Tại Hà Nội, phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học vật liệu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng NTĐV về tình trạng sử dụng và bồi dưỡng nhân tài hiện nay, cũng như tình trạng chảy máu chất xám trong tầng lớp trí thức trẻ, và những bất cập trong việc đào tạo sinh viên ngành công nghệ.
Việt Nam chúng ta có nhiều nhân tài, nhưng theo ông cơ chế khuyến khích và môi trường để họ phát triển tài năng và trí tuệ đã hợp lý hay chưa?
Việt Nam tuy có nhân tài nhưng vẫn còn thiếu trong nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy các bạn trẻ cần phải phấn đấu để trở thành nhân tài để phục vụ đất nước. Điều rất đáng tiếc là tuy còn ít nhưng việc bồi dưỡng, sử dụng còn rất nhiều bất cập. Chính vì thế mà nhiều người tài Việt Nam vẫn chưa phát huy được.
Ông nhận định thế nào về tình trạng chảy máu chất xám trong tầng lớp tri thức Việt Nam hiện nay? Theo ông, chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng này?
Gần đây trên báo chí nhắc rất nhiều về tình trạng này. Tôi thì không gọi đó là chảy máu chất xám mà chỉ đơn thuần là chảy chất xám, tức là chảy cái trí tuệ của Việt Nam ra ngoài. Hiện tượng đó là có, và nó là điều không thể tránh khỏi. Đó là quy luật tự nhiên, bởi một nước nghèo không có đủ điều kiện để phát huy tài năng của những người có tài thì người ta phải tìm chỗ khác để tiếp tục nâng cao trình độ của mình, cống hiến cho xã hội, đồng thời là để rèn luyện bản thân. Tất cả những nước nghèo đều gặp tình trạng như vậy. Nhưng có điều nếu chúng ta có thể để cho chất xám này ra nước ngoài rèn luyện rồi quay trở lại Việt Nam thì tốt biết bao.
Quan điểm của tôi là khuyến khích chất xám khi còn non trẻ thì đi ra nước ngoài rồi quay trở về, nhưng tiếc thay hiện nay chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để họ quay trở về đất nước như Trung Quốc đã làm. Tôi rất muốn chúng ta học kinh nghiệm này để làm thế nào nhiều người tài Việt Nam khi theo học ở nước ngoài sẽ quay về phục vụ cho đất nước.
Rất nhiều doanh nghiệp kêu ca rằng họ phải đào tạo lại các sinh viên ngành công nghệ thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Điều đó cho thấy có một khoảng cách lớn giữa đào tạo và nhu cầu thực tế. Vậy theo ông, để thu hẹp khoảng cách này chúng ta sẽ phải điều chỉnh những gì?
|
"Sử dụng và bồi dưỡng nhân tài Việt Nam hiện còn nhiều bất cập" - Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học vật liệu – Viện KHCN Việt Nam. |
Ồ thực ra ở đây có một sự nhầm lẫn bởi thực tế đó không chỉ có ở Việt Nam mà ở nước ngoài cũng thế thôi. Nhà trường làm sao có thể dạy những kiến thức và truyền bá kinh nghiệm mà sau khi ra trường họ có thể làm việc trong các doanh nghiệp được ngay. Nhà trường chỉ có thể dạy cho họ những kiến thức cơ bản và cách tiếp cận, đồng thời cũng cho họ thử làm vài việc. Điều quan trọng ở các nước là trước khi ra trường 6 tháng, sinh viên phải thử việc trong các doanh nghiệp để làm quen với môi trường này.
Chính trong thời gian này, sự kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ giúp sinh viên hoàn thiện hơn nữa kiến thức đào tạo, và có kinh nghiệm làm việc thực tế. Cách tốt nhất là doanh nghiệp mở cửa đón nhận sinh viên vào làm đồ án tốt nghiệp hoặc khóa luận tốt nghiệp, và chính những kỹ sư trong doanh nghiệp sẽ hướng dẫn và trở thành người thầy của họ.
Như tôi đã nói, điều quan trọng nhất là phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Nếu như ở nước ngoài, nếu không có thời gian thử việc 6 tháng hoặc một năm tại doanh nghiệp, nhà trường sẽ không cấp bằng kỹ sư. Còn ở Việt Nam chúng ta cứ ra trường chưa có gì là đã cấp bằng kỹ sư, thậm chí là không cần thời gian thử việc trước đó. Cho nên tôi nghĩ rằng các sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành công nghệ, trước khi được cấp bằng phải có thời gian thử việc 6 tháng trong các doanh nghiệp.
Nhiều nhận xét cho rằng sinh viên Việt Nam vẫn nặng về lý thuyết và yếu về thực hành. Một sản phẩm dù nghe hay đến mấy nhưng không thể ứng dụng vào thực tế để phục vụ con người thì cũng khó có thể nói là giá trị. Vậy theo ông điều này là do nền tảng đào tạo hay là tính thực tế của sinh viên hiện nay vẫn chưa cao?
Nói một cách chính xác thì sinh viên chúng ta vừa kém về lý thuyết, vừa kém về thực hành. Nguyên nhân chính là do đào tạo từ nhà trường. Phải có một quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học. Còn tình hình như hiện nay thì không có cách nào cả. Biện pháp quyết liệt hiện nay là phải nâng cao chất lượng giảng dạy của các trường đại học. Đừng nói sinh viên chúng ta nặng về lý thuyết, bởi thực ra lý thuyết vẫn còn rất nhẹ, còn thực hành thì hầu như là không có gì.
Trong những năm gần đây, nhà nước ta đã nỗ lực rất lớn trong việc khuyến khích các nhà khoa học phát triển. Nói một cách thực lòng, ông đã thấy đội ngũ các nhà khoa học của chúng ta đã theo kịp với khu vực và thế giới hay chưa?
Rất khó trả lời câu hỏi này. Quan điểm thế nào về đội ngũ các nhà khoa học? Trong nhiều lĩnh vực khoa học, Việt Nam chúng ta hiện nay có những nhà khoa học mà trình độ không thua kém gì những nhà khoa học giỏi của nước ngoài, tuy nhiên điều đáng tiếc là số đó còn khá ít. Còn trung bình thì phải nói là tương đối thấp nếu không dám nói là quá thấp!
Tiêu chí lớn nhất của cuộc thi NTDV là tính trí tuệ và khả năng ứng dụng thực tế để mang lại hiệu quả cho đất nước. Vậy theo ông các sản phẩm dự thi NTDV trong thời gian qua có đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này không?
Cái thứ nhất là tiêu chí trí tuệ không rõ ràng. Tôi phân tiêu chí này ra làm 2 phần, phần thứ nhất là trình độ cao nghệ cao, phần thứ hai là tính sáng tạo. Phải nói là cũng còn hạn chế. Nếu so với những sản phẩm của nước ngoài thì trình độ công nghệ của chúng ta chưa cao. Lý do là trình độ đào tạo của chúng ta hiện nay vẫn còn cơ bản, và công nghệ công tin luôn thay đổi mà các bạn trẻ của chúng ta vẫn chưa có điều kiện tiếp cận những công nghệ mới nhất.
Nhưng trong điều kiện hạn chế đó mà đã làm ra những sản phẩm như vậy thì tính sáng tạo đã rất cao. Tôi đánh giá cao tính sáng tạo của các sản phẩm dự thi, còn khả năng ứng dụng thực tế thì tuyệt vời. Có rất nhiều các sản phẩm của nước ngoài tuy cùng loại tuy hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn, nhưng lại không thích hợp với điều kiện Việt Nam. Còn các sản phẩm do các bạn Việt Nam làm ra tuy kém hơn nhưng lại phù hợp hơn rất nhiều cho người dùng Việt Nam.
Nếu muốn lưu ý các thí sinh trong cuộc thi NTDV năm nay, ông muốn nói với họ điều gì?
Tôi muốn nói là sáng kiến của Tập đoàn VNPT và Hội khuyến học Việt Nam tổ chức cuộc thi NTĐV này, và đặc biệt là VNPT đã tài trợ rất nhiều cho cuộc thi là một ý tưởng tuyệt vời, và tôi rất mong các bạn trẻ nhiệt liệt hưởng ứng cuộc thi này. Xin nói thêm là chỉ mấy công trình có giá trị được giả thưởng thôi nhưng các đơn vị của VNPT, cũng như các doanh nghiệp khác nếu thấy các sản phẩm có khả năng ứng dụng thực tế, và có thể sử dụng được ngay thì họ cũng sẵn sàng vốn đầu tư và chấp nhận ngay các công nghệ đó.
Xin cám ơn ông!
(Theo VnMedia)