Sự kiện mở ra kỷ nguyên mới cho Crưm và nước Nga
Bắt đầu từ ngày 16-3 đến ngày 18-3-2015, ở Cộng hòa Crưm thuộc Liên bang Nga cũng như trên toàn lãnh thổ nước Nga, cộng đồng các dân tộc có cùng chung bản sắc văn hóa Nga đã nô nức, hào hứng và tràn đầy hy vọng về tương lai tổ chức lễ kỷ niệm cùng với nhiều hình thức lễ hội náo nhiệt và sinh động để chào mừng sự kiện lịch sử vùng đất trên bờ Biển Đen sáp nhập về Nga.
Cũng nhân dịp này, kênh truyền hình trung ương Nga trình chiếu bộ phim tài liệu với tựa đề "Crưm - Đường về Tổ quốc", nói về toàn bộ diễn biến quá trình đưa Crưm sáp nhập về Nga. Chiến dịch này được thực hiện dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống Nga V.Pu-tin, hoàn toàn phù hợp với luật pháp Nga và công pháp quốc tế.
Vừa tròn một năm về trước (16-3-2014) người dân thuộc các dân tộc khác nhau ở Crưm được hỏi ý kiến về hai khả năng tiếp tục ở lại U-crai-na hay sáp nhập vào Nga và tuyệt đại đa số họ đã bày tỏ niềm khát khao mong chờ trong suốt 23 năm qua sau khi Liên Xô tan rã là được trở về Nga. Tiếp đến là các sự kiện: ngày 17-3, Tổng thống Nga V.Pu-tin ký Sắc lệnh công nhận Cộng hòa Crưm là một quốc gia độc lập; ngày 18-03, Tổng thống Nga V.Pu-tin và lãnh đạo Cộng hòa Crưm ký kết Hiệp ước sáp nhập bán đảo Crưm thành một chủ thể của Liên bang Nga; ngày 20-3, Đu-ma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) bỏ phiếu phê chuẩn việc chấp nhận nước Cộng hoà Crưm và thành phố Xê-va-xtô-pôn (Sevastopol) là các thực thể mới của Liên bang Nga; ngày 21-3, với số phiếu thuận tuyệt đối (155-155), Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga nhất trí phê chuẩn Hiệp ước sáp nhập nước Cộng hòa Crưm thành chủ thể của Liên bang Nga.
Sau một năm, đa số người dân ở Crưm, trong đó chủ yếu là người Nga, khi được hỏi cảm nghĩ của họ về sự kiện này đều khẳng định, việc Crưm sáp nhập trở về Nga đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển vùng đất này. Đó là kỷ nguyên sau hơn nửa thế kỷ (từ năm 1954), họ đã hai lần bị “trao tay” vào người láng giềng U-crai-na như “những củ khoai tây”. Nếu năm 1954, khi nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô “tặng” Crưm cho U-crai-na, người dân vùng đất này chưa cảm thấy bị tổn thương vì khi đó cả Nga và U-crai-na đều thuộc đại gia đình mang tên “Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-Viết”, gọi tắt là Liên Xô. Nhưng vào năm 1991, khi Liên Xô tan rã, trong cơn hoảng loạn và tình cảnh “hỗn quân hỗn quan”, Crưm lại một lần nữa bị “trao tay” vào U-crai-na. Vì thế mà kể từ năm 1991 tới năm 2014, người dân Crưm luôn ấp ủ khát vọng âm thầm nhưng cháy bỏng là được trở về tổ quốc của họ là Liên bang Nga.
Cuộc đảo chính ở U-crai-na ngày 22-2-2014 với kết quả là một chính quyền bao gồm đa số là các lực lượng phát xít mới và dân tộc cực đoan được người Mỹ dựng lên ở Ki-ep chính là “giọt nước làm tràn li” khiến người dân Crưm phải dũng cảm bày tỏ ý nguyện thiêng liêng của mình trong một cuộc trưng cầu dân ý để được trở về tổ quốc của họ. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 16-3-2014, theo đó 96,77% dân số Crưm và 95,6% dân số thành phố trực thuộc trung ương Xê-va-xtô-pôn đã bỏ phiếu tán thành được thoát khỏi thành phần U-crai-na để sáp nhập về Liên bang Nga.
Theo Pôn Crây Rô-gec (Paul Craig Roberts), nguyên Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Rô-nan Ri-gân (Ronald Reagan), trong một bài viết với tựa đề “Nước Nga bị tấn công”, đã nhận định, hai trong số nhiều mục tiêu chiến lược của Mỹ khi gây ra cuộc khủng hoảng ở U-crai-na là tạo ra làn sóng thanh lọc sắc tộc nhằm vào người dân Nga ở U-crai-na và đẩy Nga ra khỏi căn cứ quân sự ở Crưm. Còn Tổng thống Nga V.Pu-tin là người hơn ai hết thấu hiểu được khát vọng cháy bỏng này của người dân Crưm và ông đã đích thân chỉ huy chiến dịch cứu người dân Crưm thoát khỏi bàn tay diệt chủng của các lực lượng phát xít mới và dân tộc cực đoan ở Ki-ep.
Vị vậy, việc Crưm sáp nhập vào Nga là sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng không chỉ đối với người dân vùng đất này mà còn đối với cả Xứ sở Bạch Dương. Đối với Nga, sự kiện Crưm sáp nhập trở về tổ quốc cũng mở ra một kỷ nguyên mới sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Đó là kỷ nguyên nước Nga lấy lại vị thế một cường quốc, dám đứng lên bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình ngay cả khi phải đương đầu với những thách thức nghiệt ngã nhất.
Trong bộ phim tài liệu "Crưm. Đường về Tổ quốc", Tổng thống Nga V.Pu-tin đã chia sẻ, Nga kiên quyết ủng hộ và bảo vệ nguyện vọng chính đáng của người dân Crưm trở về đất mẹ ngay cả trong trường hợp phải đưa toàn bộ lực lượng hạt nhân chiến lược vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu nếu phải đối mặt với hành động của Mỹ và NATO can thiệp vào tình hình Crưm. Chia sẻ này của Tổng thống Nga V.Pu-tin vượt ra khỏi phạm vi sự kiện Crưm và phát đi một thông điệp rõ ràng và có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Đó là, trong điều kiện hiện nay, Nga sẵn sàng đối mặt với các thách thức từ phía Mỹ và NATO để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trên toàn thế giới. Biều hiện rõ nhất là trong một năm qua, Nga điều động lực lượng máy bay ném bom chiến lược tầm xa bay tuần tra trên khắp các đại dương của thế giới, từ Bắc Bang Dương, Đại Tây Dương tời Thái Bình Dương. Vào dịp kỷ niệm một năm Crưm sáp nhập về Nga, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã ra lệnh tiến hành cuộc diễn tập quân sự đối với tất cả Các lực lượng vũ trang Nga nhằm sẵn sàng hóa giải mọi thách thức từ bên ngoài.
Sự kiện Crưm sáp nhập Nga chấm dứt kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực
Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ là siêu cường duy nhất đạt được tham vọng của họ là thiết lập trật tự thế giới đơn cực do Washington lãnh đạo. Từ đó, Mỹ ngang nhiên phát động nhiều cuộc chiến tranh và can thiệp vào chủ quyền quốc gia của nhiều nước dưới các danh nghĩa do họ tự dựng lên như “bảo vệ nhân quyền” hay “can thiệp nhân đạo” (chiến tranh Cô-xô-vô cuối năm 1998 đầu 1999), “chống khủng bố” (chiến tranh Ap-ga-ni-stăng năm 2001), “chống nguy cơ phổ biến vũ khi sát thương hàng loạt” (chiến tranh I-răc năm 2003), “chống chế độ cầm quyền độc tài” (chiến tranh Li-bi năm 2011) và “cuộc chiến tranh qua tay người khác” ở Xy-ri từ năm 2001 tới nay; “xúc tiến dân chủ” để tổ chức cuộc đảo chính ở U-crai-na và dùng người U-crai-na chiến đấu thay Mỹ chống lại Nga. Gần đây nhất, từ tháng 8-2014, Mỹ núp dưới chiêu bài “chống Nhà nước Hồi giáo” đã tiến hành không kích các mục tiêu trên lãnh thổ I-răc và Xy-ri để thực hiện Đề án Đại Trung Đông.
Vì thế, ngay từ năm 2007, sau gần hai nhiệm kỳ cầm quyền (2000-2008) đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc, trong bài phát biểu thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận tại Hội nghị an ninh quốc tế Mu-nich ở CHLB Đức, Tổng thống Nga V.Pu-tin cho biết Mat-xcơ-va không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường duy nhất lãnh đạo vì trật đó không dân chủ, không tính đến lợi ích của các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế và là nguồn gốc gây ra bất ổn trên thế giới. Bài phát biểu của Tổng thống Nga V.Pu-tin được dư luận đánh giá là “tuyên ngôn của nước Nga về trật tự thế giới”.
Sau đó một năm, vào ngày 8-8-2008, Quân đội Gru-di-a được sự hậu thuẫn của Mỹ và NATO, đã bất ngờ tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Ô-xê-ti-a và Ap-kha-di-a. Ngay lập tức, Nga đã đáp trả đích đáng và làm thất bại “cuộc chiến tranh qua tay người khác” của Mỹ và NATO ở Nam Ô-xê-ti-a. Theo nhận định của giới phân tích ở Phường Tây, sự kiện này đã đặt dấu chấm hết cho trật tự thế giới đơn cực. Tuy nhiên, việc Tổng thống Nga V.Pu-tin cứu Crưm, đưa vùng đất này trở về Nga và làm phá sản mục tiêu chiến lược số 1 của Mỹ ở U-crai-na mới là sự kiện có ý nghĩa quyết định chấm dứt trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo sau Chiến tranh lạnh.
Sau sự kiện có ý nghĩa lịch sử này, Mỹ đã phải chơi “ván bài lật ngửa” với Nga, coi Nga là “kẻ xâm lược” trong trận chiến địa-chính trị sử dụng U-crai-na làm chiến trường chống Nga, hoàn toàn không có gì chung với cái gọi là “xúc tiến dân chủ” hay “phổ biến các giá trị Phương Tây” ở quốc gia Đông Âu này.
Hành động của Mỹ không những không cô lập được Nga trên trường quốc tế mà chỉ có tác dụng đẩy Nga, Trung Quốc cùng với các nước khác tăng cường liên kết với nhau, đưa thế giới phát triển theo hướng hình thành trật tự thế giới đa cực, nhiều trung tâm, đan xen với các mối quan hệ đa đối tác.
Trong Tuyên bố chung của Nhóm Nooc-măng-đi sau khi đàm phán để ký kết Thỏa thuận Min-xcơ-2 đã thể hiện quan điểm các nước Châu Âu cam kết cùng với Nga xây dựng không gian kinh tế và nhân đạo chung từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng đầy đủ luật quốc tế và các nguyên tắc của Tổ chức hợp tác vá an ninh Châu Âu (OSCE), mở ra triển vọng cải thiện quan hệ EU-Nga hướng tới xây dựng không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á-Âu.
Crưm bước đầu thay đổi sau một năm sáp nhập vào Nga
Sau khi Crưm sáp nhập vào Nga, Mat-xcơ-va đã xây dựng chiến lược phát triển toàn diện vùng đất này và bước đầu đã tạo ra những thay đổi tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau một năm, Crưm đã hội nhập vào nền chính trị, quốc phòng, kinh tế-xã hội, văn hóa và hệ thống cơ sở hạ tầng của Nga. Crưm bắt đầu sử dụng đồng rúp và tới năm 2016 sẽ chấm dứt lưu thông đồng tiền U-crai-na ở vùng đất này. Công chức nhà nước nghỉ hưu tại Crưm bắt đầu nhận lương hưu theo chế độ phù hợp với luật pháp Nga.
Sau khi U-crai-na chấm dứt dịch vụ giao thông với Crưm, Nga đã bắt đầu thực hiện kế hoạch tăng cường các kết nối giao thông của vùng đất này với các khu vực của Nga, chuẩn bị xây dựng một tuyến đường cao tốc mới từ các thành phố Xim-phe-rô-pôn (Simferopol) và Xê-va-xtô-pôn, các biển số xe ô tô mới với mã số 82 đã được cấp cho Crưm. Crưm và thành phố Xê-va-xtô-pôn đã được tham gia tất cả các chương trình của Nga nhằm cung cấp nhà ở cho các cựu chiến binh và các chương trình xã hội khác. Trong tháng 4-2014, Crưm đã tiến hành cải cách hệ thống giáo dục theo các tiêu chuẩn giáo dục của Nga.
Mat-xcơ-va đã có kế hoạch xây dựng 11 trung tâm du lịch và giải trí tại Crưm với khoảng 9.000 địa điểm di sản văn hóa, trong đó có hơn 5.000 địa điểm khảo cổ, trong đó Chính phủ Nga sẽ chi 21 tỷ rúp (338 triệu USD) để phát triển khu vui chơi A-rơ-tech (Artek) nổi tiếng thế giới dành cho trẻ em. Chính phủ Nga đã xây dựng Chương trình liên bang đặc biệt với ngân sách 49 tỷ rúp (788 triệu USD) để phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng cho Crưm.
Vừa qua, Mat-xcơ-va tuyên bố, Nga đã sẵn sàng bố trí lực lượng hạt nhân tại căn cứ quân sự ở Crưm. Trong các cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu bất thường của Các lực lượng vũ trang Nga trong tháng 3-2015, các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga sẽ được triển khai ở Crưm. Như vậy, Mat-xcơ-va đã biến căn cứ quân sự ở Crưm thành tiền đồn bảo vệ chủ quyền của Nga trên hướng tây-nam trước nguy cơ xâm lược của Mỹ và NATO từ Biển Đen và Châu Âu./
Lê Thế Mẫu