệp chưa thiết tha tìm kiếm công nghệ sản xuất sử dụng tiết kiệm năng lượng, với góc nhìn của chuyên gia kinh tế vĩ mô, PGS. TS. Trần Đình Thiên chỉ ra một trong những nguyên nhân cơ bản là “méo mó” về giá điện.

Với số liệu dẫn ra từ EVN, ông đã chỉ ra sự chênh lệch về giá điện của Việt Nam so với thế giới: giá bình quân của thế giới đều là 14 cent/kwh còn Việt Nam là 7 cent/kwh, nghĩa là doanh nghiệp không có nhiều động lực áp dụng công nghệ mới để tiết kiệm điện năng và giảm chi phí sản xuất.
 
“Nếu giá điện ‘tốt’, ở đây nghĩa là ở mức không quá thấp so với thế giới, thì người ta mới quan tâm nhiều đến sản xuất để giảm lượng điện tiêu thụ nhưng ngược lại, giá điện không ‘tốt’ lại dẫn đến khuyến khích tiêu dùng năng lượng, không cần áp dụng đến công nghệ hiện đại lắm vì tính ra chi phí điện năng tiêu thụ vẫn ‘chịu’ được”, ông Trần Đình Thiên nói.

Nhìn lại quá trình phát triển của khối các ngành công nghiệp Việt Nam, PGS. TS. Trần Đình Thiên đưa ra nhận xét: “Về căn bản, trong 30 năm thu hút các doanh nghiệp FDI, Việt Nam đã thực thi một chiến lược thu hút đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi, trong đó chính sách năng lượng giá rẻ. Việc duy trì chính sách năng lượng như vậy vô hình trung khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cũ, không chỉ không tiết kiệm năng lượng mà còn gây ô nhiễm môi trường”.
 
Với việc nêu nguyên nhân sâu xa của vấn đề, ông Trần Đình Thiên đề nghị cần có một thay đổi rất cơ bản trong cách nhìn nhận về các loại giá đầu vào cho thị trường sản xuất, trong đó giá đầu vào năng lượng là quan trọng bậc nhất. “Cách tiếp cận của an ninh năng lượng, của tiết kiệm năng lượng phải bắt đầu từ cơ chế thị trường, nếu không thể chỉ trông chờ vào cách làm cũ. Nếu những đổi mới của chúng ta không liên quan đến giá điện thì mọi nỗ lực đều kém hiệu quả và mục tiêu đạt được rất khó khăn”, ông Trần Đình Thiên nêu nhận định của mình.

Để sử dụng hiệu quả năng lượng, bên cạnh việc áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất năng lượng và tiêu dùng năng lượng, cần quan tâm đến dịch chuyển cơ cấu năng lượng sang những loại hình năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và điện hạt nhân, đồng thời áp dụng một cách thức điều hành thông minh từ những công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (PGS. TS. Trần Đình Thiên).

Ông Chu Bá Thi, một chuyên gia về năng lượng của Worldbank, cùng chung quan điểm của PGS. TS. Trần Đình Thiên về việc cần phải có mức giá năng lượng theo cơ chế thị trường mới có thể giúp tăng nhu cầu đầu tư vào công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng.
 
Thông qua quá trình khảo sát đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp về chính sách tiết kiệm năng lượng giữa Worldbank và Bộ Công thương, ông Chu Bá Thi nhận thấy bên cạnh chính sách giá điện giá thấp, “chúng ta có nhiều bất cập và rào cản trong cơ chế tài chính và ngay cả nhận thức của doanh nghiệp”. Ví dụ, Worldbank đang triển khai Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE) với khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD nhưng quá trình cho vay cũng gặp nhiều khó khăn và chưa có dự án nào ở quy mô tầm trung được thực hiện, dù các đề xuất mà ông nhận được đều khả thi về tài chính.
 
“Do chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án đều ở mức cao nên nhiều ngân hàng coi rủi ro trong lĩnh vực này lớn. Hầu hết các đề xuất vay đều dựa vào tài sản đảm bảo nhưng xếp hạng tài sản của nhiều doanh nghiệp ngành thép tương đối thấp trong khi năng lực đánh giá, thẩm định công nghệ trong các dự án cho vay của các ngân hàng rất yếu”, ông Chu Bá Thi lý giải một phần nguyên nhân khiến không nhiều doanh nghiệp triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Một trong những mục tiêu mà Worldbank và Bộ Công thương đang hướng tới là xây dựng một mô hình thị trường dịch vụ năng lượng để có thể cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện tại Việt Nam, dựa trên cơ sở các mô hình đang áp dụng trên thế giới.

NHỮNG TÍN HIỆU ĐƠN LẺ

Dù câu chuyện tiết kiệm năng lượng hay sử dụng năng lượng hiệu quả chưa được triển khai một cách thấu đáo thì vẫn có một số tín hiệu tích cực xuất hiện một cách đơn lẻ. Đó là nỗ lực của ngành điện lực khi chủ động nâng cao năng lực, “đưa Việt Nam đứng thứ tư khu vực Đông Nam Á về tiếp cận điện năng, đứng đầu khu vực về truyền tải điện”, theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm; công ty Thép Hòa Phát Hải Dương (Tập đoàn Hòa Phát) tận dụng hơi quá nhiệt từ công đoạn luyện thép và cán thép cho nấu ăn làm giảm chi phí sử dụng khí gas, sử dụng công nghệ tách ẩm trước khi đưa không khí vào lò cao; Sở KH&CN Hà Nội triển khai dự án sản xuất thử nghiệm bộ mô đun đèn LED với chất lỏng tản nhiệt chứa vật liệu nano ống nano (CNTs) do TS. Bùi Hùng Thắng (Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) làm chủ nhiệm – thiết bị có thể giúp Hà Nội triển khai công nghệ đèn LED mà không phải bỏ đi toàn bộ hệ thống chiếu sáng theo công nghệ cũ…

Tuy nhiên, cần sự thay đổi nhận thức của mọi người để có thể triển khai tốt các công nghệ mới, dù ở cấp độ dân sinh, doanh nghiệp hay tổ chức. “Chúng tôi phải mất tới 10 năm để thuyết phục người tiêu dùng chuyển đổi công nghệ từ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn compact”, anh Dương Đức Duy, Trung tâm R&D của công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, khi đề cập đến những nỗ lực làm ra công nghệ mới phục vụ chiếu sáng trong nông nghiệp. Dẫu vậy, những chuyển biến mới đã xuất hiện, “may mắn là mọi chuyện đã tốt hơn, như triển khai công nghệ đèn LED chiếu sáng hai màu xanh đỏ có khả năng kích thích quá trình sinh trưởng của cây trồng hiệu quả hơn và cũng tốn ít điện năng hơn so với đèn compact, chỉ mất từ 3 đến 5 năm để được người dân chấp nhận, nhanh hơn rất nhiều”, anh Dương Đức Duy nói thêm./.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã đề ra mục tiêu: đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc và 8 đến 10% giai đoạn 2019-2030. Để đạt được mục tiêu này, trong giai đoạn đến 2025, cần giảm mức tiêu hao năng lượng ở các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018: thép 3 đến 10%, hóa chất trên 7%, nhựa 18 đến 22,46%, xi măng 7,5%, dệt may trên 5%..., 70% khu công nghiệp áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình, giải pháp kỹ thuật theo hướng tiết kiệm năng lượng; giai đoạn đến 2030: cần giảm mức tiêu hao năng lượng so với 2015-2018: thép từ 5 đến 16%, hóa chất trên 10%, nhựa 21,55 đến 24,81%, xi măng trên 10,89%, dệt may trên 6,8%, 90% khu công nghệp áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm 5% lượng tiêu thụ, xăng dầu trong giao thông.

 Thanh Nhàn (khoahocphattrien.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất