Thứ Năm, 19/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 31/8/2014 11:50'(GMT+7)

Sự nguy hiểm của IS và phong trào thánh chiến

Các tay súng IS tại tỉnh Ni-nê-vê của I-rắc. (Ảnh: AFP)

Các tay súng IS tại tỉnh Ni-nê-vê của I-rắc. (Ảnh: AFP)

Leo thang tham vọng

IS là tên gọi mới được thay đổi gần đây của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo I-rắc và vùng Cận Đông (ISIL) có xuất thân từ những người Hồi giáo dòng Xăn-ni tại Xy-ri. Đây chính là lực lượng chính chống lại chính quyền Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát, dẫn tới cuộc nội chiến đẫm máu tại quốc gia này. Không chỉ ở Xy-ri, nhóm này còn nuôi tham vọng mở rộng biên giới của Nhà nước Hồi giáo tự xưng tới I-rắc, Li-băng và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn biến bạo lực tại I-rắc thời gian qua chính là do IS đã mở rộng các cuộc tấn công đẫm máu sang lãnh thổ I-rắc, với tham vọng lật đổ chính quyền nước này và thành lập một nhà nước Hồi giáo có lãnh thổ như đúng tên gọi cũ là ISIL. Thậm chí, nhóm cực đoan này còn có kế hoạch xóa bỏ biên giới Xy-ri với I-rắc, đặt nền tảng cho việc thành lập một nhà nước mới.

Nhưng đó chỉ là mục tiêu ban đầu của nhóm phiến quân nổi loạn này. Sau khi đã giành được những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường, chiếm lĩnh nhiều thành phố quan trọng ở I-rắc và đang tiến sát thủ đô Bát-đa đe dọa tới chính quyền Trung ương I-rắc, nhóm này mới đây đã đổi tên thành IS. Tên gọi mới phản ánh rõ tham vọng chính trị to lớn của IS muốn thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” chính thống, có phạm vi thống trị trên toàn thế giới. Cùng với việc đổi tên thành IS, nhóm này còn tuyên bố thủ lĩnh Ba-da-di (Baghdadi) của họ là lãnh đạo của thế giới Hồi giáo. Động thái này được cho là nhằm truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh nhằm lôi kéo các phần tử Hồi giáo cực đoan tham gia phong trào thánh chiến.

Rõ ràng, IS đang tìm cách phục hồi lại ý nghĩa của khái niệm Hồi giáo thuần túy và tự cho mình là đại diện cao nhất của mọi tín đồ Hồi giáo. IS tung hô thủ lĩnh Ba-da-di là nhà chiến thuật tài giỏi, người đã đánh bại các lực lượng Mỹ sau cuộc chiến I-rắc năm 2003. Với cách ca tụng này, IS đang tuyên truyền Ba-da-di như một đối thủ của thủ lĩnh Al-Qaeda, A-y-man An Da-oa-hi-ri trong cuộc cạnh tranh trở thành kẻ thánh chiến có ảnh hưởng nhất trên thế giới và thống lĩnh thế giới Hồi giáo.

Tham vọng cùng những hành động của IS cho thấy tổ chức này đang tìm cách vượt mặt Al-Qaeda mà mình từng trực thuộc. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gien-na-đi Ga-ti-lốp nhận định rằng: “Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo của IS nói về việc thành lập “Vương quốc Hồi giáo” chính thống ở khu vực rộng lớn của thế giới Hồi giáo, ảnh hưởng tới lãnh thổ của hai quốc gia. Điều này cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề, thậm chí ngay cả Al-Qaeda cũng không được tính đến trong kế hoạch đầy tham vọng của tổ chức này”.

Nhóm này còn buộc tội Al-Qaeda đã không đạt được tiến bộ rõ ràng trong vài thập kỷ qua, trong khi IS đã và đang có cơ hội thành lập được một nhà nước Hồi giáo. IS hiện đang chiếm đóng một khu vực tương đương với diện tích của Gioóc-đa-ni, kéo dài từ vùng biên của thành phố A-lép-pô đến ngoại ô Bát-đa. IS đã chiến thắng dễ dàng trước lực lượng an ninh và quân đội I-rắc có quân số vượt trội hơn các nhóm chiến binh thánh chiến của IS, với tỷ lệ là 100 chọi 1.

Sức mạnh gia tăng

IS ngày càng lớn mạnh một phần nhờ thu hút được hàng nghìn tay súng Hồi giáo nước ngoài do lời kêu gọi của Ba-da-di, cùng bộ máy tuyên truyền tinh vi của tổ chức này với việc xuất bản các tạp chí, video bằng tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Trong khi đó, tại I-rắc, nhóm này cũng tập hợp thêm được không ít lực lượng từ những tay súng cực đoan dòng Xăn-ni bất mãn với chính quyền và cả những tay súng thuộc Chính phủ I-rắc từ bỏ hàng ngũ gia nhập IS. Theo đánh giá, sự thành công của IS phần lớn là do nhiều cựu sĩ quan quân đội và tình báo giàu kinh nghiệm dưới thời Tổng thống Xát-đam Hút-xen đã đứng lên liên kết với IS.

Theo đánh giá của nhiều chính trị gia, sức mạnh của IS phụ thuộc nhiều vào nguồn lực địa phương. IS đã chiếm được nhiều mỏ dầu, nhà máy lọc dầu ở I-rắc cùng nhiều loại vũ khí khi quân đội I-rắc buông súng đầu hàng. Tại Xy-ri, IS cũng đang tiến hành các cuộc tấn công lớn nhằm chiếm lĩnh và cố thủ nhiều mục tiêu quan trọng.

Thành công của IS trên chiến trường cùng sức mạnh gia tăng của tổ chức đã thực sự gây lo ngại không chỉ cho chính quyền I-rắc, Xy-ri mà cả cộng đồng quốc tế. Tham vọng của IS được cho là đang đe dọa tới lợi ích không chỉ của I-rắc, Xy-ri, Mỹ và các nước trong khu vực mà cả trên thế giới. Nguy hiểm hơn, sự lớn mạnh của IS sẽ là một thách thức đối với nỗ lực kiểm soát phong trào thánh chiến của các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới.

Tự mình cô lập vì bạo tàn


Với việc đổi tên thành IS và tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo, IS đang tự làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh vốn chưa có gì bảo đảm chắc chắn với một lực lượng chủ chốt của mình là các tay súng Xăn-ni. Bởi mục tiêu của các tay súng Xăn-ni chỉ là lật đổ chính phủ I-rắc do người Si-ai lãnh đạo để giành tiếng nói và vai trò quan trọng hơn cho cộng đồng Xăn-ni ở I-rắc. Ông Ha-mít An-mút-lắc, một nghị sĩ Quốc hội người Xăn-ni, cho rằng: “Đây là một kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm phá vỡ xã hội, gây bất ổn và thiệt hại. Nó không phải vì lợi ích của người I-rắc”.

Hiện nay, một số lực lượng Xăn-ni ủng hộ IS nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn chống lại chính quyền I-rắc thì giờ đây, họ không còn lý do để tiếp tục liên kết với tổ chức thánh chiến Hồi giáo này sau tuyên bố ra đi của Thủ tướng An Ma-li-ki. Vào cuối tuần qua, 25 bộ tộc người Xăn-ni ở tỉnh miền Tây An-ba đã phát động “cách mạng nhân dân” chống IS và phối hợp với quân chính phủ đẩy lùi nhóm thánh chiến này ra khỏi khu vực của mình.

Đó là chưa kể việc tuyên bố thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” sẽ không bao giờ được I-ran và các tín đồ Hồi giáo dòng Si-ai hay A-rập Xê-út thừa nhận. Bởi A-rập Xê-út vẫn luôn tự cho mình là Vương quốc Hồi giáo có vai trò bảo trợ và bảo vệ cho các điểm thiêng liêng nhất của Hồi giáo.

Các nước Hồi giáo ôn hòa và những cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới cũng khó có thể chấp nhận tham vọng của IS. Các nước trong khu vực đều xác định, một Nhà nước Hồi giáo tự phong ở khu vực sẽ là một mối đe dọa đối với an ninh của nước mình.

Như vậy, “gậy ông đập lưng ông”, tham vọng về một “Vương quốc Hồi giáo” chính thống có thể khiến IS phải gánh chịu những hậu quả khó lường. Ngoài ra, IS đang tự đẩy mình vào thế bị cô lập do sự tàn bạo, man rợ trong các cuộc tấn công và hành động bạo lực của mình. Các vụ hành quyết dã man nhằm vào các tín đồ Công giáo, Hồi giáo dòng Si-ai và người thiểu số Y-a-di-đi ở miền Bắc I-rắc của IS sẽ chỉ khiến tổ chức này có thêm nhiều kẻ thù. IS đã thảm sát ít nhất 500 người Y-a-di-đi, trong đó, một số nạn nhân đã bị chôn sống. Và nhất là sau vụ chặt đầu nhà báo người Mỹ Giêm Pho-lây mới đây, IS khó mà được tha thứ cũng như không thể tự do hoành hành, gây tội ác như trước.

Ngoài ra, IS còn gây lo ngại cho các tín đồ người Xăn-ni khi thực thi các biện pháp hết sức hà khắc kiểu Hồi giáo cực đoan tại những khu vực do họ kiểm soát ở I-rắc và Xy-ri. Sự bạo tàn của IS khiến tất cả các phe phái không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hòa giải và liên kết với nhau để chống lại lực lượng này.

Ngăn IS: Hy vọng vào màn đánh cược?

Về phía cộng đồng quốc tế, sau một thời gian phản ứng yếu ớt những diễn biến bạo lực tại I-rắc do cuộc nổi dậy của IS, cộng đồng quốc tế đang cho thấy những nỗ lực tích cực hơn sau khi nhận thấy những nguy cơ rõ ràng đối với khu vực và thế giới mà IS đang tạo ra. Thậm chí, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) còn cho rằng, thế giới đang phải đối phó với tình trạng khủng bố nghiêm trọng như năm 2001. Tổng thống Pháp cho biết, ông sẽ thu xếp tổ chức một hội nghị an ninh, có thể trong tháng tới, để bàn về mối đe dọa IS. Các nước cần đề ra một chiến lược toàn cầu nhằm đối phó với IS, lực lượng được tổ chức tinh vi và có sự hậu thuẫn cả về tài chính và vũ khí.

Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gien-na-đi Ga-ti-lốp đã đề xuất sáng kiến thành lập diễn đàn quốc tế về I-rắc. Mát-xcơ-va đã nhanh chóng đáp ứng đề nghị chính thức của Bát-đa về cung cấp vũ khí. Theo nhật báo Vedomosti, I-rắc đã ký kết một số hợp đồng với Nga về việc cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD nhân chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng I-rắc hồi tháng 7 vừa qua.

Mỹ mặc dù khẳng định không đưa quân vào I-rắc nhưng cũng đã hỗ trợ chính phủ I-rắc chống lại IS bằng việc tiến hành các cuộc không kích. Hiện Mỹ và I-ran đang tìm cách lôi kéo người Cuốc tham gia cuộc chiến chống lại IS cùng với chính phủ I-rắc, thông qua việc thúc đẩy chính quyền người Cuốc tại I-rắc và đặc biệt là lực lượng Peshmerga thiện chiến của cộng đồng này. Theo giới phân tích, nếu Oa-sinh-tơn muốn ngăn chặn và tiêu diệt IS thì sử dụng lực lượng Peshmerga sẽ là một vụ đánh cược tốt nhất. Mặc dù trên thực tế, người Cuốc tại I-rắc có những lúc cũng phải chiến đấu chống lại các tay súng của IS để bảo vệ quyền lợi của mình ở một số khu vực, nhưng để người Cuốc thực sự tham gia vào cuộc chiến chống tại IS lại là một câu chuyện khác.

Các nhà phân tích dự đoán, Mỹ có thể sẽ buộc phải hành động để thuyết phục người Cuốc tham gia tấn công hoặc chí ít cũng cung cấp hỗ trợ hậu cần và hoạt động tình báo hỗ trợ cho quân đội I-rắc. Có thể Mỹ sẽ phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc buôn bán dầu của người Cuốc. Mỹ cũng sẽ phải tiến tới từ bỏ sự phản đối của họ đối với việc buôn bán dầu một cách độc lập của người Cuốc, tạo điều kiện tìm kiếm khách hàng và ủng hộ sự tồn tại của dòng ngoại tệ độc lập vào doanh thu của chính quyền người Cuốc. Thậm chí, Oa-sinh-tơn có thể phải tiến tới trang bị khí tài cho lực lượng Peshmerga.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây cũng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đưa các thủ lĩnh IS vào danh sách trừng phạt và “đóng băng” các tài sản liên quan đến nhóm này. Nghị quyết cũng đe dọa trừng phạt tất cả các cá nhân hay tổ chức nào tuyển mộ nhân sự, cung cấp tài chính hay vũ khí cho IS, qua đó chặt đứt mọi nguồn hỗ trợ của nhóm phiến quân này.

Với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và diễn biến xoay chiều ở I-rắc như trên, có thể trong thời gian tới, IS sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trên con đường thực hiện các tham vọng chính trị của mình ở khu vực cũng như thế giới./.

Xuân Phong (QĐND)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất